Tên phố đâu chỉ để gọi

Phố Hàng Mắm, khoảng năm 1905
Phố Hàng Mắm, khoảng năm 1905
TP - Phố có nghĩa là cửa hàng. Đến thời vua Tự Đức, Hà Nội có 21 phố bắt đầu bằng từ Hàng nhưng trong văn bản hành chính người ta ghi là phường, chỉ người bán và người mua gọi là phố. Tên phố rất đơn giản và cụ thể, các cửa hàng bán cái gì thì đặt tên thứ hàng đó.

Tên phố chính thức xuất hiện khi Pháp xâm chiếm Hà Nội. Năm 1890, họ ra nghị định đặt tên phố, ấn định chiều dài, chiều rộng các phố, qui định chiều rộng vỉa hè từng phố. Có phố chưa ra đời, đang trong qui hoạch họ cũng đặt tên, đó là các phố ở phía nam hồ Gươm. Tên phố bắt đầu nhuốm màu chính trị khi chính phủ bảo hộ đưa ra tiêu chí: anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa và những người Pháp có công với xứ Đông Dương mới được đặt tên phố. Họ cũng giữ lại những phố Hàng, không phải họ sợ phản kháng mà vì nó quá quen thuộc với dân chúng Hà Nội.

Năm 1902, Hà Nội trở thành thủ đô của Liên bang Đông Dương. Toàn quyền Đông Dương và Thống sứ Bắc kỳ đã ra các nghị định chỉnh trang phố xá, thống nhất hình thức biển tên phố (được ghi bằng chữ  Pháp) và đánh số nhà. Khi Nguyễn Văn Vĩnh, một trong tứ hổ Tràng  An (Vĩnh, Quỳnh, Tốn, Tố) trở thành ủy viên Hội đồng thành phố năm 1908, ông Vĩnh đã quyết liệt đòi lấy tên các danh nhân Việt Nam như: Đinh Tiên Hoàng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo... để đặt tên phố.

Nhờ sự trợ giúp của một số học  giả người Pháp ở Viện Viễn Đông Bác Cổ, cuối cùng Hội đồng thành phố Hà Nội buộc phải chấp thuận nhưng họ đặt tên Lý Thường Kiệt, Đinh Tiên Hoàng cho các ngõ cụt, vốn là khu ổ chuột ở Hàng Đũa (nay là khu vực phố Ngô Sỹ Liên). Còn thi hào Nguyễn Du thì họ đặt cho một ngõ nhỏ ngập ngụa nước tiểu từ Hàng Đào sang Tạ Hiện (nay là Gia Ngư). Hội đồng thành phố cũng lấy tên một số vua triều Nguyễn như: Gia Long, Đồng Khánh để đặt tên, lại cả những người Việt có công với nước Pháp trong chiến tranh thế giới thứ I là phi công Đỗ Hữu Vị.

Thời thế thay đổi, tên phố cũng thay đổi. Tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp lên nắm quyền cai trị Việt Nam, đưa ông Trần Trọng Kim làm thủ tướng. Ông Kim đã mời bác sỹ Trần Văn Lai làm thị trưởng Hà Nội. Việc làm đầu tiên của ông Lai là cho giật các tượng đài mà ông cho là biểu tượng của chủ nghĩa thực dân trong đó có tượng Nữ Thần tự do. Việc thứ hai là cho đổi tên phố nhưng mới chỉ làm trên giấy tờ chưa gắn được biển. Tên người Pháp bị loại bỏ, tên anh hùng dân tộc và danh nhân văn hóa Việt Nam được dùng đặt tên phố.

Ngày 19/8/1945, nhân dân Hà Nội khởi nghĩa cướp chính quyền. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập ở vườn hoa Ba Đình tuyên bố Việt Nam là nước độc lập. Bác sĩ Trần Duy Hưng được mời làm thị trưởng Hà Nội. Và một trong những việc làm ngay sau khi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời là đặt lại tên phố, công viên. Trên Việt Nam Dân quốc công báo số 1 (thứ 7 ngày  29/9/1945) đã đăng tải thông cáo của chính phủ “về việc đặt tên đường phố và công viên tại các thành phố và tỉnh lỵ”. Theo danh sách này, tên một số phố Hà Nội thời kỳ bác sĩ Trần Văn Lai làm thị trưởng đã đổi vẫn được giữ lại.

Có thêm một số người của Đảng cộng sản Đông Dương được đặt tên phố gồm: Trần Phú, Phan Thanh. Sau ngày kháng chiến toàn quốc 19/12/1946, Chính phủ Hồ Chí Minh lên chiến khu Việt Bắc, Hà Nội bị Pháp tạm chiếm, chính quyền lại dùng tên phố trước năm 1945. Năm 1949, chính phủ “Quốc gia Việt Nam” do Bảo Đại làm Quốc trưởng thành lập, dược sĩ Thẩm Hoàng Tín được bổ nhiệm làm thị trưởng Hà Nội, một lần nữa tên phố lại thay đổi. Ngày 28/2/1951, ông Thẩm Hoàng Tín đã ban hành nghị định việc đặt tên mới các phố bao gồm 355 phố và 20 vườn hoa. Tên phố do thị trưởng Trần Văn Lai, Trần Duy Hưng đặt phần lớn  được ông Thẩm Hoàng Tín sử dụng lại.

Tuy nhiên cũng có thay đổi, phố Trần Phú, Phan Thanh, Tôn Trung Sơn đổi sang tên khác. Phố mang tên các vua triều Nguyễn được đặt lại có Gia Long, Đồng Khánh, các phố Tràng Tiền, Hàng Khay và Tràng Thi đổi thành các phố Pháp Quốc, Anh Quốc, Mỹ Quốc. Doanh nhân được đặt tên có ông Bạch Thái Bưởi. Nguyễn Lâm, con trai của Tổng đốc Nguyễn Tri Phương cũng được đặt tên phố. Năm 1873, ông Lâm từ miền Trung ra thăm cha đúng lúc quân Pháp đánh thành Hà Nội, ông đã cùng cha chiến đấu và hy sinh ngay trên mặt thành. Việc đặt tên Nguyễn Lâm khiến chính phủ Pháp khó chịu nhưng họ buộc phải chấp nhận vì quân đội Pháp đang sa lầy ở Đông Dương.

Ngày 10/10/1954, chính phủ kháng chiến trở về tiếp quản Hà Nội, bác sĩ Trần Duy Hưng trở lại với chức vụ Chủ tịch Ủy ban Hành chính TP Hà Nội. Tên phố Pháp Quốc, Anh Quốc, Mỹ Quốc thời tạm chiếm trở lại với tên Tràng Tiền, Hàng Khay và Tràng Thi. Những nhân vật liên quan đến phong kiến, thực dân, tư sản bị loại bỏ. Đồng Khánh thành Hàng Bài, Gia Long thành Bà Triệu, Trần Phú thay cho đại lộ Hàm Nghi và phố Lê Hồng Phong thay cho phố Tôn Thất Thuyết (trước nữa là phố Tôn Trung Sơn). Phố Bạch Thái Bưởi bị xóa tên vì ông là tư sản.

Dù có tiêu chí nhưng việc đặt tên phố cũng cảm tính. Ví dụ Ấu Triệu (tên thật là Lê Thị Đàn) là một cộng sự của Phan Bội Châu trong phong trào Đông Du ở Huế được đặt cho con phố sát Nhà thờ lớn. Trong khi đó phố này nhẽ ra nên đặt tên Cai Trí (tên là Đỗ Đăng Lâm) của huyện lỵ Thọ Xương ngay gần đó. Khi quân Pháp đánh thành Hà Nội năm 1882, Cai Trí đã dẫn lính vào thành trợ giúp Hoàng Diệu đánh Pháp trong khi quan nhà Nguyễn bỏ chạy. Ông trúng đạn, xác vắt ngang trên tường thành, máu nhỏ xuống thấm đẫm những viên gạch Bát Tràng. Dân huyện Thọ Xương chôn ông nhưng mộ ông còn không yên. Quân Pháp sai đào mộ, đốt xương cốt.

Cách đây hai năm, ngành văn hóa Hà Nội, đơn vị có trách nhiệm trong việc đề xuất đặt tên phố la rằng quỹ tên sắp hết và tương lai sẽ phải đặt tên phố theo số. Thực ra không phải như vậy, thiếu là do quan niệm đặt tên phố. Hàng loạt nhà tư sản dân tộc yêu nước đóng góp tiền của vô cùng lớn cho nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khi còn trứng nước thì họ rón rén đặt tên phố cho hai người là ông Đỗ Đình Thiện và Trịnh Văn Bô. Còn rất nhiều nhà tư sản khác vẫn chưa đả động. Trong khi đó ở Đà Nẵng, TPHCM, Hải Phòng người ta đã đặt tên phố những nhà tư sản có công với nước cách đây nhiều năm.

Không những thế Đà Nẵng đặt tên nhà Nho Hà Nội yêu nước chống Pháp là Lê Đình Diên trong khi Hà Nội im ắng. Hà Nội còn có những người phụ nữ giàu có dành cả tài sản làm từ thiện, mở nhà trẻ miễn phí đầu tiên như bà Cả Mọc được Bác Hồ khen, sao không thấy đặt tên? Nếu theo tiêu chí do Hội đồng nhân dân thành phố công bố thì còn rất nhiều người xứng đáng được tôn vinh, ghi nhận vì họ đã đóng góp lớn cho Thăng Long-Hà Nội. Có điều rất lạ là trong khi lấy lại tên cổ ví dụ Nhật Chiêu (tên cũ của Nhật Tân), Kim Hoa (tên cũ của Yên Phụ) thì lại bỏ những tên làng có giá trị văn hóa như: Yên Thái, Hồ Khẩu, Trung Nha…

Tên phố không chỉ để gọi.

Trong thời kỳ Bắc thuộc, để Hán hóa người Việt, quan cai trị Tàu xóa bỏ tên làng (bắt đầu bằng chữ Kẻ) đặt mỗi làng một tên mới. Thế  nhưng dân Việt vẫn gọi  tên cũ, phần vì quen thuộc nhưng hơn cả là phản kháng sự đô hộ của người phương Bắc.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.