Tê giác, lời ai điếu

TP - Lúc còn sống, giáo sư dược học Đỗ Tất Lợi đã nhiều lần xem giúp người ta sừng tê giác thật - giả và ông từng phát biểu khẳng định giá trị dược học của sừng tê giác là hạn chế, nhưng những lời đồn thổi về tác dụng phi thường của sừng tê giác vẫn khiến món hàng này được săn lùng bằng mọi giá.

Tê giác, lời ai điếu ảnh 1 Xác tê giác được báo chí thế giới đưa tải trong các bài viết của họ về nạn buôn bán sừng tê giác - được cho là xuất phát từ Việt Nam. Ảnh: T.L

“Thuốc tiên”

Một cán bộ của cơ quan kiểm soát việc mua bán động vật hoang dã quý hiếm Cites nói rằng: “Sừng tê giác hiện nay đắt hơn vàng”. Những năm gần đây, mặc dù sừng tê đã được vận chuyển trái phép về Việt Nam “giải tỏa” phần nào cơn khát của người tiêu dùng nhưng giá cả vẫn tăng chóng mặt, bởi vô tình nó tạo ra một thú chơi.

Dăm năm trước, giá sừng tê giác chỉ khoảng 500 triệu/kg thì hiện giá vào khoảng 1 tỷ đồng/kg (50.000 USD/kg). Với trọng lượng lên tới hơn 10kg mỗi chiếc sừng, việc sở hữu sừng loài thú cực kỳ quý hiếm dĩ nhiên chỉ thuộc giới giàu có và nó cũng phải xuất phát từ tâm lý sính sừng tê giác.

Một luồng dư luận, không biết từ đâu ra, nhưng theo các nhà nghiên cứu đông y thì chắc chắn chỉ xuất hiện trong khoảng chục năm trở lại đây, khi đời sống được cải thiện và xuất hiện một lớp đại gia, họ cho rằng sừng tê giác “chữa được ba căn bệnh thời đại đó là ung thư, liệt dương và tâm thần”. 

Các cán bộ Cites tại TPHCM cho biết: “Các nhà nghiên cứu khoa học trên thế giới chưa tìm thấy công dụng nào từ sừng tê giác chữa ung thư và liệt dương”. Nhà thơ Phạm Thiên Thư, sinh trưởng trong gia đình đông y và nghiên cứu về thuốc ta cũng nói: “Sừng tê giác công dụng không hơn gì sừng trâu”.

Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Lân Dũng, trong một tài liệu khẳng định ở Trung Quốc nghiên cứu 3.270 ca, thấy “sử dụng sừng trâu và sừng tê giác cho kết quả điều trị cơ bản như nhau”.

Trong cuốn sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” cố giáo sư Đỗ Tất Lợi dẫn theo tài liệu của Pháp, từ 1900-1930 ở Đông Dương bắn được 30 con tê giác. Năm 1939 phát hiện tê giác một sừng ở Sơn La.

Giáo sư khẳng định trong sách cổ nói sừng tê giác vị đắng mặn, tính hàn, vào 3 kinh tâm, can và vị, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, định kinh, thường dùng trong trường hợp sốt quá cao hóa điên cuồng, sốt vàng da, thổ huyết… 

Con tê giác cuối cùng của Việt Nam đã bị bắn chết tại Cát Tiên và bị cưa mất sừng vào năm 2010 đánh dấu sự tuyệt chủng của loài này tại Việt Nam, mảnh đất được sử sách Trung Hoa ghi chép là nhiều tê giác và vẫn thường phải cống cho Trung Hoa. Sau 4 năm, thủ phạm của vụ giết chết tê giác tại rừng Cát Tiên vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Trong khi đó, thú chơi sừng tê giác ngày càng phổ biến hơn.

Tê giác, lời ai điếu ảnh 2

Săn tê giác. Ảnh: T.L

Những kẻ muốn có “sừng” 

Lương y Nguyễn Đức Nghĩa, học trò của giáo sư Đỗ Tất Lợi nói: “Sở dĩ người ta đồn thổi lên những công dụng không hề có của sừng tê giác là để buôn bán kiếm lời”. 

Lúc giáo sư Đỗ Tất Lợi còn sống, một bài báo đã viết giới thiệu về một người chủ nhân có cái sừng tê giác gần như cuối cùng tại Việt Nam, nhưng khi ông này từ đồng bằng lên gặp giáo sư nhờ xem thì hóa ra chỉ là sừng giả.

Lương y Nghĩa kể: “Tôi và thầy tôi đã xem khoảng 14 sừng tê giác được người mua hoặc người sở hữu, những người đang trong quá trình mua và bán đem đến nhờ thẩm định. Kết quả không có sừng nào là của tê giác”. Khi phát hiện ra sừng giả, bên mua bên bán mâu thuẫn lẫn nhau, gây nhiều rắc rối, từ đó lương y từ chối không xem giùm nữa.

“Cách đây một tháng, có hai người đem sừng tê giác để trong bọc nhung đến nhờ tôi xem và gạ bán, nhưng tôi không mua và cũng không xem. Tôi đã mệt mỏi với những vị khách như thế này quá rồi - lương y than - họ có biết gì về đông y đâu”. 

Những người nghiên cứu về đông y và về sừng tê giác đều tin tưởng vào những nghiên cứu của giáo sư Đỗ Tất Lợi và nói các công dụng như trị ung thư, cường dương… đều không thấy sách vở nghề thuốc Việt Nam lẫn Trung Hoa từ cổ chí kim đề cập đến một chữ nào.

Chơi sừng tê giác hầu như đã thành một cái “mốt” của đám nhà giàu mới nổi được xem như “trọc phú” ở Việt Nam. Một số người thậm chí tin rằng sừng tê chữa được chứng say rượu, nên thường sử dụng trong các cuộc rượu, mài ra uống để chống say rượu rồi... uống cho được nhiều hơn. Họ không quan tâm đến câu chuyện những con tê giác cuối cùng của thế giới hôm nay sinh sống ra sao.

Theo giáo sư Nguyễn Lân Dũng: “Có khi chỉ vì họ muốn khẳng định đẳng cấp với việc khoe cho biết mình đã sử dụng một sản vật đắt tiền và quý hiếm”.

Tê giác, lời ai điếu ảnh 3

Theo tài liệu của giáo sư Nguyễn Lân Dũng thì từ năm 2010 đến nay, mỗi ngày có 2 con tê giác Nam Phi bị săn bắn và chỉ từ đầu năm 2013 đến nay hơn 580 con tê giác bị bắn trộm ở Nam Phi để lấy sừng.

Đại diện Cites ở TPHCM: “Trong một hội thảo quốc tế toàn thế giới, người ta đã chỉ đích danh Trung Quốc và Việt Nam chính là hai nước săn bắn, mua bán và vận chuyển sừng tê giác lớn nhất thế giới, đe dọa trực tiếp đến sự sinh tồn của loài vật quý hiếm của nhân loại”.

Vị này nói: “Uy tín của Việt Nam bị ảnh hưởng rất nhiều sau các hội nghị khoa học như thế”. Thực tế, chưa có thống kê nào về thị trường tiêu thụ sừng tê giác tại Việt Nam, do đây là thị trường chợ đen. Vậy làm sao thế giới cực lực lên án? Một cán bộ quản lý ngành hải quan nói: “Họ phản đối vì số tội phạm săn bắn, buôn bán, thu gom sừng tê giác tại Nam Phi bị bắt … đa số là người Trung Quốc và người Việt Nam. Các nguồn tin báo về cũng như vậy”.   

Đầu năm nay, hoàng tử Anh đã nói bằng tiếng Việt. Tại hội nghị về bảo vệ động vật hoang dã tổ chức ở London ngày 12/2/2014, hoàng tử William phát đi thông điệp qua đoạn băng ghi hình bằng tiếng Việt kêu gọi sự đoàn kết để bảo vệ động vật hoang dã. “Trung bình cứ 11 giờ có một con tê giác bị giết hại” - thái tử Charles cũng cảnh báo như vậy. 

Cac chuyên gia bảo vệ động vật hoang dã cho biết ở Nam Phi vẫn còn một số người bảo lưu ý kiến nên cho phép săn bắn trong chừng mực, để đáp ứng nguồn cầu (chủ yếu từ Việt Nam và Trung Quốc) còn hơn là để nạn săn bắt trộm tràn lan.

Ý kiến khác cho rằng săn trộm hay săn có phép cũng đều dẫn đến việc suy giảm các cá thể như nhau, cần cấm hẳn. Một số người kể: “Không ít dân du lịch Việt Nam đi Nam Phi là tìm cơ hội mua giấy phép vào rừng săn tê giác, để được mang sừng ra khỏi Nam Phi hợp pháp. Họ sẽ thuê những kẻ dẫn đường, thậm chí những tên săn chuyên nghiệp, đưa họ vào rừng để cùng nhau thoải mái giết tê giác rồi lấy sừng đem về”.

Còn nữa

Thời gian gần đây các ngành chức năng Việt Nam đã và đang quyết liệt ngăn chặn hành vi mua bán vận chuyển trái phép sừng tê giác bằng đường hàng không ở cả Hà Nội và TPHCM. Ngày 27/10/2014, Hải quan sân bay Nội Bài đã thu giữ được 6kg sừng tê giác của đối tượng Nguyễn Thị Ngọc Tứ (sinh năm 1985).

Tiếp theo, ngày 1/11/2014, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài tiếp tục phát hiện, bắt giữ 1 vụ vận chuyển sừng tê giác trong hành lý của các hành khách Vương Minh Thu, sinh năm 1990, quốc tịch Việt Nam; Dương Thị Thúy Hiền, sinh năm 1979, quốc tịch Việt Nam và Bùi Thị Xiển, sinh năm 1966, quốc tịch Việt Nam. Số sừng tê giác thu được cũng có trọng lượng là 7 kg.

Hành khách Nguyễn Thị Ngọc Tứ khai nhận vận chuyển thuê số sừng tê giác trên cho một đối tượng từ Bangkok về Hà Nội. Sừng tê giác là hàng hóa cấm nhập khẩu, nằm trong danh mục các loài động thực vật hoang dã thuộc quản lý của công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Cites). Theo một số chuyên gia thì giá sừng tê giác tại Việt Nam xấp xỉ khoảng 1 tỷ đồng/kg. 

MỚI - NÓNG