Tay không đi làm thủ tục

TP - Lúc còn nhỏ muốn đi học trường đúng tuyến, cần sổ hộ khẩu. Hết phổ thông, muốn thi ĐH, cần sổ hộ khẩu. Muốn làm CMTND, hộ chiếu, càng cần sổ hộ khẩu.

Lớn lên, dựng vợ gả chồng cần đăng ký kết hôn, sinh con đẻ cái cần giấy khai sinh, mua bán nhà cửa cần sổ đỏ sổ hồng, thậm chí cả thi tuyển công chức, tất tần tật đều phải có trong tay “bảo bối” sổ hộ khẩu.

Như vậy, một công dân Việt, từ khi sinh ra cho tới lúc mất đi, cuốn sổ hộ khẩu là “vật bất ly thân” tối quan trọng theo họ đến suốt đời. Bố mẹ tôi, về hưu ngót hai chục năm, đến nay vẫn luôn giữ gìn cuốn sổ hộ khẩu như một “báu vật”. Một thói quen của sự phiền hà đã ăn sâu vào tiềm thức. Cũng dễ hiểu, bởi trong thời bao cấp của các cụ, nếu không có cuốn sổ bìa cứng bằng bàn tay kia, đồng nghĩa với việc không thể có sổ gạo, tem phiếu thực phẩm, chất đốt cùng nhiều quyền lợi thiết yếu khác, không có hộ khẩu, với các cụ khác gì không tồn tại trên cõi đời này?

Nay bằng Nghị quyết 112 vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 30/10/2017, cuốn sổ hộ khẩu “thần thánh” sẽ chính thức bị bãi bỏ và được thay bằng công nghệ quản lý hiện đại thời 4.0 - Mã số định danh cá nhân. Kéo theo đó là hàng loạt thủ tục phiền hà liên quan tới chuyển tách, nhập hộ khẩu, chứng minh mối quan hệ gia đình, đăng ký thường trú, tạm trú… sẽ được bãi bỏ.

Có thể nói, việc bỏ sổ hộ khẩu đối với công dân Việt thực sự là một bước ngoặt mang tính cách mạng trong nhận thức về một nền hành chính phục vụ người dân, thay vì “hành là chính” bấy lâu nay. Thay vì việc bắt buộc người dân phải có nghĩa vụ chứng minh “tôi là tôi”, phải xuất trình sổ hộ khẩu, CMTND trong hầu hết các giao dịch hành chính, nay đến lượt các viên chức nhà nước phải làm việc đó, công dân chỉ cần cung cấp duy nhất mã số định danh của mình.

Như vậy, có thể hiểu công việc khó khăn và phiền hà trong thủ tục hành chính, trước nằm ở nơi dân, nay chuyển sang các cơ quan nhà nước. Bỏ sổ hộ khẩu, làm sao vẫn quản lý tốt các công dân, vẫn tránh được hiện tượng quá tải hạ tầng ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TPHCM, vẫn cung cấp các dịch vụ hành chính công một cách nhanh chóng, chính xác và thuận tiện, đó chính là nhiệm vụ của các bộ ngành liên quan.

Bỏ sổ hộ khẩu và CMTND, tiến tới cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính để cung cấp tới người dân những dịch vụ công chuyên nghiệp và hiệu quả nhất. Rồi đây, mọi công dân Việt, không phân biệt giàu nghèo, có quan hệ hay không, sẽ thực sự tự tin tay không đi làm thủ tục ở chốn công quyền mà không cần sổ hộ khẩu, CMTND và… phong bì. Đó chính là bước chuyển biến mang tính cơ bản nhất của một nền hành chính phục vụ, của một “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân”.

MỚI - NÓNG
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.