Tây Nguyên khát

Tây Nguyên khát
TP - Mùa mưa năm nay đến muộn, kết thúc sớm, lượng mưa trung bình giảm mạnh nên mới đầu mùa khô mà đã cạn kiệt nước trên hầu hết ao hồ, sông suối khắp Tây Nguyên. Thủy lượng trữ trong các hồ đập thủy lợi đều xuống dưới mực nước chết, dần trơ đáy. Hàng vạn hécta cà phê, tiêu thiếu nước tưới; hàng nghìn hécta ruộng lúa,  hoa màu bị bỏ hoang.

Cây chết khô

Đường vào xã Ea Ngai, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk, không khí khô rát đến ngạt thở. Bà Nguyễn Thị Hoa (thôn 6, xã Ea Ngai) buồn bã: “Nước bây giờ quý hơn bất cứ thứ gì, không ai dám lãng phí dù chỉ một giọt. Mới đây, hai người dân thôn này vì đào đất thay ống cống bị rò rỉ mà sập hầm chết, khiến cả thôn đau xót”. 

Ông Võ Chúng, Chủ tịch UBND xã Ea Ngai, cho biết: Toàn xã có 2.600 ha với cây trồng chủ lực là cà phê, hiện mới tưới xong đợt 2, nhưng sông suối, ao hồ đã cạn, không còn nước tưới đợt 3, khả năng bị hạn khoảng 1.000 ha. Nhiều hộ dân phải tự khoan giếng lấy nước. Để tìm cách chống hạn, ngày 17/2, nhiều hộ dân trong xã đi nạo vét kênh mương, khơi thông cống rãnh dẫn nước về tưới cà phê. Dân thôn 6 phát hiện một đoạn cống ngầm bị rò rỉ, liền bảo nhau đào dỡ thay cống. Ngờ đâu trong lúc đào, đất sập vùi lấp mất 2 người. Chưa năm nào nạn hạn hán lại dẫn đến hậu quả đau lòng như năm nay.

Giữa tiết trời nắng như đổ lửa, hàng chục hộ dân xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông căng bạt, dựng lều, đặt bơm nước ngổn ngang dọc bờ hồ thủy lợi Đắk Ken. Ông Đặng Văn Quê (ngoài 50 tuổi, ở thôn 9) cố vét bùn cho nước đọng thành vũng, hổn hển nói: “Có chút nước, đặt vòi vào hy vọng máy có thể khởi động để cứu 3 ha cà phê đang chết khát. Chúng tôi dựng lều túc trực ở đây gần một tuần nay, chia nhau tưới nhưng nhiều nhà chỉ tưới được 1 đợt. Một số hộ khác khoan giếng nhưng không có nước, phải lần mò đi mua nước ao, hồ của người dân khu vực khác với giá 200.000 đồng/1 giờ bơm tưới”.

Huyện Cư Jút là địa phương đang chịu hạn nặng nhất tỉnh Đắk Nông. Toàn huyện có 4 hồ thủy lợi thì 2 hồ đã cạn trơ đáy từ lâu, hai hồ còn lại nằm dưới mực nước chết. Ông Hồ Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cư Jút, cho biết: Từ đầu vụ, huyện chỉ đạo các địa phương giảm hơn 100 ha diện tích gieo trồng lúa, tập trung sản xuất những vùng đủ điều kiện. Đối với khu vực hồ thủy lợi còn nước tưới thì tổ chức bơm vượt tràn để chống hạn. Huyện đã đề xuất UBND tỉnh cấp kinh phí nâng cấp một trạm biến áp điện, xây dựng một trạm bơm, đường dẫn khoảng 1km bơm nước từ sông Sêrêpốk vào hồ buôn Buôr, xã Tâm Thắng, cứu hàng trăm hécta cà phê. Khoảng 20 ngày tới mà không có mưa, hàng trăm hécta cây trồng ngắn ngày sẽ mất trắng, khoảng 255 ha cà phê, tiêu sẽ chết khô.

Tây Nguyên khát ảnh 1

Cà phê héo rũ vì thiếu nước.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, ông Phạm Hữu Hào cho biết: Tỉnh Đắk Nông có khoảng 120.000 ha cà phê, 160.000 ha hồ tiêu và khoảng 4.900 ha lúa đông xuân. Mùa mưa năm nay kết thúc sớm, lượng mưa chỉ đạt 70 - 80%,  hạn hán đang hoành hành ở các huyện Đắk Song, Đắk Mil, Krông Nô, Cư Jút. Sở đã chỉ đạo các địa phương, Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông nâng cấp, gia cố hồ đập, khơi thông dòng chảy, nạo vét ao hồ. Đến nay, có 135/159 hồ chứa do Cty Khai thác Công trình thủy lợi Đắk Nông quản lý xuống dưới mực nước dâng bình thường; trong đó, hàng chục hồ đã cạn trơ đáy hoặc nằm dưới mực nước chết.

Đất bỏ hoang

Đắk Lắk có 770 công trình thủy lợi phục vụ chủ yếu cho hai loại cây trồng cần nhiều nước là cà phê và lúa. Các hồ đập chỉ đáp ứng được 50% dung tích, thiếu hụt nước tưới so với mọi năm 20 - 40%. Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Đắk Lắk, trong vụ đông xuân 2015 - 2016, có 25 hồ thiếu nước từ đầu vụ, 143 hồ thiếu nước về cuối vụ, khả năng cả tỉnh phải cắt giảm gần 1.100 ha lúa, diện tích cần chống hạn về cuối vụ hơn 10.000 ha gồm lúa và cà phê. Tuy nhiên, nước tưới vẫn thiếu hụt, thậm chí hàng trăm hộ dân không có nước sinh hoạt.

Hai bên vệ đường xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, những cánh đồng chỉ còn rạ xơ xác, đất đai khô cằn. Ông Nguyễn Xuân Tùng (xã Ea Wer) thở dài: “Trước đây, 7 sào ruộng của gia đình tôi mỗi năm gieo trồng 3 vụ, nay chỉ sản xuất được 1 vụ vào mùa mưa, còn lại đành bỏ hoang đất trống vì không có nước thì trồng cây gì được. Những ruộng quanh đây đều chung cảnh ngộ. Có muốn làm cũng không được bởi không có nước”.

Tây Nguyên khát ảnh 2

Cánh đồng xã Ea Wer bị bỏ hoang.

Chị Phan Thị Huệ (xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn) mệt mỏi nói: “Các năm trước giờ này nước dùng thoải mái, không hiểu sao năm nay hạn quá. Mấy tuần rồi, gia đình tôi phải đi các xã lân cận mua nước về sinh hoạt, dùng nước phải chắt chiu, đong đếm từng giọt. Nếu hạn kéo dài nữa không biết phải mua nước ở đâu”.

Đến xã Ea Sin, huyện Krông Búk, chúng tôi gặp đoàn người lỉnh kỉnh chai, lọ đi lấy nước. Bà H’ Nay Mlô (45 tuổi, buôn Cư Kanh) cho biết: “Mỗi ngày tranh thủ lúc sáng sớm, xế chiều, bà con 4 thôn, buôn lại rủ nhau đi chừng 2 cây số đến các khe suối tìm nước. Mùa này phải đi sớm, đến đập Ea Truôl cách 5 cây số mới có nước đem về”.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, hiện tại, nguồn nước tưới cà phê đợt 1 và đợt 2 cơ bản đảm bảo. Tuy nhiên, nguồn nước tưới cà phê đợt 3 nhiều vùng sẽ gặp khó khăn do suối nhỏ, hồ chứa nhỏ cạn kiệt. Tại vùng nghèo nước ngầm ở xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn, khoảng 300 hộ sử dụng giếng đào bắt đầu thiếu nước sinh hoạt. Dự báo đầu tháng 3 có thể xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ ở một số vùng trong tỉnh như: huyện Buôn Đôn, Cư Mgar, Krông Búk, Krông Năng, Krông Bông.

Du khách bỏ đi

Khu du lịch Buôn Đôn (xã Krông Na), khu du lịch sinh thái Bản Đôn (xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn) nơi có dòng sông Sêrêpốk lắm thác ghềnh mùa này đã cạn nước. Lòng sông toàn đá lởm chởm nằm phơi mình dưới nắng gay gắt. Những rặng si già trơ gốc lộ rõ bộ rễ sần sùi đang bấu víu đất đá.

Chị Nguyễn Lê Thanh Thảo - Quản lý Khu du lịch sinh thái Bản Đôn kể: “Nước sông dưới chân cầu treo trơ đáy, đá lộ lởm chởm, khách du lịch đến đây mất hứng thú. Tìm cách cứu khu du lịch, đơn vị đã dùng đá, bao tải dẫn nước chảy qua khu cầu treo nhưng chỉ đủ để nuôi sống những cây si giữa dòng. Hằng ngày, nhân viên phải kéo ống để tưới cây”.

Tây Nguyên khát ảnh 3

Người dân xã Ea Sin phải đi xa lấy nước khe suối  về sinh hoạt.

Ông Y - Thang Kdoh (52 tuổi, xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn) nói: “Trước đây, dòng sông Sêrêpốk hùng vĩ nước chảy cuồn cuộn, gái trai nô nức đùa giỡn tắm sông, buôn làng vui vẻ. Từ khi sông bị chắn ngang dòng bằng đập thủy điện, nguồn nước trở nên cạn kiệt, ô nhiễm. Hàng trăm hộ dân dọc bờ sông đang sống trong cảnh khát nước, phải bỏ hoang đồng ruộng vì không có nước tưới. Hàng chục giếng khoan cũng hết nước vì sông cạn làm mực nước ngầm giảm mạnh”.

Hồ Lắk là một trong những hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Đắk Lắk, nối với sông Krông Ana, rộng khoảng 500 ha. Bây giờ, nước hồ cạn, vắng hẳn bóng thuyền độc mộc chở du khách ngắm bình minh, hoàng hôn. Theo Cty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, trong số 17 hồ chứa ở huyện Lắk do công ty quản lý, 4 hồ đã ở mực nước chết, 7 hồ dung tích đạt 70 - 90%, 6 hồ dưới 50%.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Dương Chí Dũng, Trưởng Phòng kỹ thuật an toàn, môi trường - Sở Công Thương, cho biết: Toàn tỉnh có 19 thủy điện với tổng công suất 886,1MW; so với mọi năm, mùa khô năm nay, lưu lượng nước về hồ chứa giảm, sản lượng phát điện cũng giảm trên 40%. Mực nước ở các hồ lớn trên sông Sêrêpốk biến động lớn. Hồ buôn Tua Sar là cái bụng chứa nước của sông Sêrêpốk, nhưng lượng nước về hồ hiện nay chỉ 17m3/s, quá thấp so với lưu lượng trung bình hằng năm là 102 m3/s; mực nước hồ cũng chỉ vào khoảng 482,2m. Trước tình hình này, các nhà máy thủy điện phải ưu tiên hàng đầu thực hiện nghĩa vụ xả nước theo đúng lưu lượng quy định, đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho người dân vùng hạ du.  

Hạn khốc liệt nhất 18 năm qua

Năm 2015, lượng mưa trung bình ở các tỉnh Tây Nguyên ít hơn 20 - 30% so với mọi năm, trong khi nền nhiệt trung bình lại tăng cao. Tổng lưu lượng mưa tại các tỉnh Tây Nguyên giảm từ 200 - 500mm so với năm 2014, khu vực Tây Nguyên đang đối mặt mùa khô hạn khốc liệt nhất trong vòng 18 năm qua.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.