Tay trắng sau thảm họa kép

Tay trắng sau thảm họa kép
TP - Huyện đảo Vân Đồn là địa phương thiệt hại nặng nề nhất khi bão 14 đổ bộ. Hàng trăm bè cá, các vùng nuôi thủy sản, tàu thuyền bị bão đánh tan tác.

> Nạn nhân bão Haiyan tìm thức ăn sót lại trên thi thể
> TOÀN CẢNH SIÊU BÃO HANYAN

Sau dịch bệnh tu hài năm 2012 gây thiệt hại tới hơn 200 tỷ đồng, cơn bão vừa qua khiến nhiều người trắng tay, không gượng dậy nổi.

Sau bão, nước thủy triều rút, cả vùng vịnh Bái Tử Long hoang tàn. Hàng trăm lồng bè bị bão đánh tan nát dập dềnh trên biển. Những con cá, hàu, tu hài… người dân nuôi từ tiền tích cóp và vay mượn đã bị bão cuốn đi. Hai ngày sau bão, cả huyện Vân Đồn gần như xơ xác.

Bên con thuyền nhỏ còn sót lại sau bão, ông Nguyễn Văn Khương (54 tuổi, trú tại thị trấn Vân Đồn) nói như khóc. “Hết rồi, không còn gì. Chiếc bè cùng hàng chục tấn cá, hàu bị bão lôi đi. Bao năm tích cóp giờ tay trắng. Nợ ngân hàng vẫn chưa trả được. Giờ chỉ còn cách bán nhà”.

Nhìn người đàn ông nhỏ thó cười như mếu, người viết bất giác nhớ lại nụ cười lạc quan sau thảm dịch tu hài năm 2012. Lúc đó, khi người viết tìm đến cái bè và khu nuôi trồng của ông Khương tại Bản Sen, Vân Đồn, ông Khương khi đó mất hàng trăm triệu đồng vì dịch tu hài, nhưng vẫn tiếp tục bám trụ với nghề. Ông Khương bảo, ông trời không lấy hết cái gì, miễn là mình còn niềm tin. Sau dịch sẽ làm lại từ đầu. Hôm nay, sau bão ông Khương chua chát bảo, giờ thì không biết bắt đầu từ đâu…

Sáng 11/11, sau khi bão đi, chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Hương (48 tuổi, quê thị xã Quảng Yên) ngồi ngóng tin chồng về chiếc tàu của gia đình chìm gần cảng Cái Rồng. Ngoài khu Hoi, gia đình bà có một bè cá và hàu bị bão đánh tan tác. Bà bảo bán hết gia sản ở quê ra Vân Đồn lập nghiệp. Vay anh em họ hàng được bao nhiêu cũng đổ vào biển, giờ tay trắng rồi. Những ngày tới không biết sống bằng gì.

Ông Nguyễn Quang Ninh, Phó Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn, Phó Ban thường trực Ban Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Vân Đồn, cho biết, chưa tính thiệt hại về nhà cửa, hoa màu trên bờ, riêng việc hàng trăm lồng bè, phương tiện bị bão đánh nát thiệt hại đã lên tới hàng chục tỷ đồng. Đó là vẫn chưa thống kê hết vì lượng hải sản bị trôi ra biển là rất lớn.

Theo thống kê của huyện Vân Đồn, đã xác định được 57 tàu, xuồng bị đắm tại nơi neo đậu tránh bão, 6 tàu bị trôi dạt chưa xác định được vị trí; 71 nhà bè vỡ nát, hàng trăm ô lồng nuôi cá, hàu, tu hài cùng nhiều tấn thủy sản nuôi trồng đã trôi ra biển.

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, hầu hết địa phương trong tỉnh đều bị thiệt hại nặng nề. Tính đến ngày 13/11, có 4 người chết do bão (trong đó 1 người chết sau bão ở Quảng Yên, 3 trường hợp do ở lại tàu bị gió đánh chìm, đã vớt được xác); 7 người bị thương do chằng chống nhà cửa và bị mái tôn, cành cây va đập (đã có 5 người ra viện). Tổng thiệt hại vật chất ước tính hơn 200 tỷ đồng.

Hai xác chết dạt vào đảo Rều

Sáng 13/11, cán bộ, nhân viên Trại chăn nuôi khỉ đảo Rều thuộc Trung tâm Sản xuất vắcxin và sinh phẩm tại đảo Rều, Cẩm Đông, Cẩm Phả (Quảng Ninh) phát hiện hai xác chết trôi dạt vào đảo. Cùng trôi dạt vào đảo là một người đàn ông mặc áo phao vẫn còn sống.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Quốc Tiến, Trưởng Công an TP Cẩm Phả, cho biết, hai xác chết là hai người mất tích trong bão số 14. Hai nạn nhân được xác định là ông Phạm Văn Thụy, (sinh năm 1969) và ông Lê Minh Châu (sinh năm 1965) là thuyền viên tàu chở đá vôi số hiệu HD1089 của Hải Dương, trọng tải 650 tấn, bị đứt neo trôi dạt trong bão số 14. Thành phố Cẩm Phả đã hỗ trợ mỗi gia đình nạn nhân 5 triệu đồng.

Trưa 12/11, thi thể một ngư dân ngày 10/11 mất tích trong bão số 14 được người dân tìm thấy tại khu vực Cửa Đối, xã Minh Châu (Vân Đồn). Nạn nhân là chị Vũ Thị Thêm ở Quảng Yên. Trước đó, trong đêm bão, chị Thêm cùng chồng cho thuyền neo đậu tại khu vực biển xã Minh Châu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG