Tết của người Thượng thành Huế di cư

Một góc khu tái định cư bắc Hương Sơ dành cho người Thượng thành Huế di cư hiện nay
Một góc khu tái định cư bắc Hương Sơ dành cho người Thượng thành Huế di cư hiện nay
TP - Sau nửa đời người “sống mòn” bám víu bên bờ Kinh thành Huế, đến Tết Tân Sửu 2021, nhiều gia đình bắt đầu đón một cái Tết thực sự tại khu tái định cư bắc Hương Sơ (phường Hương Sơ, TP Huế). Họ là những hộ tiên phong rời khỏi Thượng thành Huế, thuộc Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành Huế.

Cứ như một giấc mơ

Là một trong những hộ đầu tiên di dời khỏi Kinh thành Huế, thoát cảnh mỏi mòn “sống bám” vào di tích, những ngày cận Tết Tân Sửu, ông Võ Đình Nhật (khu tái định cư bắc Hương Sơ) chưa bao giờ lại nhận được nhiều lời chúc mừng đến như thế. Người thân, bạn hữu không chỉ chúc Tết, chúc sức khỏe mà chúc mừng ông và gia đình có nơi ở mới mà trước đó vài năm, dù có mơ thôi cũng không ai nghĩ đó lại là hiện thực.

Đến giờ, khi đã yên ấm tại nơi ở mới, ông Võ Đình Nhật vẫn không thể nào quên những tháng ngày sống vật vạ tạm bợ tưởng chừng không có hồi kết trên bờ Kinh thành Huế. Ông Nhật chia sẻ, khi còn ở trên khu vực Thượng thành, mỏi mòn qua hai mùa nắng mưa, 6 người trong gia đình luôn khổ sở dưới ngôi nhà chật hẹp. Gọi là nhà, nhưng nơi đây chẳng khác khu lều trại, với diện tích sinh hoạt chưa đầy 20m2.

Khi hay tin chính quyền có chủ trương hỗ trợ di dân Thượng thành, ông Nhật và người nhà không chút do dự, đã tiên phong hưởng ứng cuộc di dân lịch sử này. “Gia đình tui thuộc hộ nghèo, nghèo lắm. Nay được hỗ trợ cả khu đất ở và được xây nhà khang trang nên mừng lắm. Về định cư lâu dài ở Hương Sơ, phận đời cơ cực trôi nổi của tui và con cái xem như đã qua rồi. Bây giờ đã có nhà mới, được an cư rồi, mọi người sẽ chăm lo làm ăn để thoát nghèo”, ông Nhật bày tỏ.

Tương tự hộ chị Lê Ánh Vân từng là cư dân lâu năm ở vùng Thượng thành Huế thuộc phường Thuận Lộc (TP Huế). Thời điểm này hơn một năm trước, chị Vân và nhiều cư dân di tích Thượng thành vẫn ngày ngày ngược xuôi tất tả mưu sinh, làm đủ thứ việc kiếm sống, tối đến “chui” trong những lều lán xập xệ.

Tết này, gia đình chị Vân đã định cư tại vùng bắc Hương Sơ, trong một căn nhà mới xây tinh tươm. “Kể sao hết những khổ sở, vất vả khi sống bám trên Thượng thành. Mọi chuyện cứ như là mơ vậy. Mấy năm trước, có mấy ai sống tạm trên bờ Thượng thành Huế như tui lại nghĩ có đất ở, có nhà mới rộng rãi đón Tết như thế thế này. Cảm ơn chính quyền, các nhà hảo tâm đã luôn sát cánh giúp đỡ bà con Thượng thành để có một nơi an cư yên ấm”, chị Vân nói.

An cư để lạc nghiệp

Theo tìm hiểu của PV, trong đợt đầu di dời dân thuộc Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế, có 576 hộ dân (trong tổng số 4.200 hộ di dời) được chuyển đến sinh sống tại các khu tái định cư vùng bắc Hương Sơ. Đáng chú ý trong số này là 26 hộ nghèo không có đủ điều kiện xây dựng lại nhà cửa đã được UBND tỉnh TT-Huế kêu gọi các nhà hảo tâm, cơ quan, tổ chức đóng góp, hỗ trợ kinh phí làm nhà mới.

Đến nay, những ngôi nhà vừa được xây dựng theo hình thức “chìa khóa trao tay” này đã hình thành, giao cho 26 hộ nghèo đến định cư lâu dài. Mỗi căn nhà được hỗ trợ xây dựng mới với trị giá hơn 200 triệu đồng.

Ban đầu, không ít gia đình “sống bám” trên Thượng thành từng băn khoăn, không biết làm gì để mưu sinh khi dọn đến nơi ở mới. Đến nay, bà con cho biết, việc mưu sinh khi dời về nơi ở mới đã dần ổn định. Có người tìm kiếm cho mình công việc mới, nhưng cũng có không ít trường hợp vẫn làm những công việc trước đây.

Trong một lần trao đổi với báo chí, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế, từng lưu ý,  khoảng cách giữa khu tái định cư mới và nơi ở cũ ở Thượng thành, Eo Bầu không xa, nên bà con vẫn tiếp tục làm công việc mà họ đang làm. Tỉnh rất quan tâm đến hạ tầng về xã hội tại vùng tái định cư, với một khu trường mẫu giáo hiện đại cũng sắp hoàn thiện. Đây là điều kiện để bà con ổn định cuộc sống lâu dài tại nơi ở mới.

Theo đại diện Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cuộc di dân lịch sử khỏi Kinh thành Huế đạt cùng lúc 2 mục tiêu lớn, đó là trả lại sự toàn vẹn vốn có của hệ thống di tích Huế được công nhận là Di sản văn hoá thế giới; đồng thời, giải quyết bài toán dân sinh cho người dân nghèo vốn “sống bám” cả nửa thế kỷ nay trên Thượng thành Huế.

Theo UBND tỉnh TT-Huế, Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế di dời, giải phóng mặt bằng tổng cộng khoảng 4.201 hộ với tổng mức đầu tư khoảng 4.097 tỷ đồng (giải phóng mặt bằng khoảng 2.735 tỷ đồng, xây dựng khu tái định cư khoảng 1.362 tỷ đồng). Đến Tết Tân Sửu 2021, có 350 hộ dân nhận giao đất tái định cư và hầu hết đã làm nhà ở.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.