Tây Nguyên mùa đẹp nhất!

Chiều xuống bên hồ Đan Kia
Chiều xuống bên hồ Đan Kia
TP - Không có gì lạ khi vào những ngày này, du khách và cánh phượt khắp nơi tíu tít đổ bộ lên những cung đường bạt ngàn hoa lá trên cao nguyên cuối dãy Trường Sơn. Trong khi núi đồi Tây Bắc chìm trong rét và sương muối, Tây Nguyên lại vào mùa đẹp nhất với thời tiết mát dịu và cảnh sắc nên thơ.

Những cung đường sắc màu

Từ đầu tháng 11 dương lịch, những rặng dã quỳ xác xơ hoang dại bắt đầu lác đác trổ hoa. Hoa quỳ nở sớm từng đóa xinh đẹp, tinh khôi như giục giã, gọi nhau, để đến những ngày cuối năm khi tiết trời vào độ lạnh nhất, thì dã quỳ đồng loạt bung cánh, khiến tất cả các cung đường, núi đồi Tây Nguyên thắm màu vàng rực như vừa được khoác lên tấm hoàng bào mênh mông, lộng lẫy!

Du lịch Tây Nguyên, ấn tượng không thuộc về những khu resort năm sao sang trọng hay dinh thự tiện nghi. Hàng tỷ đóa hoa quỳ rạng rỡ, hào phóng giữa cái nắng cái gió lồng lộng trong lành như thôi thúc du khách lao về cuộc sống an nhiên, chậm rãi, không chút vướng bận lo toan.

Chỉ hoa quỳ đã quyến rũ lắm rồi. Nhưng không chỉ hoa quỳ! Viền khắp lề đường, khe suối, thung lũng, vô số loài hoa dại, cỏ thơm vào độ cuối đông, đầu xuân này đều đồng loạt rộ nở, đua khoe vẻ tươi, độ thắm.

Nếu hoa quỳ được phong là nữ hoàng, thì cỏ lau tím biếc, xuyến chi trắng nõn, tường vi hồng mịn, huyết dụ và trạng nguyên đỏ ngời… cùng bung cánh đồng loạt rợp trời, kín đất bazan, mỗi sáng long lanh sương sớm, mỗi chiều uốn lượn như sóng xô, khiến bao tay máy săn ảnh suốt từ tinh mơ đến tối mịt dài theo các quốc lộ Mười Bốn, Hăm Sáu, Hăm Bảy, Hăm Chín… xuyên khắp Tây Nguyên, mải mê lần theo lối hoa không biết chán.

Tí tẹo chuyện ngộ nghĩnh, thật mà như đùa. Nghệ sĩ nhiếp ảnh M.P.K (Misen Phước Khùng - cũng là một đặc sản Tây Nguyên thú vị!) vốn chưa từng tự di chuyển bằng bất cứ phương tiện gì khác ngoài đôi chân trần, kể cho tôi nghe.

Có lần săn hoa dọc quốc lộ 27. Anh xuất phát vào một sáng mù sương, say sưa lần theo rèm hoa dại muôn màu ven lối, đi mãi, bấm mãi… cho tới lúc ngẩng lên, đói rũ cũng thấy sương giăng, nhưng là sương chiều phủ núi mới giật mình sửng sốt trước khung cảnh lạ lẫm của một đô thị chưa quen, hỏi ra mới biết đây đã là bình nguyên Buôn Ma Thuột. Chàng ngẩn ngơ nghĩ mãi, tới bây giờ vẫn không biết mình đã đi bao lâu, hết bao quãng đường toàn dốc đèo quanh co ấy!

Đồng thơm, mật ngọt

Cuối tháng mười hai, lúc những quả cà phê chín mọng cuối cùng đã được sấy khô, dọn sạch khỏi vạt sân phơi, cũng chính là thời điểm từng khoảnh rẫy cà phê trở nên tơi tả sau một vụ thu hoạch được bồi bổ nhờ các rèm mưa phun nước rạt rào ngày đêm.

Sau vài đợt tưới, cánh đồng tươi tỉnh bùng nở một mùa hoa mới. Cà phê vối robusta hoa xoe tròn từng cụm lớn, cà phê chè arabica hoa đơn lẻ nhỏ xinh cùng vươn lên trắng tinh, mịn nõn như tuyết phủ đầu cành, hương thơm ngào ngạt lan tỏa khắp buôn làng, phường phố.

Tây Nguyên mùa đẹp nhất! ảnh 1

Những cánh đồng hoa cà phê thơm lừng

Lẫn trong hương hoa cà phê có cả vị ngọt từ hàng vạn đàn ong mật cần cù ươm mật, xây tổ. Ong cứ nhẩn nha bay từ đồng hoa cà phê trắng muốt, sang những cánh rừng cao su đang rộn ràng thay lá. Mùa thay lá trong điệp trùng cao su hàng nối hàng, dãy nối dãy chạy tít tắp là khúc biến tấu huy hoàng của hàng trăm màu lá.

Tín hiệu cho biết đã khép lại một chu kỳ phơi thân cho công nhân cạo mủ mỗi ngày, là những đợt lá già vàng rực hay thắm đỏ đổ rạt rào trong gió, tạo nên thảm lá dày êm bất tận. Trên cành, những búp lá non hồng nõn li ti lớn dần, bất ngờ hiện ra cả tán lá mướt xanh ngỡ ngàng.

Mật hoa cà phê ngọt lịm, cùng với mật hoa trinh nữ dịu dàng tinh tế, và mật kẽ chồi non cao su giữa thời tiết đông-xuân giao hòa trên khắp Tây Nguyên muôn ngàn ong thợ tỉ mỉ pha lẫn, nhào trộn theo tỉ lệ bí mật nào đó để tạo ra loại mật ong, bổ dưỡng tinh chất thiên nhiên khiến không chỉ dân mình, mà cả khách hàng các nước giàu có khắp năm châu ngày càng yêu thích.

Mùa lễ hội, mùa yêu và…bắt chồng!

Có lần tình cờ đứng cạnh chuyên gia kinh tế kiêm thi sĩ, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển khi ông đang mê mải ngắm đàn voi hùng dũng diễu hành qua ngã Sáu Buôn Ma Thuột. Tôi hét vào tai ông ráng át tiếng chiêng cồng long trời lở đất “Anh thấy thế nào?”.

Ông quay lại, cười tít: Tuyệt lắm! Tớ hay dị ứng với lễ hội. Nhất là đủ các loại lễ hội đại trà mà thiếu bản sắc. Nhưng tớ thích cả hai lễ hội nghề nghiệp độc đáo của Tây Nguyên là Festival Cà phê của Đắk Lắk, và Festival Hoa của Lâm Đồng!

Tây Nguyên mùa đẹp nhất! ảnh 2

Cao Nguyên yên tĩnh

Hai năm một lần, ở phía Nam Tây Nguyên, cao nguyên Lâm Viên thu hút du khách yêu hoa trên toàn thế giới về với Festival Hoa, tổ chức đúng vào những ngày bản lề dương lịch từ biệt năm cũ bước sang năm mới. Vì vậy những ngày này đường phố Đà Lạt rực rỡ lạ thường.

Trước khi tất cả các kỳ hoa dị thảo quý giá từ các nhà vườn, công ty hoa nội ngoại đổ bộ xuống phố, thì những hàng cây Mai - anh - đào gầy guộc viền quanh hồ Xuân Hương, ven lối vào trường Đại học Đà Lạt, và trải dọc một đoạn dốc vắng cùng tên bắt đầu khoe những chùm nụ hồng thắm. Cùng lúc, hàng nghìn lùm Mimoza lá tròn xám bạc dọc các ngả đường nội tỉnh dồn sinh lực lên đầu cành chi chít nụ, thúc muôn cụm hoa vàng mịn như tơ nở ấm cả đất trời.

Dù đông đúc ồn ào, hay thảnh thơi thư giãn, thì đây cũng là mùa yêu, mùa bắt chồng của những nàng sơn nữ Tây Nguyên thật thà, mạnh mẽ “Hễ yêu thì nói rằng yêu …” , theo đúng tập quán mẫu hệ, phụ nữ phải làm chủ gia đình, phải đi tìm người đàn ông khiến mình xiêu lòng để cưới.

Từ các sắc tộc Giẻ Triêng, H’Lăng (tỉnh Kon Tum), đến Jrai (Gia Lai), Êđê, M’Nông (Đắk Lắk, Đắk Nông), đến Chu Ru, Cil, Mạ (Lâm Đồng)… Thời điểm cuối đông, lúc mùa màng xong, bắp lúa đầy bồ, trâu ngựa vào chuồng cũng là lúc sơn nữ rộn ràng chuẩn bị chinh phục và dạm hỏi người thương.

Sính lễ có thể là tròn 100 bó củi mà thiếu nữ Giẻ Triêng vùng núi Ngok Linh tự tay chặt, đẽo, tự lưng cõng về; cũng có thể là những tấm thổ cẩm sặc sỡ do các cô gái Ê đê, M’Nông dưới núi Cư Yang Sin tự dệt, những vòng cườm lấp lánh tự xâu, đàn gia súc tự nuôi; hoặc phần hồi môn gồm đôi ngựa và cặp Srí - nhẫn cưới nung chuốt từ bạc , sáp ong và… phân trâu của những sơn nữ người Cil dưới chân núi Langbiang…

Chỉ vài ngày nữa thôi, nắng xuân tràn đến, sẽ tới lượt hoa Pơlang nở đỏ rực trên nền trời thẳm xanh kiêu hãnh. Và cồng chiêng lại nổi lên. Voi từ Lắk về, Buôn Đôn xuống, khoan thai dạo qua phố núi. Hồ Sen bên sông Krông Ana sẽ vun vút những cánh tay trần vạm vỡ thi nhau chèo trong hội đua thuyền độc mộc. Bến sông Sêrêpôk quấn quýt rặng si già nghìn tuổi ở Buôn Đôn sẽ lại chứng kiến hội đua voi, xem voi đá bóng, ném cây…

Tây Nguyên chưa hết nghèo nhưng vẫn cứ yên vui, thanh bình, hồn nhiên là vậy. Bạn muốn thì hãy lên đi ! Với con ngựa sắt vài trăm phân khối, chiếc áo khoác dày kèm dải khăn ấm cùng một nghệ nhân bản xứ chịu chuyện, chịu chơi như già làng bách nghệ Krajan Plin hay nhạc sĩ Y Phôn Ksor, thầy thuốc Khăm Phết Lào, con trai Vua Voi Ama Kông... cũng đủ cho bạn thấy có quá nhiều điểm hẹn Tây Nguyên trong mùa đẹp nhất !

Không khí náo nhiệt, “cháy phòng” khách sạn trầm trọng ở Nam Tây Nguyên độ cuối đông như nhường hết sự yên tĩnh lên phía Bắc Tây Nguyên.

Quang cảnh vắng vẻ trên những cao nguyên Măng Đen, Kon Plông quanh co đèo núi, ngàn thông hoang sơ phủ đầy hoa dại không tên luôn gợi cảm giác dường như đây chính là bản nguyên của Đà Lạt yên tĩnh, êm đềm trăm năm trước.

Sim, mua trổ hoa tím biếc bây giờ không chỉ là nguyên liệu cho thơ ca, mà còn là nguồn sống để đồng bào các buôn làng quanh vùng mỗi ngày hái cả nghìn gùi quả chín về ủ làm mật sim, rượu sim.

Vang sim Măng-đen của tỉnh Kon Tum với hương vị chua ngọt, thơm nồng xứng đáng được tôn vinh là một trong vài loại vang nội địa ngon nhất.

MỚI - NÓNG