Tham gia BHYT: Học sinh, sinh viên được hỗ trợ 30% mức đóng

Bảo hiểm Y tế giúp học sinh, sinh viên được chia sẻ gánh nặng khi ốm đau, bệnh tật và được chăm sóc sức khỏe ngay từ ban đầu (Ảnh minh họa).
Bảo hiểm Y tế giúp học sinh, sinh viên được chia sẻ gánh nặng khi ốm đau, bệnh tật và được chăm sóc sức khỏe ngay từ ban đầu (Ảnh minh họa).
TP - Với học sinh, sinh viên (HSSV) tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 30% tiền đóng. Khi không may ốm đau đi viện, HSSV sẽ được nhận nhiều quyền lợi từ BHYT.

Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho hay, theo quy định hiện hành, mức đóng BHYT của HSSV bằng 4,5% mức lương cơ sở. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% tiền đóng, HSSV chỉ phải đóng 70% còn lại. Cụ thể, số tiền HSSV phải đóng BHYT hiện bằng: 70% x 4,5% x 1.390.000 = 43.785 đồng/ tháng; ngân sách nhà nước hỗ trợ bằng: 30% x 4,5% x 1.390.000 = 18.765 đồng/tháng. Đối tượng tham gia có thể đóng định kỳ 3, 6 hoặc 12 tháng tại cơ sở giáo dục đang theo học.

Về thủ tục, nếu HSSV đã có mã số BHXH chỉ cần cung cấp mã số cho nhà trường, nếu chưa có phải làm tờ khai theo mẫu để được cấp mã số. Sau 5 ngày nhận được danh sách người tham gia BHYT, cơ quan BHXH sẽ trả thẻ BHYT. HSSV được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở y tế tuyến xã, huyện và tương đương không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi học tập, cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở y tế.

Ðược hưởng nhiều quyền lợi

HSSV tham gia BHYT được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường; được khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con; khám chữa bệnh tổn thương về thể chất, tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật của người đó gây ra. Đồng thời, HSSV được thanh toán chi phí vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên; được thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế theo tỷ lệ, điều kiện thanh toán.

Cụ thể, HSSV được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT đối với các trường hợp: Có mã thẻ là BT, HN, DT, DK, XD, TS; tại tuyến xã; Tổng chi phí của một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở (hiện nay là 208.500 đồng); Có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên, đồng thời có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (8.340.000 đồng). HSSV được thanh toán 95% chi phí khám chữa bệnh khi thẻ có mã là TC, CN; được thanh toán 80% chi phí với mã thẻ HS, SV, TA, TQ, TY, TV.

Trường hợp HSSV có mã thẻ DT, HN tham gia BHYT đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; HSSV có mã thẻ XD khi tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến tại bệnh viện tuyến huyện, điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương hoặc cấp cứu được BHYT thanh toán 100%.

Trường hợp HSSV khám chữa bệnh không đúng tuyến được BHYT thanh toán 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương; 60% với bệnh viện tuyến tỉnh (đến ngày 31/12/2020) và 100% từ 1/1/2021 trở đi trong phạm vi cả nước; 100% chi phí điều trị nội, ngoại trú tại các bệnh viện tuyến huyện.

Nếu HSSV có thẻ BHYT nhưng khám chữa bệnh tại cơ sở y tế không có hợp đồng với cơ quan BHXH, sẽ được BHYT thanh toán từ 500 nghìn đồng tới 3,6 triệu đồng cho mỗi đợt khám chữa bệnh nội trú (tùy theo tuyến).

Những trường hợp không được hưởng BHYT

Cũng theo BHXH Việt Nam, trường hợp HSSV khám chữa bệnh nhưng đã được ngân sách nhà nước chi trả sẽ không được BHYT chia trả. Cùng đó, một số trường hợp khác không được BHYT chi trả gồm: Điều dưỡng, an dưỡng tại cơ sở điều dưỡng, an dưỡng; Khám sức khỏe; Xét nghiệm, chẩn đoán thai không nhằm mục đích điều trị; Sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, nạo hút thai, phá thai (trừ trường hợp do nguyên nhân bệnh lý của thai nhi hay của sản phụ); Sử dụng dịch vụ thẩm mỹ. Điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt, trừ trường hợp trẻ em dưới 6 tuổi.

Ngoài ra, HSSV có thẻ BHYT nhưng không được BHYT chi trả khi: Sử dụng vật tư y tế thay thế (gồm chân tay giả, mắt giả, răng giả, kính mắt, máy trợ thính, phương tiện trợ giúp vận động trong khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng); Khám chữa bệnh, phục hồi chức năng trong trường hợp thảm họa; Khám chữa bệnh nghiện ma túy, nghiện rượu hoặc chất gây nghiện khác; Giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần; Tham gia thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu khoa học.

BHXH Việt Nam lưu ý, mỗi HSSV tham gia BHYT được cấp một mã số BHXH để dùng mã số này làm thủ tục tham gia và hưởng BHYT; HSSV tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn. Cùng đó, học sinh đủ 6 tuổi và có ngày sinh trước 30/9 của năm nhập học thì thu và cấp thẻ BHYT có giá trị từ ngày 1/10 của năm đó; có ngày sinh sau 30/9 của năm nhập học thì thu và cấp thẻ BHYT có giá trị sau tháng sinh nhật. Trường hợp tham gia BHYT lần đầu, hoặc tham gia không liên tục từ 3 tháng trở lên thẻ BHYT có giá trị sử dụng sau 30 ngày kể từ ngày đóng BHYT.

Để thực hiện mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT trong năm 2018 và duy trì tỷ lê bền vững, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh thành chủ động báo cáo, tham mưu UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo thực hiện BHYT HSSV đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn (đặc biệt với sinh viên năm thứ 2 trở đi, đưa chỉ tiêu tỷ lệ tham gia BHYT HSSV vào đánh giá nhiệm vụ).

BHXH các địa phương cũng được yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để HSSV tham gia BHYT; phối hợp với ngành giáo dục địa phương ban hành văn bản hướng dẫn các trường học trên địa bàn tổ chức thực hiện BHYT đúng quy định...

Theo BHXH Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm, một học sinh ở Ðà Nẵng được BHYT thanh toán mức chi phí khám chữa bệnh tổng cộng 1,8 tỷ đồng, vì bị mắc bệnh giảm tiểu cầu. Ðiều này, thể hiện rõ tính chia sẻ của BHYT, khi mức đóng BHYT của một học sinh, sinh viên hiện là 525.000 đồng/năm, nhà nước hỗ trợ 225.000 đồng/năm. Tính ra, để đủ tiền chữa trị cho học sinh trên, cần 3.426 học sinh đóng BHYT và những học sinh, sinh viên này không bệnh tật, ốm đau gì. 

MỚI - NÓNG