Tết nghèo của những người nhặt than trôi

Tết nghèo của những người nhặt than trôi
TPO - Không khí Tết đã ùa về náo nức lòng người. Thế nhưng, ở vùng than Đông Bắc - nơi được mệnh danh là “vùng đất ngàn tỷ” này - vẫn còn những thân phận nghèo, chưa dám nghĩ đến cái Tết, khi mà cuộc sống của họ chỉ trông chờ vào mớ than trôi...
Tết nghèo của những người nhặt than trôi ảnh 1

Căm cụi nhặt mót than nhưng không bán được. Ảnh : Đức Kế

Phường Cẩm Phú, thị xã Cẩm Phả là nơi tập trung nhiều nhất các hộ dân sống bằng nghề nhặt than trôi ở vùng mỏ Quảng Ninh. Dù đã hẹn trước nhưng khi chúng tôi đến, chị Trần Thị Chiêm vẫn chưa có mặt ở nhà. Mất hơn hai tiếng đồng hồ ngồi chờ, mới thấy chị Chiêm tất tưởi chạy về.

“Tết đến nơi rồi mà chưa có tiền đóng học phí cho cháu trước khi về nên phải chạy đi vay từ sáng tới giờ. Thế mà vẫn chưa đủ...”. Khuôn mặt gầy đét, xanh xao của chị vẫn đang còn nhọ than, chị vừa thở hổn hển vừa nói như để thanh minh cho sự về muộn của mình.

Cả hai vợ chồng chị Chiêm đều đã về hưu non, với đồng lương ít ỏi, khó nuôi được mấy đứa con. Vì thế, công việc anh chị chọn trong lúc khó khăn này chính là nhặt mót than trôi trên các triền suối được thải ra từ mương thoát nước của các Công ty than Cọc Sáu, than Đèo Nai.

Tết nghèo của những người nhặt than trôi ảnh 2

Hàng vạn người không có Tết vì nhặt mót than không bán được. Ảnh : Đức Kế

Vất vả đêm hôm mong ngóng trời mưa để than trôi nhiều, nhưng vẫn chưa bán được vì giá quá thấp lại khó bán. Trước đây, bán cho tư thương, mỗi đêm mưa xuống, vợ chồng chị oằn lưng xúc than trong niềm vui có tiền ăn học cho con. Nhưng giờ đây, than không bán được, tiền học phí ba tháng nay của đứa con học trên Hà Nội vẫn chưa đóng, chị lo cho giấc mơ đại học nơi đất khách của con mình. Chính vì thế, đối với chị, cái Tết càng đến gần, nỗi lo lại càng lớn. Chị sợ cái Tết...

Còn gia đình ông Nguyễn Xuân Chất (54 tuổi, khu 6B, phường Cẩm Phú) lại có hoàn cảnh éo le khác. Vợ chồng ông trước làm ở Xí nghiệp xây lắp mặt bằng (nay là Cty than Dương Huy) nhưng cả hai đều bị tai nạn lao động nên phải về nghỉ chế độ. Nhìn đôi chân ngày càng teo lại của vợ chồng ông, chúng tôi không khỏi lo ngại cho bốn miệng ăn trong gia đình ông. Tến đã đến cận kề, ông vẫn chưa biết sẽ sắm sửa những gì...

Tết nghèo của những người nhặt than trôi ảnh 3

Nếu bán được đống than này thì gia đình ông Nguyễn Xuân Chất (tổ 6B, phường Cẩm Phú) mới mong có cái Tết ấm hơn. Ảnh : Đức Kế

Cùng hoàn cảnh đó, gia đình anh Nguyễn Văn Thành (phường Cẩm Phú) có tới gần chục người sống bằng nghề nhặt mót than. Anh kể: “Mấy năm trước, than bán được giá cao, lại dễ bán nên nhà tôi cũng sắm Tết cũng đầy đủ. Thế nhưng, năm nay, tình hình trái ngược, thu nhập khó khăn, chẳng biết lấy gì sắm Tết”. Để gỡ mối lo, gia đình anh họp bàn và quyết định: Người nào có xe máy thì chạy xe ôm hoặc chở hàng thuê, còn lại thì đi bốc vác, bán hàng. 

Bên cạnh các cư dân địa phương, nhiều người dân ở nơi khác từ nhiều năm nay tìm đến đất mỏ để nhặt mót than kiếm sống. Chị Hoàng Thị Thanh, quê ở huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) theo những người cùng làng ra phường Cửa Ông (thị xã Cẩm Phả) mót than đã ba năm nay. Căn nhà chị thuê chật chội (hơn 12 m2), càng chật hơn khi xung quanh phải chứa than mót chưa bán được.

Tồn đọng 50.000 tấn than trôi

Theo thống kê của thị xã Cẩm Phả, số người sống bằng nghề nhặt mót than, đãi than trôi trên địa bàn ước cả vạn người. Lượng than trôi mà người dân địa phương thu gom được đang tồn đọng cỡ 50.000 tấn. Thời gian vừa qua, do mặt hàng than khó tiêu thụ, chính sách thu mua than trôi chưa được giải quyết thoả đáng nên số người này đang trở thành gánh nặng cho địa phương.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND thị xã Cẩm Phả cho biết: Mỗi lần Tết đến là mỗi lần nhìn lại tổng thể cuộc sống của người dân địa phương. Dù đã cố gắng hết sức nhưng do điều kiện khách quan (thị trường tiêu thụ than chậm, tình hình lạm phát tăng cao...) nên cuộc sống người dân làm nghề mót, đãi than trôi gặp rất nhiều khó khăn.

Cũng theo ông Tuấn, ưu tiên hàng đầu hiện nay là phải thu mua hết số than tồn đọng để giải quyết đời sống cho bà con. Nhưng giá thu mua của ngành than quá thấp, thủ tục rất phức tạp nên đây là vướng mắc khó có thể tháo gỡ ngay. Chính vì thế, đối với hàng trăm hộ dân ở đây, cái Tết Kỷ Sửu năm nay sẽ không được đầm ấm như mong muốn.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.