Tây Nguyên: Nhà xây lấn nhà sàn

Tây Nguyên: Nhà xây lấn nhà sàn
TP - Tại các buôn làng ở Tây Nguyên, nhà xây đang lấn dần nhà sàn và nhiều ý kiến cùng cho rằng với đà này thì không lâu nữa nhà sàn sẽ trở thành đồ cổ.
Tây Nguyên: Nhà xây lấn nhà sàn ảnh 1

Một căn nhà sàn kẹt giữa 2 nhà xây, hình ảnh thường thấy ở buôn làng Tây Nguyên hiện nay

Ông chủ một quán cà phê trên đường Lê Duẩn (TP Buôn Ma Thuột)- người vừa tậu được cái nhà sàn cũ khá đẹp dựng trong khuôn viên quán – cho tôi số điện thoại của Long, dân buôn bán gỗ ở huyện Buôn Đôn (Đăk Lăk).

Nghe tôi đặt vấn đề mua nhà sàn, Long hồ hởi hẹn ngày gặp và cho trước giá tham khảo: 10 triệu đồng một căn nhà sàn 5 gian, tổng cộng khoảng 10 khối gỗ.

Hầu hết những căn nhà Long đưa tôi đến phần mái đã dột nát, gỗ phên bung ra từng miếng, kèo gác ngang đã cong oằn mối mọt. Chủ của các căn nhà này cùng có một kiểu giải thích: “Nhà dột nát quá, nhưng không thể sửa lại. Vì vào rừng tìm gỗ thì bị cấm, còn mua gỗ thì mắc quá. Tính ra tiền mua gỗ để sửa nhà còn mắc hơn tiền xây một cái nhà mới, nên đành bán  nhà sàn, làm nhà xây cho tiện”.

Một lần đi tìm hiểu về lễ trao vòng cầu hôn của đồng bào Ê Đê, tôi tìm đến buôn Ky ngoại ô TP Buôn Ma Thuột và rất ấn tượng bởi một căn nhà sàn khá đẹp, chạm trổ cầu kỳ hình voi, rùa, công trên những cây cột to đen bóng.

Già làng buôn Ky tự hào giới thiệu: “Đây là căn nhà đẹp nhất Đăk Lăk đó, bà con ở các buôn làng khác đến chơi cũng nói vậy mà”. Mới đây về lại buôn Ky thật ngạc nhiên, căn nhà sàn “đẹp nhất Đăk Lăk” đã được thay bằng một cái nhà xây.

Chủ nhà - bà Aie Yung Phêng đã bán căn nhà sàn lấy 130 triệu đồng. Người nhà bà Aie Yung Pheng không hề tỏ ra tiếc nuối, họ bảo: “Trong buôn toàn là nhà xây cả, mình ở nhà sàn cũng... kỳ”.

Những người có trách nhiệm với văn hóa buôn làng Tây Nguyên đều cùng một mối lo: Không còn nhà sàn, hàng loạt những nét văn hóa độc đáo khác của đồng bào Tây Nguyên cũng sẽ không giữ được.

Trong  kế hoạch giao đất giao rừng cho các hộ dân quản lý sắp triển khai, Sở NN&PTNT Đăk Lăk đã lưu ý đến chi tiết cho phép các hộ đồng bào khai thác gỗ để phục vụ việc ma chay và sửa chữa nhà cửa.

Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng nỗ lực đó cũng không thể làm chậm tiến độ “nhà xây lấn nhà sàn” ở các buôn làng. Bởi tỉ lệ các hộ được nhận giao khoán rừng là khá thấp.

Ama Ve, già làng buôn Ky thở dài: “Muốn làm một cái nhà sàn cần không dưới 100 triệu mới đủ tiền mua gỗ, trong khi một căn nhà xây đàng hoàng chỉ tốn khoảng 60 triệu đồng. Nên nhiều nơi già đến thăm, không đâu còn giữ được nhà sàn có cầu thang đực cái, có bếp chính bếp phụ, có kèo lớn kèo nhỏ chạm trổ hình các con vật linh thiêng”.

Ama Ve vào phòng lấy ra một túi đựng hồ sơ giấy tờ, đưa cho tôi xem hình một cái nhà sàn: “Đó, nhà sàn truyền thống là phải như vậy đó. Muốn xem thì ra... Hà Nội xem. Bây giờ chỉ còn một cái ở Hà Nội thôi, trong Bảo tàng Dân tộc”.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.