Thảm đỏ vắng người tài: Nhiều lãnh đạo chưa biết đến chính sách

Thảm đỏ vắng người tài: Nhiều lãnh đạo chưa biết đến chính sách
TP - Nhiều lãnh đạo chưa nhận thức được tầm quan trọng và tính cấp bách của công tác nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Nhiều thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương chưa biết đến chính sách thu hút người tài.

>> Không phải xếp hàng

Giám đốc Sở  Nội vụ Cần Thơ Trần Oanh Liệt chia sẻ với Tiền Phong sau loạt bài: Thảm đỏ thưa vắng người tài.

Thảm đỏ vắng người tài: Nhiều lãnh đạo chưa biết đến chính sách ảnh 1


Trong báo cáo mới đây của Sở Nội vụ, hai năm thực hiện chính sách thu hút nhân tài, bên cạnh một thạc sỹ về cơ quan của thành phố công tác, còn có một thạc sỹ về quận Cái Răng.Tại sao lại tính có một, thưa ông?

Thạc sỹ thú y tự nguyện về công tác tại quận Cái Răng thuộc diện xin việc, không được hưởng các chế độ thưởng và hỗ trợ, nên không tính vào số lượng nhân tài thu hút.

Nhân tài về theo chính sách thu hút của thành phố phải là những người có chuyên môn thành phố đang cần. Còn những người xin việc hay chuyển công tác để hợp thức hóa gia đình chẳng hạn, thì không tính.

Thiếu mạnh dạn

Những ngành nghề nào TP Cần Thơ đang rất cần mà chưa có người xin về?

Luật, kiến trúc, đối ngoại, khoáng sản, trắc địa, các ngành thuộc lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật, trình độ từ thạc sỹ trở lên. Đặc biệt là dược sỹ, bác sỹ chuyên khoa cấp 1 và 2, thành phố đang có nhu cầu rất lớn.

Thảm đỏ vắng người tài: Nhiều lãnh đạo chưa biết đến chính sách ảnh 2
Giám đốc Sở  Nội vụ Cần Thơ Trần Oanh Liệt

Hai năm qua, có 19 hồ sơ thạc sỹ đăng ký đấy chứ, nhưng chỉ xét được có một, chủ yếu vì không đúng ngành nghề thành phố đang cần.

Chính sách có đặt mục tiêu thu hút trí thức trẻ, những người mới tốt nghiệp đại học, để bổ sung cho đội ngũ cán bộ huyện, xã, kết quả thế nào, thưa ông?

Trình độ đại học về các quận, huyện có 79 hồ sơ, xét được 62 hồ sơ và 35 người đã nhận công tác; về xã, phường, thị trấn có 14 hồ sơ, xét được 10 hồ sơ và 5 người đã nhận công tác.

Thực trạng cán bộ ở xã, phường, thị trấn của TP Cần Thơ như thế nào?

Tính đến hết tháng 9-2009, có 1.505 người, trong đó, cán bộ chủ chốt như bí thư và phó bí thư, chủ tịch và phó chủ tịch UBND, HĐND là 466 người, công chức 639 người, cán bộ đoàn thể 400 người.

Đạt chuẩn chuyên môn, chỉ được 44% với cán bộ chủ chốt và 80% với công chức. Còn lại mới có trình độ sơ cấp hoặc chưa được đào tạo chuyên môn. Có 24 người chưa tốt nghiệp phổ thông.

Trình độ của cán bộ ở xã, phường, thị trấn như thế có thể nói là yếu, nhưng hai năm chỉ thu hút được 5 người có trình độ đại học về là quá ít. Nguyên nhân do đâu?

Còn có tư tưởng thiếu mạnh dạn thay đổi cán bộ công chức chưa đạt chuẩn mà công tác đã lâu, do ngại xáo trộn, chưa có quyết tâm trong việc chuẩn hóa trình độ cán bộ cấp xã.

Bên cạnh đó, mức trợ cấp mỗi người một tháng về công tác ở xã, phường, thị trấn từ 300.000 – 500.000 đồng (thực hiện trong 36 tháng) còn thấp và lạc hậu so với mặt bằng chung.

Trong 36 tháng, nếu ứng viên thi tuyển và được vào biên chế, lại bị cắt tiền trợ cấp, sự hấp dẫn của chính sách thu hút sẽ giảm nữa. Và sau 36 tháng, việc tuyển dụng như thế nào cũng chưa rõ ràng. Tóm lại, chính sách mới nên cần bổ sung cho hoàn thiện.

Thụ động

Tình hình thu hút nhân tài cho khối Đảng, đoàn thể như thế nào?

Từ khi thực hiện chính sách thu hút nhân tài, chỉ có một hồ sơ đăng ký.

Phải chăng các cơ quan Đảng, đoàn thể không có nhu cầu thu hút nhân tài, nâng cao trình độ?

Kết quả đưa cán bộ đi đào tạo theo chính sách khuyến khích, hỗ trợ nâng cao trình độ của TP Cần Thơ:  Trong diện quy hoạch có 6 tiến sỹ, 71 thạc sỹ với tổng số tiền đã hỗ trợ 2 tỷ 805 triệu đồng. Ngoài diện quy hoạch có 13 thạc sỹ với tổng số tiền đã hỗ trợ 455 triệu đồng.

Không phải. Tình trạng chung của lãnh đạo các cơ quan hiện nay là chưa nhận thức được tầm quan trọng và tính cấp bách của công tác nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức.

Họ chưa chủ động đề xuất, kiến nghị bổ sung nhu cầu ngành nghề cần tăng cường. Một số thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương chưa biết đến chính sách thu hút nhân tài. Số khác chưa nắm được nội dung của chính sách.

Bản thân Sở Nội vụ cũng còn thiếu chủ động và chưa tìm được giải pháp tối ưu nhất trong quy trình xét tuyển, thời gian xét tuyển còn kéo dài.

Dường như quan điểm tìm kiếm và sử dụng nhân tài chưa thoát khỏi cơ chế bao cấp. Đó là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương còn thụ động chờ người tài đến xin việc, mà  thiếu chủ động mời gọi?

Hiện còn tư tưởng phó thác cho ngành chức năng trong việc định hướng, phân công cán bộ. Nhiều hồ sơ gửi đến mà tuyển chọn được ít là vì thế.

Chúng tôi đang tham mưu cho lãnh đạo thành phố ban hành quy định, hàng năm các cơ quan phải đăng ký nhu cầu cán bộ với cụ thể ngành nghề, số lượng, thời điểm. Trên cơ sở đó, Sở Nội vụ tổng hợp và lên kế hoạch mời gọi, đào tạo.

Ông vừa nói đến kế hoạch đào tạo. Phải chăng đây là mấu chốt của tư duy xây dựng đội ngũ cán bộ, từ thụ động sang chủ động?

TP Cần Thơ có chủ trương, không những ưu tiên đào tạo những công chức trong diện quy hoạch mà khuyến khích mọi công chức tự học nâng cao trình độ. Khi hoàn thành khóa học, họ đều được thuởng tiền.

Cụ thể, với nam có bằng tiến sỹ được thưởng 45 triệu đồng, bác sỹ chuyên khoa 2 hoặc thạc sỹ 35 triệu đồng, bác sỹ chuyên khoa 1 là 30 triệu đồng. Với nữ, đạt các bằng cấp tương tự được thưởng nhiều hơn nam giới 5 triệu đồng.

TP Cần Thơ đã có 13 thạc sỹ đi học tự túc, được thưởng tổng cộng 455 triệu đồng. Riêng Sở Nội vụ đã và đang cử đi đào tạo gần chục thạc sỹ.

Cơ quan chúng tôi tạo điều kiện cho cán bộ đi học còn để tăng cường cho cơ quan khác, như cho anh Nguyễn Văn Thảo đi học thạc sỹ quản lý đất đai để tăng cường cho ngành TN - MT, anh Ngô Phúc Nguyên đi học thạc sỹ kinh tế ở Anh để tăng cường cho ngành tài chính.

Không chờ thành tài mới mời

Ông vừa nói đến nhu cầu rất lớn về bác sỹ, dược sỹ. Theo tôi biết, Cần Thơ có kế hoạch xây dựng năm bệnh viện chuyên khoa, một bệnh viện đa khoa. Công tác đào tạo nhân lực được chuẩn bị thế nào?

Chúng tôi đang chuẩn bị đến các trường đại học y dược, mời gọi sinh viên sau khi tốt nghiệp về Cần Thơ công tác, sẵn sàng tài trợ chi phí học tập những năm cuối cho các sinh viên đăng ký về Cần Thơ.

Với những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, nếu có nhu cầu, Cần Thơ sẽ cấp kinh phí đặc cách đưa đi đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ luôn, không cần qua năm năm công tác như quy định hiện nay.

Số dự kiến đào tạo làm trưởng khoa, giám đốc bệnh viện cũng sẽ đưa đi đào tạo thực tế ở các bệnh viện lớn. Chúng tôi đang kiến nghị, xây dựng các bệnh viện tốn 500 tỷ đồng thì dành 50 tỷ đồng để đào tạo nhân lực.

Phải chủ động đến với các sinh viên, với những bác sỹ tương lai khi họ đang cần giúp đỡ, không chờ khi họ đã thành tài mới mời gọi.

Nhưng đào tạo cũng có hạn chế là không chắc chắn khi ra trường, tất cả sẽ thích nghi, gắn bó được với Cần Thơ?

Đó là vấn đề quan tâm nhất của chúng tôi hiện nay. Thu hút và đào tạo được nhiều người có bằng cấp cao đã khó, nhưng giúp họ sau khi nhận công tác, bắt nhịp được với công việc, hòa nhập vào môi trường cơ quan để phát huy kiến thức có khi còn khó hơn.

Chúng tôi vừa đặt kế hoạch, hàng năm tổ chức gặp mặt những người vừa nhận công tác để trao đổi thông tin, động viên vượt qua các vướng mắc. Những vướng mắc này có ở phía các trí thức và cả phía cơ quan công tác, hai bên cùng chia sẻ, nhân nhượng vì mục tiêu chung thì mới ổn định được.

Chính sách thu hút nhân tài dường như không quyết định bởi số tiền hỗ trợ ban đầu hay lương hàng tháng, mà ở sự trọng dụng?

Bởi vậy, khi tham mưu cho lãnh đạo thành phố ban hành chính sách thu hút nhân tài, chúng tôi dùng từ “cống hiến phục vụ cho thành phố” thay vì “công tác”, gọi số tiền hỗ trợ lần đầu là “trân trọng hỗ trợ”.

Đặc biệt, nghị quyết của HĐND TP Cần Thơ đã khẳng định, với các tiến sỹ, thạc sỹ “được ưu tiên xem xét đưa vào quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng để trở thành lực lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý của cơ quan, đơn vị”.

Nếu giai đoạn thích nghi, hòa nhập, không vượt qua được, chính sách thu hút và đào tạo nhân tài có thể coi là thất bại?

Nhưng nếu chừng 70% nhân tài, trí thức trẻ, an tâm cống hiến cho Cần Thơ sau khi nhận công tác, là chúng tôi thành công. Chỉ riêng việc thực hiện đề án 150, đưa 150 người đi đào tạo sau đại học ở nước ngoài, nếu tương lai được chừng chục người làm lãnh đạo sở, vài người lãnh đạo thành phố là chúng tôi đã có lời so với số tiền bỏ ra.  

Đào tạo nguồn bí thư, chủ tịch phường xã cho giới trẻ

 55 học viên là các bạn trẻ có tuổi đời dưới 35 tham gia lớp học đào tạo nguồn chức danh bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND phường xã do Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng khai giảng hôm qua, 4–1. Các học viên đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn chính trị, ngoại hình, sức khỏe; tốt nghiệp đại học chính quy công lập từ 6 điểm trở lên.

Thời gian đào tạo một năm với các nội dung: Quản lý đô thị, hành chính công, xây dựng Đảng, lễ tân công chức, CNTT, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng xử lý tình huống, phong cách lãnh đạo, đạo đức công vụ. Khi tốt nghiệp học viên được cấp bằng Trung cấp Lý luận Chính trị - Hành chính.

Đặc biệt, học viên tốt nghiệp loại xuất sắc sẽ được xem xét bổ nhiệm ngay chức danh phó chủ tịch UBND phường, xã và có mức lương khởi điểm từ 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng. Số còn lại hưởng lương ngạch chuyên viên bậc 1 với hệ số 2,34 và được thành phố hỗ trợ thêm để đạt mức thu nhập 2 triệu đồng/tháng.

Đây là khóa học thứ 2, trước đó có 95 cán bộ nguồn chức danh này được đào tạo tại khóa học đầu tiên.                  

 Sáu Nghệ
Thực hiện

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.