Thái Bình: Nông dân chán ruộng, vì sao ?

Thái Bình: Nông dân chán ruộng, vì sao ?
Thật trớ trêu, khi nông dân “quê hương 5 tấn” lại  “không thiết tha với đồng ruộng”. Nhiều nơi, nông dân trả lại ruộng cho xã, vì sao?
Thái Bình: Nông dân chán ruộng, vì sao ? ảnh 1

Ông Phan Chí Hùng - Phó phòng Trồng trọt Sở NN&PTNT Thái Bình cho biết: “Số lượng ruộng người dân bỏ hoang, nếu trên diện tích đất được chia thì không có, mà chủ yếu là trên chân ruộng 5% công ích. Chính xác là bao nhiêu thì hiện nay chúng tôi chưa có thống kê. Còn chuyện người nông dân không thiết tha với đồng ruộng là có thật”.

Vụ mùa năm 2004, tỉnh Thái Bình gieo cấy trên diện tích trên 85.900 ha, giảm 392 ha so với vụ mùa năm 2003. Do ảnh hưởng trận mưa lụt cuối tháng 7/2004 (làm ngập úng  gần 6 vạn ha), diện tích lúa phải cấy lại gần 1 vạn ha. Nhiều gia đình có diện tích lúa bị chết do bị ngập úng đã bỏ ruộng hoang không cấy nữa. Điển hình là ở các huyện Kiến Xương, Quỳnh Phụ và  Đông Hưng.

 “Chính vì lý do này mà một số báo chí thông tin là bỏ ruộng” - Ông Hùng nói.  

Ngành nông nghiệp Thái Bình đang phải đối mặt với một số thách thức, khó khăn khiến nông dân không thiết tha với đồng ruộng như: nền nông nghiệp sản xuất nhỏ lẻ, phân tán tư tưởng của một bộ phận cán bộ và nông dân chưa thoát khỏi cơ chế bao cấp, thậm chí là trông chờ, ỷ lại.

Cơ sở hạ tầng cho sản xuất, nhất là thuỷ lợi, giao thông đồng ruộng, hệ thống sản xuất giống... đang xuống cấp, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hoá chất lượng cao. Công nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản thực phẩm trong tỉnh nhỏ bé, sản phẩm nông sản chủ yếu do doanh nghiệp tỉnh ngoài hay tư thương đảm nhiệm, giá trị vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu, điện, xăng dầu... tăng cao, hiệu quả sản xuất thấp, dẫn đến  một bộ phận nông dân không thiết tha thâm canh, tăng vụ...

Đến xã Đông Phương - một xã thuần nông của huyện Đông Hưng, ông Phạm Xuân Cảnh – Bí thư Đảng uỷ xã thở dài cho biết: “Xã tôi hiện có 4.400 lao động thì 2000 lao động vào Nam và các tỉnh làm thuê, số tiền mang về  cao hơn nhiều lần làm ruộng , đây chính là lý do mà người dân không thiết tha với đồng ruộng.

Hiện xã có hơn 30 mẫu ruộng thuộc quỹ đất 5% (đất xấu, ở vùng trũng) nằm rải rác ở các thôn vụ lụt năm ngoái nhiều nhà cấy bị chết bỏ hoang. Do đất không tốt, năng suất lúa thấp, người dân đã kéo lên uỷ ban xã xin trả lại ruộng không cấy nữa”.

Ví dụ như ông Lê Công Thung (thôn Trần Phú) xin trả 1 sào ruộng 5% (ruộng công ích xã), ông Phan Bá Tứ (thôn Trung) xin trả 2 sào, ông Phan Bá Dâu...  ông  Khanh cho biết: “Hiện nay xã đã thu hết số ruộng này rồi phân cho một vài hộ thuê với diện tích lớn từ 3 đến 10 mẫu để họ dễ  bề chuyển đổi sang cây trồng có năng suất cao hơn”.

Mỗi ngày công chỉ được 1.000 đồng

Vì sao bà con nông dân chán ruộng? Câu trả lời là: “Ăn gì mà cấy?”. Giá đạm, lân, kali, thuốc trừ sâu ... tăng vùn vụt (giá đạm hiện nay 4.800 đồng/ kg) trong khi giá lúa vẫn giữ ở mức 2.400 đồng/ kg.

Ông Phạm Bá Tứ- thôn Trung (xã Đông Phương- huyện Đông Hưng) có 8 sào ruộng bỏ hoang cho biết: “Tính toán chi ly công làm một sào ruộng hết 250 ngàn, phân bón, thuốc trừ sâu ... hết 100 ngàn nữa. Năm được mùa, 1 sào lúa được 2 tạ, được 480 ngàn, trừ chi phí còn 130 ngàn. Đóng thủy lợi phí cho xã, HTX hết 30 ngàn, còn lại chưa nổi 100 ngàn. Mỗi khẩu 1,3 sào. Mỗi năm được lãi 130 ngàn, chia cho 180 ngày, mỗi ngày chưa nổi 1 ngàn. Thế thì còn cấy làm gì, trong khi đi làm phu hồ xây dựng ăn rồi ngày cũng còn được 15.000 đồng”.

Cụ Nguyễn Thị Liêm- thôn Văn Hanh (xã Lê Lợi - huyện Kiến Xương), có 2 sào ruộng đang phải thuê người làm toàn bộ thở dài: “Vợ chồng tôi già, không làm được phải thuê người. Công máy cày, máy tuốt đều tăng vì xăng dầu tăng. Ngay cả công phun thuốc sâu trước 2 ngàn đồng/ sào nay tăng lên 5 ngàn đồng/ sào, công gặt trước 20 ngàn đồng/ sào nay tăng lên 35 ngàn đồng/ sào. Vợ chồng tôi đang tính bỏ quách đi ”.

Ngay cả vụ đông được coi là vụ sản xuất chính, theo tính toán của ông Đào Trọng Thu- thôn Đô Lương (xã Vũ An- huyện Kiến Xương) thì ngày công cũng rất thấp: “Chẳng hạn làm 1 sào khoai tây xuất khẩu: Giống hết 45 kg (270 ngàn), đạm 9 kg (44 ngàn), kali 7kg (25 ngàn), thuốc trừ sâu 14 ngàn, công làm đất... tổng cộng hết 5.74 ngàn. Nếu được mùa 1 sào được 7 tạ, nhân với giá bình quân 1 ngàn đồng/kg, được 700 ngàn, trừ chi phí còn lãi 126 ngàn, chia cho 90 ngày mỗi ngày được hơn 1 ngàn. Rồi ông buồn bã nói: “Chúng tôi buộc phải làm, chứ thực ra cũng chẳng thiết tha gì”. 

Ngoài những nguyên nhân trên, việc bà con chán ruộng còn do không có lao động. Những năm trước đây, lao động làm nông nghiệp ở Thái Bình chủ yếu là phụ nữ, nhưng thời gian gần đây phong trào xuất khẩu lao động đã khiến nhiều địa phương chỉ còn người già và con trẻ.

Mặt khác, ngày công lao động làm những nghề phụ như: bún bánh, đi phu hồ xây dựng, đi đồng nát... cũng cao hơn làm ruộng thì việc người dân chán ruộng cũng là điều dễ hiểu.

Hiện nay, tỉnh Thái Bình vẫn đang bối rối và chưa có biện pháp hữu hiệu nào để hạn chế người dân bỏ ruộng. Theo ông Hùng, Nhà nước cần có chính sách giảm giá các loại vật tư nông nghiệp, trợ giá cho một số mặt hàng nông nghiệp quan trọng để nông dân nhất là vùng lúa gạo  yên tâm sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực góp phần ổn định chính trị xã hội nông thôn....

Nếu không thì rất khó có thể ngăn chặn được việc nông dân không thiết tha với đồng ruộng.

MỚI - NÓNG