Tết Canh Dần - Tết El Nino

Tết Canh Dần - Tết El Nino
TP - Tết Canh Dần được dự báo sẽ là cái tết không có giá rét ở miền Bắc như mọi năm và đợt El Nino đặc biệt lần này còn khiến hầu khắp cả nước rơi vào tình trạng khô hạn nặng cho đến tháng tư, trong khi các lưu vực sông ở Nam Bộ có nguy cơ chịu các đợt xâm nhập mặn kỷ lục.
Tết Canh Dần - Tết El Nino ảnh 1
Sông Bồ, Thừa Thiên-Huế, khô cạn ngay dưới chân đập thủy điện đầu tháng 1-2010 do nước được tích trữ hết ở hồ để chờ phát điện

Như Tiền Phong đã đưa tin, từ giờ đến Tết Nguyên đán, trời có xu hướng ấm lên dù cuối tuần này và, sau đó, có đợt không khí lạnh tràn về.

Tại Diễn đàn Khí hậu Mùa lần thứ hai ở Việt Nam ngày 28-1, do Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia phối hợp với Hội Chữ Thập Đỏ Hoa Kỳ và Trung tâm Phòng tránh Thiên tai châu Á tổ chức, các chuyên gia khí tượng lưu ý, xu thế ấm ở miền Bắc và nóng ở miền Nam thậm chí có thể kéo qua cả Tết Nguyên đán, và gây khô hạn kỷ lục trên diện rộng.

Đành rằng hiện tượng trên do tác động của El Nino, một dòng nước ấm khổng lồ ở đông và trung Thái Bình Dương, thường xuất hiện 4-12 năm một lần và gây nên các hiện tượng thời tiết bất thường trên toàn cầu.

Tuy nhiên, gần đây, El Nino xuất hiện với tần suất ngắn hơn, chỉ 2-3 năm/lần. Đặc biệt, El Nino hiện tại có dấu hiệu giống với El Nino thời kỳ 1997-1998, gây thiệt hại về thiên tai kỷ lục ở nước ta.

El Nino năm 1997/1998 có cường độ mạnh nhất và được gọi là ENSO của thế kỷ 20.

Hồi ấy, nhiệt độ ở TP Hồ Chí Minh đạt kỷ lục, 40.6oC. Tháng 11 cùng năm 1997, xảy ra bão Linda với sức gió 150 km/giờ tấn công cực nam Trung Bộ, làm 4.500 người chết, v.v.

12 năm sau, mười một cơn bão năm 2009 - nhất là hai cơn bão số 9 và 11 ở Trung Bộ - khiến 450 người chết và mất tích, tổng thiệt hại trên 23.700 tỷ đồng, bất chấp có nhiều biện pháp đề phòng hơn nhiều so với trước. 

Theo ông Nguyễn Đức Hòa, Trung tâm KTTVQG, hình thế thời tiết nước ta vừa qua rất giống với thời kỳ cách đây 12-13 năm. Theo đó, gió mùa mùa hè vừa rồi đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) nhưng đợt gió mùa hồi tháng 9-2009 lại chỉ đủ mát để báo hiệu chuyển mùa mà thôi. Hoạt động gió mùa trong mùa đông cũng yếu hơn TBNN.

Kèm theo gió mùa yếu là nhiệt độ mùa tăng. Ông Nguyễn Văn Sáp, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm KTTVQG, nhận định mùa đông năm nay khó có thể lặp lại đợt rét kỷ lục đầu năm 2008 nhưng nguy cơ hạn hán nặng là hiện hữu.

Bà Đào Thị Thúy, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn&Môi trường, đoán “Tết năm nay có thể là cái tết ấm”.

Gió mùa muộn và yếu khiến lượng mưa cũng ít hẳn. Ông Đặng Ngọc Tĩnh, Trung tâm KTTVQG, cho hay, giai đoạn tháng 11-12/2009, lượng mưa thấp khiến nước ngầm ở nhiều nơi bị tụt, nhiều hồ trữ nước cạn sớm. Các hồ chứa thủy lợi chỉ trữ được 70 - 80% so với TBNN.

Bất chấp đợt mưa trái mùa bất thường ở miền Bắc, mực nước sông Hồng ở Hà Nội ngày 21-1-2010 vẫn ở mức 0,48 m, thấp nhất từ năm 1902 – năm đầu tiên bắt đầu có ghi chép thủy văn - đến nay.

Các hồ thủy điện cũng đang ở mức chứa thấp hơn TBNN như hồ thủy điện Tuyên Quang thấp hơn 25 m, v.v.

Vụ đông xuân sẽ thiếu nước gay gắt

Ông Tĩnh bi quan, khả năng vụ đông xuân năm nay sẽ thiếu nước gay gắt mặc dù hiện tại các hồ thủy điện đang được mở để các đồng ruộng có nước tưới.

Nhận định này dựa trên cơ sở lưu lượng các sông đôi ba tháng tới sẽ giảm nhanh. Chẳng hạn, lưu lượng nước sông Đà đợt tháng 2-3-4 chỉ còn 150 -200 m3/giây trong khi bình thường vào giai đoạn này là 400 - 500 m3/giây. Tình hình sông Thao, thượng nguồn sông Hồng, và sông Thái Bình cũng vậy.

Do các hồ thủy điện đang xả nước, lưu lượng sông Hồng được cải thiện, ở mức 650 m3/giây (ngày 27-1). Nhưng sang tháng 2, sẽ chỉ còn khoảng 500 m3/giây, chưa bằng một nửa so với cùng kỳ mọi năm. Đến tháng 3 - 4, mực nước sông Hồng còn giảm nữa.

Khu vực nam Trung Bộ, Tây Nguyên, và Nam Bộ, mực nước hai tháng tới dự kiến cũng giảm rất nhanh, thấp hơn 10 - 20% so với TBNN. Ông Nguyễn Minh Giám, Phó Giám đốc Đài KTTV Khu vực Nam Bộ, ước tính, mực nước sông Tiền, sông Hậu – hai con sông chính ở Nam Bộ, sẽ thấp hơn so với TBNN cả đầu và cuối mùa tương ứng là 0,2 - 0,3 m và 0,3 - 0,4 m.

Ông Giám đặc biệt lưu ý hiện tượng xâm nhập mặn. Bất chấp đợt mưa trái mùa giữa tháng 1-2010 vừa rồi làm độ mặn giảm nhanh, hiện tại, mực nước tại đầu nguồn sông Tiền sông Hậu đang ở mức rất thấp, thấp hơn cùng kỳ năm 2009 khoảng 0,7 m.

“Nhiều khả năng xâm nhập mặn trong mùa cạn năm 2010 sẽ sớm hơn và vào sâu hơn trong các tháng sắp tới”, ông Giám tiên lượng.

MỚI - NÓNG