Thách thức nào đối với tân Bộ trưởng GTVT và Tổng Thanh tra Chính phủ?

Thách thức nào đối với tân Bộ trưởng GTVT và Tổng Thanh tra Chính phủ?
TP - Trò chuyện với Tiền Phong trước ngày khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội (QH) khóa XIV, ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH cho rằng, cử tri và nhân dân mong muốn, đòi hỏi các nhân sự được phê chuẩn vào vị trí Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) lần này phải giải quyết được câu chuyện BOT và tạo ra hiệu quả trong công tác phòng chống tham nhũng.

Ông Đỗ Mạnh Hùng cho biết: Thời gian qua có một số cán bộ đang giữ cương vị, trách nhiệm cao nhưng do có vi phạm nên kỷ luật nên Đảng đã xử lý kỷ luật và cho thôi các chức vụ. Do đó yêu cầu đặt ra là phải có nhân sự bổ sung, thay thế cho những vị trí đó. Cụ thể như trường hợp của Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa, mới đây được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng thay thế cho ông Nguyễn Xuân Anh (bị cách chức Bí thư Thành ủy và cho thôi Ủy viên Trung ương Đảng - PV).

Thách thức nào đối với tân Bộ trưởng GTVT và Tổng Thanh tra Chính phủ? ảnh 1 Ông Đỗ Mạnh Hùng. Ảnh: Như Ý.

Hiện cử tri cũng hy vọng rằng từ sự nghiêm minh trong công tác xử lý cán bộ có vi phạm, quy trình lựa chọn bố trí cán bộ thay thế cũng sẽ đảm bảo được yêu cầu, lựa chọn được những người có đủ năng lực, trình độ, có phẩm chất, đạo đức chính trị, đáp ứng được những yêu cầu nhiệm vụ rất là nặng nề đang đặt ra.

Đối với vị trí Tổng Thanh tra Chính phủ, nhiều cử tri cho rằng, người được QH phê chuẩn vào vị trí này phải có giải pháp để tạo sự chuyển động rõ rệt trong công tác phòng chống tham nhũng. Ông nhìn nhận thế nào về ý kiến này?

Thanh tra Chính phủ có chức năng thẩm quyền rất quan trọng trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng. Thanh tra Chính phủ cũng là cơ quan có chức năng, thực hiện nhiệm vụ thanh tra để tham mưu, đề xuất với Chính phủ xử lý các vấn đề liên quan đến tiêu cực, tham nhũng, thất thoát, lãng phí. Do đó, đòi hỏi nhân sự được các cơ quan có thẩm quyền thực hiện quy trình đề nghị QH phê chuẩn vào vị trí này, phải sớm hòa nhịp với yêu cầu của công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng nói riêng, và công tác thanh tra nói chung, đáp ứng mong đợi của nhân dân và cử tri. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, công tác phòng chống tham nhũng đang trở thành sự quan tâm chung của xã hội, là yêu cầu rất bức bách thì những đòi hỏi mà cử tri nêu ra đối với tân Tổng Thanh tra Chính phủ là hoàn toàn xác đáng.

Thế còn những thách thức đối với tân Bộ trưởng Bộ GTVT thì sao, thưa ông?

Yêu cầu đặt ra đối với ngành GTVT nói chung và tân Bộ trưởng Bộ GTVT nói riêng là làm sao xây dựng được cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển, hiện đại hóa của đất nước. Nhưng những giải pháp đó phải phù hợp với khả năng kinh tế của đất nước cũng như sự chi trả của người dân.

Hiện cử tri mong muốn, đòi hỏi người sẽ được phê chuẩn vào vị trí Bộ trưởng Bộ GTVT phải có giải pháp để các dự án BOT được thực hiện một cách công khai, minh bạch, hiệu quả, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước – người dân và doanh nghiệp; xử lý đúng quy định của pháp luật các vấn đề về BOT. Điều này không chỉ góp phần gỡ những vướng mắc đang tồn tại mà còn đáp ứng được yêu cầu phát triển, tiếp tục huy động được nguồn lực xã hội đầu tư vào hạ tầng giao thông.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG