Tết Sài Gòn vắng...

Tết Sài Gòn vắng...
TP - Tết Sài Gòn à? Có gì đáng nói đâu nhỉ. Trên dải đất hình chữ S này, ở đâu đông người, cuộc sống sôi động nhất, phong vị các miền tập hợp đông đủ nhất, ắt phải là Sài Gòn-TPHCM.

> Cùng bạn đọc

Đường hoa Nguyễn Huệ tết 2011
Đường hoa Nguyễn Huệ tết 2011.

Sài Gòn, như người dân ở đây thường nói, đích thị là một “hợp chủng quốc” của Việt Nam. Người Bắc, người Trung, người Đông và Tây nam bộ, tất cả đều dễ dàng được mảnh đất Sài Gòn dung chứa mà không bắt buộc họ phải bỏ đi những lối sống mang nét văn hóa vốn gắn bó với mình từ tấm bé.

Ở Sài Gòn, không ai đề cập khái niệm người Sài Gòn gốc như ở Hà Nội, vì gốc gác ở đây có lẽ chả quan trọng lắm. Chơi với nhau vì thấy “cha đó chơi được”, chẳng liên quan gì gốc gác của nhau.

Ấy vậy mà tết Sài Gòn, như người ở Sài Gòn lâu năm nhận xét, là buồn lắm. Đường phố vắng tanh vắng ngắt. Cứ như thể cả thành phố quay lại thời kỳ mấy chục năm trước, khi cả Sài Gòn chỉ có trên dưới 2 triệu dân.

Nhưng tết Sài Gòn bao giờ cũng nhạt vậy ư? Không hẳn. Trong ký ức của những người sống lâu năm ở đây, tết Sài Gòn xưa cũng vui lắm chứ. Trẻ con được nghỉ học sớm chạy chộn rộn khắp xóm, nhà nhà người người rậm rịch trang hoàng nhà cửa. Chợ búa xôm tụ hẳn lên, bánh mứt, trái cây rộn ràng…

Cận Tết cũng là thời điểm những người trồng hoa miền Tây đổ lên Sài Gòn mong một mùa “gặt hái”. Những bông cúc, vạn thọ vàng rực một dải trên bến Bình Đông (quận 8) như ước vọng muôn đời về mấy chữ phúc -lộc -thọ của một đời người.

Lũ trẻ cứ chờ, chờ mãi. Nhưng đó là do chúng nó sốt ruột, chứ thời khắc giao thừa có bao giờ sai hẹn đâu. Người lớn sửa soạn bày biện mâm cúng ông bà tổ tiên, tụi nhỏ xuýt xoa bên túi bánh mứt... rồi rộn rã lúc trời đất chuyển giao, nhà nhà thắp nhang lạy tạ đất trời, đón may mắn năm mới. Lũ trẻ, ngủ rũ ra vì thức khuya quá mức so với ngày thường, trên tay vẫn cầm bao lì xì ông bà mới cho.

Bây giờ bến Bình Đông vẫn còn đó, đường đã được mở lớn, rộng thênh thang, những chiếc ghe vẫn từ miền Tây mang hoa lên Sài Gòn dịp xuân về, nhưng cái chộn rộn, phơi phới của thời khắc vui tươi nhất trong năm dường như không còn như xưa nữa hoặc giả đã phôi pha một cách rất thường tình trước nhịp sống nhanh, sự thay đổi đến chóng mặt của thành phố.

Tết ở các nơi, người ta đổ nhau về. Tết ở Sài Gòn, người ta đổ nhau đi. Các chuyến máy bay, tàu, xe dịp tết từ Sài Gòn ra Bắc, về Trung, về miền Tây… cứ đông như trảy hội, chật ninh ních, chen chúc, căng thẳng, trong khi chiều về Sài Gòn vắng teo, trái ngược với cảnh tàu xe về lại Sài Gòn sau tết. Cứ tết đến, gọi điện hỏi vài ba người bạn đang sống ở Sài Gòn, ai cũng nói kế hoạch ăn tết là “về quê”, hoặc du lịch nếu có điều kiện. Nhà cửa đóng chặt, con cái cho về quê, chó mèo mang đi gửi…

Và có lẽ đã thành một thói quen, nhiều người Sài Gòn, hoặc không có quê nơi khác để mà về, hoặc quá oải với sự vắng lặng, cô liêu của thành phố mỗi khi đến tết, hoặc đơn giản là chẳng biết làm gì khác, thường rủ nhau đón giao thừa ở một khu du lịch hay một thành phố xa lạ nào đó có khi cách nhà cả vài ngàn km.

Chuyện đón năm mới ở đâu đó như Phan Thiết, Nha Trang, Sa Pa hay Bangkok, thậm chí là Tây Tạng cũng không mới mẻ đối với dân Sài Gòn. Ở Sài Gòn, ai cũng nhăm nhăm về quê, hoặc giả đi đâu đó, thói quen tết đến qua chơi nhà nhau, chúc tết lòng vòng không phổ biến như các tỉnh phía Bắc.

Nhưng nói gì thì nói, tết Sài Gòn vẫn cứ diễn ra như thế. Như một nét bản sắc. Mà cũng phải, Sài Gòn đã quá ầm ào, sôi động cả năm, cũng nên có một khoảng lặng trong vài ngày chứ nhỉ. Chúa làm việc một tuần cũng phải có một ngày nghỉ cơ mà.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG