Tây Nguyên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng

Tây Nguyên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng
TP - Đây là ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong buổi chủ trì Hội nghị phát triển kinh tế- xã hội Tây Nguyên giai đoạn 2006-2010, ngày 16/7, tại TPHCM.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Bộ, ngành và địa phương tập trung thảo luận đánh giá về việc triển khai phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2001-2005.

Trong đó tập trung phân tích rõ sự nỗ lực của ngành và địa phương, tồn tại, yếu kém chưa phát triển tương xứng với tiềm năng Tây Nguyên, nhất là các yếu kém thuộc về chủ quan để xây dựng kế hoạch tiếp theo 2006-2010.

Thủ tướng yêu cầu phải tìm cách tháo gỡ cho được những chính sách, cơ chế bất cập trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển nghề rừng, công nghiệp sau thu hoạch…tạo động lực để Tây Nguyên phát triển bền vững.

Trong 5 năm qua, kinh tế các tỉnh Tây Nguyên có bước phát triển khá ổn định, tốc độ tăng trưởng nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: nâng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông-lâm nghiệp.

Các chỉ tiêu như: Tăng trưởng GDP hàng năm bình quân đạt trên 10%, thu ngân sách tăng 28,33%, thu nhập bình quân đầu người đạt 5,36 triệu đồng/năm, thương mại dịch vụ tăng bình quân 14,72%, cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng với 99,2% số xã có đường ô tô đến trung tâm, 98% số xã có điện lưới quốc gia, 52,5% hộ dùng nước sạch, 484 điểm bưu điện văn hóa xã…

Về giáo dục và y tế đã phát triển cả qui mô và chất lượng. Đến nay, số trường, lớp tăng 39% so với năm học 2001-2002, 99,24 số xã đạt chuẩn về phổ cập tiểu học và 32% đạt trung học cơ sở, 71% số xã có bác sỹ và 1,43 triệu người được cấp thẻ khám chữa bệnh miễn phí.

Cũng trong 5 năm qua, tổng vốn huy động đầu tư cho các tỉnh Tây Nguyên đạt 40.498 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước là 18.375,5 tỷ đồng, tăng bình quân 15,34%/năm.

Tại hội nghị, đại diện các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng đã kiến nghị nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội khu vực này trong thời gian tới.

Theo đó, cần sớm tiến hành rà soát qui hoạch tổng thể về đất sản xuất hiện nay nhằm tiếp tục có những chủ trương, chính sách đồng bộ về giải quyết đất đai, phát triển nghề rừng gắn với phát triển ngành nghề ở từng vùng.

Nhà nước cần có những chủ trương, chính sách ưu đãi đặc biệt, thu hút đầu tư, tạo việc làm... Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, cùng với việc đầu tư, hỗ trợ để đẩy mạnh sản xuất, cần tổ chức lại sản xuất và xây dựng đội ngũ cán bộ am hiểu về kỹ thuật hướng dẫn cho đồng bào về vay vốn, áp dụng kỹ thuật sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với thị trường.

Trước hết, phải có chính sách để tăng cường và tổ chức lại lực lượng khuyến nông, khuyến lâm có mặt ở từng buôn làng, hướng dẫn, giúp đỡ những hộ khó khăn, thiếu kinh nghiệm sản xuất biết làm ăn, vượt qua đói nghèo. Dự kiến Hội nghị kết thúc ngày 17/7/2006.

MỚI - NÓNG