Tết, Tết, Tết!

Tết, Tết, Tết!
TP - Từ cả tháng nay trời đã trở lạnh. Đêm đến cả nhà có cái thú do mẹ bày ra, đun siêu nước nóng, rồi pha thành nước ấm trong cái chậu đồng cũ kĩ, cả mấy anh chị em ngồi ngâm chân chuyện trò. Rồi thì lên giường đọc sách ôn bài đi ngủ.
Tết, Tết, Tết! ảnh 1

Sáng ngày ra bị bố mẹ đánh thức dậy thật sớm để đi học, ôi khổ sở gì bằng thế cái việc phải chui ra khỏi chăn ấm để giáp mặt với ánh đèn điện vàng chói chang, cùng cái lạnh sởn da gà. Phố phường không một bóng người. Có tiếng gà gáy xa xa mạn bờ đê...

Nhưng những ngày khổ sở dậy sớm như thế đã qua rồi! Kì nghỉ Tết đã tới. Một đời sống tuyệt vời khác đã thức dậy.

Xã hội thời ấy cũng lắm cái thật vui vào lúc này. Cả năm làm lụng sinh sống chật vật, nhưng nhà nào rồi cũng loay hoay có được một khoản để dành đó đón Tết.

Mấy tháng trước Tết là mấy tháng đại giáp hạt, nền kinh tế chỉ huy này chủ động găm hàng và mãi đến lúc này thì hàng mới được xuất kho trả lại chút niềm vui Tết cho những con người thời khốn khó.

Mỗi ai mặt mũi sao tươi sáng lạ thường đến thế với túi hàng Tết! Cả năm trời họ mới được gặp lại những hộp “bánh mứt kẹo” sắc màu xanh đỏ, những miếng bóng vàng óng sấy khô... Và trên hết, những bánh pháo đỏ rực làm rộn lòng người...

Sức mạnh ấy... vẫn chưa đủ.

Trời ẩm dần, thỉnh thoảng mưa phùn.

Đào, thược dược, lay-ơn, quất cây... bắt đầu được dạt dần từ các làng hoa ngoại thành về mạn Hàng Lược, Đồng Xuân trên xe đạp thồ hay xích lô...

Cứ vào mấy ngày này, người bận nhất nhà tôi là bà ngoại.

Cả phố này chỉ có bà tôi gói bánh chưng giỏi, không phải dùng khuôn mà bánh vuông thành sắc cạnh. Vì không dùng khuôn nên trẻ con các nhà rất mê với những chiếc bánh cuối cùng bao giờ cũng được riêng tư hóa, cứ to nhỏ xinh xinh dần theo mấy anh chị em trong nhà họ.

Bà tôi khỏe và vui thế. Hết ngày này sang ngày khác bà đi gói bánh chưng cho mọi nhà. Đây là lúc bà lên đỉnh vinh quang của công việc thiêng liêng ấy.

Mỗi gia đình mời đón bà tôi trịnh trọng. Giữa nhà trải chiếu hoa, có cái gối nhỏ cho bà ngồi. Xung quanh thì mọi thứ đã sẵn sàng: gạo nếp cái đã vo ráo trắng bong, đỗ đã xay và đồ chín, lá dong đã rửa sạch và lau khô, lạt chẻ chờ sẵn, thịt lợn cắt miếng lớn... Bà diện áo gấm, quần lụa, tóc vấn, hàm răng đen của bà đều tắp và chắc khỏe. Bà từ tốn lấy lá trầu, têm vôi vào cau, gọt miếng vỏ chêm vào, rồi gói ghém lại, nhai bỏm bẻm... Khai cuộc.

Mọi người nín thở nghe rõ từng âm thanh thiêng liêng của khởi sự: bà cắn nhẹ gân lá dong phía nửa trên, bẻ tước gân lá nghe "soạt"... Hai tàu lá trải chồng vuông góc nhau nằm bên trên mấy dây lạt. Tay bà đong gạo, be bờ... Một lượt đỗ vàng... Mấy miếng thịt lớn được sắp xếp ngay ngắn ở trung tâm. Lại lượt đỗ, rồi lượt gạo. Cái lúc khó nhất là đây, bà gấp lá, dựng bánh gọn gàng, thít bánh, néo buộc lạt chắc đanh. Bọn trẻ reo lên, một chiếc bánh chưng đã được sinh ra, đẹp óng nõn nà!

Từng đấy bao nhiêu năm trời, mà không ai trong phố có ý định học theo bà tôi gói bánh cả! Trong lòng người của cái phố đó của thời ngày đó, bà tôi là một nhân vật thiêng liêng cho cái công việc thiêng liêng này, và không ai có thể bắt chước mà được. Tóc bà cứ đen nhánh mãi, dáng bà thanh, khuôn mặt sáng, mũi cao, mắt rộng và sâu, nói năng sắc sảo. Đám thanh niên trai gái thì chỉ mê được bà xem tướng và giải hạn cho các mối tình...?tương lai đang rập rình ở đâu.

Mẹ tôi thì có cái thú khác, thú nấu bánh chưng. Thường khai bếp vào sáng 30 Tết.

Ở góc bếp, mẹ tôi đã để dành mấy thanh củi rất lớn từ cả năm. Trẻ con nhìn những thanh củi này trong năm là đã nghĩ đến Tết rồi. Củi thời đó hiếm hoi.

Sáng sớm ra mấy anh lớn được sai vần mấy hòn đá tảng trong góc bếp ra, đem kê chúng thành thế chân vạc, để rồi bắc lên đó cái thùng phi con. Thùng phi con để nấu bánh giờ đã lên ngôi thắng thế cái nồi ba mươi, vì hàng xóm còn gửi bánh để luộc cùng, và ở phía trên thùng phi thì có cái chậu nhôm để lấy nước nóng, vừa để thỉnh thoảng thêm nước nóng vào nồi, vừa để cả nhà thay nhau mang đi tắm đón Tết.

Chiếu được rải ra trong bếp, để canh bếp, để sưởi ấm, để tán chuyện, để mấy anh chị em cùng bạn bè xóm giềng đánh bài, chế thêm nước, rồi đảo bánh...

Bố mẹ dọn quần áo "mới" ra, lũ trẻ con lần lượt đi tắm rửa hết cả, để còn kịp ăn bữa cơm cuối năm. Bộ đồ Tết năm ngoái, Tết này mặc vào có vẻ đã hơi ngắn rồi, từ nay sẽ được diện nó thường xuyên thôi.

Nhà cửa như có phép thần, gọn gàng xinh xắn thế. Đấy là tài đem giấu đồ đi đâu của bố tôi.

Khoảnh khắc trọng điểm đã đến: vớt bánh. "Nào, tránh hết ra, không thì chết bỏng cả lũ bây giờ "... Mùi thơm bánh chưng ngào ngạt. Những chiếc bánh bé được chui ra đầu tiên giữa đám mây hơi nước! Một chiếc lớn được đưa lên bóc ngay cho bữa cơm cuối năm.

Loay hoay thế nào mà tôi ngủ thiếp đi trong bữa ăn. Đang ngủ say như thế thì bị mấy anh chị lay người, giật chân, giục dậy bằng được, “giao thừa, giao thừa, nhanh, nhanh...”.

Đây là giao thừa thứ mấy mà tôi đã biết thức đón nó nhỉ? Hơi lạnh từ cửa sổ làm tôi tỉnh ra, phấn chấn trở lại.

“Đùng, đùng, đùng... Tết, Tết, Tết", cả thành phố rộn vang trong cái khói thơm nao nao thật là Tết.

Cả nhà rục rịch ra phố. Mẹ diện áo dài lụa đỏ sậm, choàng áo len đen, nom nổi bật hơn hẳn mọi ngày. Bà thì nhất định chỉ ở nhà khấn Phật. Đường phố vui sao! Đây rồi vườn hoa Con Cóc, vườn hoa Chí Linh, Bờ Hồ lung linh...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.