Tây Nguyên: Làm gì để chống hạn lâu dài?

Tây Nguyên: Làm gì để chống hạn lâu dài?
Đến giữa tháng 3/2005 tỉnh Dăk Lăk đã có tới 10.000 ha lúa ngô hoa màu chết rũ, 90.000 ha cà phê không còn nước tưới, thất thu sản lượng nông nghiệp ước tính không dưới 1000 tỷ đồng …
Tây Nguyên: Làm gì để chống hạn lâu dài? ảnh 1
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk lăk Dương Thanh Trương trước công trình thuỷ lợi Ea Súp Thượng

Nhưng khi nghe phó Chủ tịch tỉnh yêu cầu nộp gấp báo cáo tình hình hạn hán, ông Chủ tịch huyện Ea Súp lại cười toe: “Thưa anh, huyện em không hạn gì cả !”. Phép lạ chăng?

Những công trình đại thuỷ nông quý giá

Tây Nguyên với những đặc điểm riêng về khí hậu, thuỷ văn vốn khu biệt rõ rệt 2 mùa mưa nắng. Mỗi mùa kéo dài nửa năm. Biên độ lũ- hạn giữa 2 mùa ngày càng gia tăng khốc liệt tỷ lệ theo sự suy giảm diện tích rừng che phủ. Không chỉ thiệt hại về chăn nuôi và trồng trọt, hậu quả của lũ, hạn còn tác động dây chuyền tiêu cực đến hàng loạt lĩnh vực khác : nước sinh hoạt, công nghiệp, du lịch, thương mại v.v…

Tiềm năng nổi bật hàng đầu của Tây Nguyên là đất. Đất bazan Tây Nguyên 1,36 triệu ha, chiếm 66% diện tích đất bazan toàn quốc, thuận lợi hình thành các vùng lớn cây chuyên canh công nghiệp giá trị cao. Để tiềm năng ấy biến thành động năng, bài toán phải giải đầu tiên là vấn đề thuỷ lợi. Tây Nguyên có nhiều sông suối lưu vực bao trùm từ Đông sang Tây như sông Ba, Đồng Nai, Sê San, Sêrêpôk.

Việc điều hoà nguồn nước cho Tây Nguyên từ lâu đã được các nhà chuyên môn nghiên cứu dày công. Từ năm 1966 chuyên gia người Nhật đã lặn lội ngang dọc trên cao nguyên Đăk Lăk lập dự án cho công trình đại thuỷ nông Krông Păk Thượng. 30 năm qua, thống kê lại Tây Nguyên đã có gần tròn 1000 công trình thuỷ lợi lớn nhỏ, đủ tưới khoảng 140.000 ha lúa và 180.000 ha cà phê.

Tuy nhiên, so với nhu cầu và tiềm năng thì con số này còn quá nhỏ, hơn nữa quá nửa trong tổng số hồ đập được xây đã hư hỏng, xuống cấp thậm chí vô hiệu. Thực tế cho thấy trên Tây Nguyên, chỉ những hồ đập lớn dung tích hàng triệu mét khối nước trở lên mới đủ sức góp phần chống hạn mùa khô.

Riêng Đăk Lăk trong 600 công trình thuỷ lợi hiện hành có 14 hồ đập lớn cỡ trên 5 triệu m3. Công trình đại thuỷ nông Ayun Hạ trữ lượng 257 triệu m33 (lớn nhất Tây Nguyên), đủ tưới cho 13.500 ha ruộng của tỉnh Gia Lai.

Thứ nhì là hồ Ea Súp Thượng 146 triệu m3 , tưới gần 1 vạn ha hoa màu, cấp nước sinh hoạt cho hơn 2 vạn hộ dân, vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 1/2005, đó là căn nguyên cho nụ cười thoải mái của ông Chủ tịch huyện Ea Súp, tỉnh Đăk Lăk. 

Kon Tum có hồ Đăk Uy trữ được khoảng 50 triệu m3 nước mùa khô. Đây chính là những công trình quý giá giữ màu xanh cho Tây Nguyên trong mùa hạn, góp phần cải thiện môi sinh, môi trường, ngoài ra còn có thể nuôi trồng thuỷ sản, làm thuỷ điện nhỏ v.v…

Hồ Ayun Hạ khánh thành, cá tôm Ayun Pa không chỉ dồi dào tươi rói ở chợ Pleiku mà còn xuôi đường bán xuống chợ Quy Nhơn. Nước hồ Ea Nhái không chỉ Cty Cà phê Thắng Lợi tưới cà phê, mở dịch vụ du lịch mà còn được tỉnh nghiêng ngó tính chuyện “mua” bớt nguồn để bán nước sinh hoạt cho cư dân TP Buôn Ma Thuột.

Đầu tư phát triển thuỷ lợi: Việc cấp bách

Ông Y Ly Niê Kđăm, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội, Phó ban chỉ đạo Tây Nguyên cho rằng, xác định trong các lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư cho Tây Nguyên, đầu tư phát triển thuỷ lợi là việc cấp bách nhất.

Điều đáng chú ý, đây là lĩnh vực không bao giờ có tên trong danh mục dự án kêu gọi đầu tư mà mấy năm gần đây các tỉnh Tây Nguyên liên tục tổ chức nhiều cuộc mời chào, vì tuy mang lại lợi ích dân sinh lớn lao nhưng mỗi công trình đại thuỷ nông đều ngốn hàng nghìn tỷ đồng mà lại khó hạch toán nếu tính chuyện lời lãi , thu hồi vốn. Thuỷ lợi phí xưa nay vẫn là loại phí khó thu mà dễ thâm thủng, thất thoát, không đủ duy tu bảo dưỡng công trình.

Gần đây một số địa phương mới bắt đầu thí điểm mô hình hợp tác xã dùng nước, hy vọng qua đó lập lại trật tự công bằng trong việc dùng nước thuỷ nông. Hồ sơ đại thuỷ nông Krông Păk Thượng sau mấy chục năm nằm im bụi phủ, nay lại được các chuyên gia mở ra lập dự án tiền khả thi, dự kiến trữ lượng hàng trăm triệu mét khối đủ tưới cho ruộng đồng các huyện Ea Kar, Krông Bông và điều tiết nước sông Krông Ana, cần khoảng 1400 tỷ đồng, đã được Chính phủ đồng ý chủ trương huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu.

Ông Nguyễn Trung Trình, Chi cục trưởng Chi cục thuỷ lợi Đăk Lăk khẳng định: “Để tránh lãng phí, tăng hiệu quả trong đầu tư thuỷ lợi, chính quyền cần tuyên truyền thu hút  để dân cùng tham gia từ khâu đầu tư đến khâu khai thác, cần đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch về quản lý tổng thể tài nguyên nước. Ví dụ công trình Krông Păk Thượng  nếu được triển khai sớm thì riêng tiền giải phóng mặt bằng  đã đỡ tốn hàng trăm tỷ đồng…”.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.