Tết nom nghịch cảnh chân đèo

Tết nom nghịch cảnh chân đèo
TP - Dưới bóng các công trình công nghiệp bắt đầu phát triển ở Đèo Ngang, bên giàu lên, bên nghèo nàn vẫn đeo bám.
Tết nom nghịch cảnh chân đèo ảnh 1
Trẻ em Kỳ Phương vui vì có quần áo mới

Nơi mưa tiền

Đến cuối năm 2008, khu công nghiệp Vũng Áng và Cảng Sơn Dương (Kỳ Anh, Hà Tĩnh, thu hút đầu tư hơn 10 tỷ USD. Tiền bồi thường và xây dựng khu tái định cư cho năm xã tới 3.700 tỷ đồng. Một khoản tiền lớn mà dân Kỳ Anh nằm mơ cũng chưa dám nghĩ đến.

Tiền đền bù đợt một chỉ riêng đất nông nghiệp cho năm xã (Kỳ Thịnh, Kỳ Lợi, Kỳ Liên, Lỳ Long, Kỳ Phượng) gần 540 tỷ đồng. Kỳ Phượng nhận 214 tỷ đồng (gấp 32 lần tiền thu ngân sách huyện Vũ Quang). Một số hộ nhận từ 400 triệu đồng trở lên. Nhiều xóm bình quân mỗi hộ có trên 200 triệu đồng.

Đấy là số ban đầu. Khi dời dọn nhà cửa và đất ở thì còn nhận được số tiền gấp hơn ba lần thế. Nhiều người sống dưới đáy nghèo, nay gặp vận hội đổi đời. Vợ chồng anh Lê Văn Quang-Trần Thị Lan có hai con. Quang đi làm thuê ở Đăk Lăk trong vai lâm tặc, một lần sa cơ bị gỗ đè, trở thành phế nhân, về quê sống nhờ vợ trong túp lều rách nát, được hội chữ thập đỏ xây cho nhà tạm đủ bốn người cư trú.

Nhà có gần mẫu ruộng, một năm chỉ được một mùa, sống chật vật. Vừa nhận 240 triệu đồng bồi thường ruộng lúa, họ gửi ngân hàng 160 triệu đồng, còn 80 triệu đồng sắm xe máy, ti vi, tủ, màn, chăn nệm, quần áo..., cho cả nhà, hoa tai vàng cho vợ. Trả xong nợ, họ vẫn còn 30 triệu đồng lo học cho con.

Chị Lan phấn khởi: “Cưới nhau gần 15 năm, nay mới được nằm chăn êm nệm ấm, xem ti vi của nhà và có xe máy đi. Tiền (160 triệu đồng) gửi ngân hàng, mỗi tháng hơn một triệu đồng lãi, đủ mua gạo và thức ăn. Đây là Tết đầu tiên gia đình tôi sung sướng thế”.

Vợ chồng Dương Văn Vệ - Lê Thị thân trước chuyến đi làm thuê không đủ ăn, nay nhận bồi thường mấy sào ruộng được 150 triệu đồng, gửi ngân hàng 140 triệu đồng, còn 10 triệu đồng mua ti vi, chăn, nệm. Đất đai chỉ còn sáu sào sắn.

Chị Thảo, Minh, không chồng, hai con, được bồi thường hơn một trăm triệu đồng, mua đủ ti vi, chăn nệm và một số đồ dùng thiết yếu, vẫn dư gần trăm triệu đồng gửi ngân hàng. Chưa bao giờ họ được cầm khoản tiền lớn vậy. Biết không còn ruộng cấy lúa nhưng họ yên trí có khoản tiền dự phòng lo chuyển đổi nghề nghiệp.

Trên tuyến liên hương Kỳ Phương, Kỳ Lợi, thấy mấy chục xe máy sáng loáng của những người tranh thủ cày cấy vụ cuối cùng trên vùng đất được đền bù. Trung tâm xã các cửa hàng điện thoại di động, chăn, nệm, ga, giường mốt Hàn Quốc cả tuần nay rộn rịch người mua.

Con em ở Kỳ Phương hớn hở cùng quần áo, giày dép mới. Số tiền UBND xã Kỳ Phương được nhận đưa vào quỹ tiết kiệm cũng tới hơn 4,2 tỷ đồng. UBND xã Kỳ Long còn sộp hơn, có tiền gửi kho bạc gần 23 tỷ đồng.

Sau đợt bồi thường, lượng xe máy và ti vi dân năm xã sắm thêm mỗi loại khoảng 1.200 chiếc, trong đó Kỳ Phương chiếm một phần tư. Tiền họ gửi ngân hàng chiếm gần 70% tổng số  214 tỷ đồng đền bù kể trên.

Sắp tới, khoản bồi thường di chuyển nhà và đất ở..., dân Kỳ Phương sẽ nhận thêm 700-800 tỷ đồng. Lại còn được vào khu tái định cư thích nghi dần với khu công nghiệp. Kỳ Phương và Kỳ Nam vốn là bạn áo rách với nhau. Nay, Kỳ Phương đang từng bước đổi đời, nhìn sang Kỳ Nam càng thấy cám cảnh...

... nơi khát gạo giữa đồng tôm

Tết nom nghịch cảnh chân đèo ảnh 2
Ba đứa trẻ Kỳ Nam thất học đi nhặt phế liệu bán lấy tiền

Xã Kỳ Nam từng có bước đổi đời nhờ hồ chứa Đập Bò chứa hơn chục triệu mét khối nước, có thể tưới cho hơn trăm hécta, dân cấy cày năm hai vụ lúa (thu về 400 tấn thóc). Từ khi có dự án hồ tôm, 420/550 gia đình bị mất ruộng, hầu hết phải vào Nam làm thuê.

Vợ chồng Thanh - Tuyên không còn ruộng, phải bỏ lại ba đứa con (đứa lớn nhất 13 tuổi), nhờ mẹ (ngoại 70) chăm sóc, vào Nam làm thuê. Các cháu đến nay vẫn chưa biết bố mẹ có về Tết hay không. Tháng trước, bốn bà cháu được trợ cấp 20 cân gạo, dùng hết hơn 15 cân; còn một ít, tằn tiện lắm cũng không đủ đến Tết.

Vợ chồng Thái - Tứ có năm con mà chỉ còn 12 thước ruộng. Chồng luôn ốm đau, bốn con đang đi học, chị Tứ phải thường xuyên đi làm thuê trong Nam kiếm tiền gửi về.

Nguyễn Thị Liên là học sinh xuất sắc trường THPT Kỳ Anh. Học xa nhà hơn 30 km, Liên phải trọ, nhưng mỗi tuần gia đình chỉ cho được bảy lon gạo và 10 nghìn đồng. Tháng trước, gia đình nhận được 35 cân gạo trợ cấp, nguy cơ Tết này cũng không có gạo lẫn tiền.

Nguyễn Văn Hiệu, 45 tuổi, thuộc diện hộ năm không (không vợ, không ruộng, trâu bò, Tết này không tiền, gạo). Nhiều gia đình khác, Tết đến nơi vẫn vườn không nhà trống.

Gia đình Vàng - Hứa có bốn con; hai con lớn vay tiền sang Malaysia, mong đổi đời. Sau hai năm góp trả vẫn còn nợ 15 triệu đồng, muốn về cũng không tiền mua vé. Anh Vàng đang làm thuê trong Nam cũng chưa về.

Xóm cụt dọt Cầu Bò, trước là bãi đáp của hoa héo Đèo Ngang, nay cư trú gần chục chị không chồng. Số đi làm thuê ở miền Nam mang con về cũng dăm bảy đứa, nâng diện cụt dọt của toàn xã lên vài chục người, cuộc sống càng khó khăn.

Trưa 15/1, đến đỉnh đèo, tôi gặp bà Nguỳ, 72 tuổi, đi củi về. Bà Nguy mấy năm nay có công quét dọn ở cổng Hoành Sơn Quan, được bồi dưỡng 50 nghìn đồng/tháng, hiện cũng không còn gạo ăn Tết.

Đến mốc giới Hà Tĩnh và Quảng Bình, gặp ba thiếu nhi đi lượm phế liệu, đang run lập cập vì rét, mếu máo xin ăn. Theo bà Ngùy, do nhà nghèo, chúng phải bỏ học, hằng ngày lên đây lượm phế liệu... Dọc đường về, lại gặp hai học sinh lớp bảy (tên Quang và Tú) tranh thủ chiều nghỉ học, ra thả lưới giữa sông Cầu Bò dưới trời rét buốt...

Chỉ cách nhau hai mái Đèo Con, dân Kỳ Phương góp ruộng cho công trình cảng biển và khu luyện thép thì gặp được mưa tiền; còn dân Kỳ Nam góp ruộng cho dự án tôm thì thường xuyên đói kém.

Ông Chủ tịch xã Kỳ Nam cho biết: “Dự án nuôi tôm của Cty Việt Anh thu hồi gần trăm hécta ruộng của 420/550 hộ (hơn 1.500 người), tiền bồi thường không đủ mua thóc. Dịp Tết này có gần trăm gia đình đặc biệt khó khăn.

Tháng trước, huyện cho 14 tấn gạo cứu đói; đoán trước được tình hình, xã còn dành lại gần hai tấn để cấp cho những hộ túng nhất”. Những nông dân Kỳ Nam mất ruộng, khoản tiền bồi thường sẽ chấm hết vào năm 2013. Trước mắt họ là cảnh đàn tôm tiếp tục phận đi lùi.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.