Thảm họa chạy thận ở Hòa Bình: Bất thường trong nguồn nước RO?

TPO - Các chuyên gia trong Hội đồng chuyên môn nghiêng về giả thiết có sự bất thường trong nguồn nước RO dùng chạy thận cho bệnh nhân ở Hòa Bình, khiến 18 người bị tai biến, trong đó 8 người đã tử vong.

Sau 5 tiếng họp liên tục, đầu giờ chiều ngày 8/6, Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế Hoà Bình đã kết luận nguyên nhân sự cố lọc máu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình khiến 8 người tử vong. 

Hội đồng đánh giá đây là một thảm họa lớn do vậy bệnh viện còn thiếu kinh nghiệm, nhân lực, kiến thức xử trí tình trạng thảm họa. Cả 18 bệnh nhân bị tai biến khi đang chạy thận đều có các biểu hiện tương đối giống nhau tại cùng thời điểm.

Về chẩn đoán, Hội đồng chuyên môn nghĩ đến hội chứng ngộ độc cấp qua đường máu do cùng một nguyên nhân gây ra với các biểu hiện tổn thương đa cơ quan (hô hấp, tuần hoàn, gan, thận, máu...).

Về nguyên nhân, Hội đồng nhận định, thời điểm hiện tại chưa đủ căn cứ, cơ sở và bằng chứng khoa học để kết luận khẳng định chắc chắn nguyên nhân của sự cố trên, do chưa có kết quả khám nghiệm tử thi cũng như kết quả phân tích nguồn nước RO.

Tuy nhiên, các chuyên gia trong hội đồng nghiêng về giả thiết có sự bất thường trong nguồn nước RO sử dụng trong quá trình chạy thận cho bệnh nhân. Đây cũng là nguyên nhân đã được nhiều chuyên gia phân tích ngay sau khi sự cố xảy ra.

Hội đồng gồm 12 thành viên do Phó giám đốc Sở Y tế, đại biểu Quốc hội Bùi Thu Hằng làm chủ tịch, 7 người là lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn của sở, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh và 4 chuyên gia đến từ Bệnh viện Bạch Mai gồm: TS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo; TS Đào Xuân Cơ, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực; ThS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc; TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu.

Trên cơ sở nghiên cứu tài liệu gồm: Hồ sơ bệnh án, các tài liệu liên quan và bản tường trình của các cá nhân liên quan, các văn bản…, Hội đồng đã thảo luận và khẳng định đây là một thảm họa y khoa. Các bệnh nhân trong tình trạng diễn biến hết sức phức tạp.

Các thành viên hội đồng tập trung thảo luận và thống nhất kết luận một số nội dung. Thứ nhất là quy trình tiếp nhận, khám, nhận định, đánh giá và thiết lập vòng tuần hoàn ngoài cơ thể cho bệnh nhân trước khi lọc máu là phù hợp. Tiếp đó, khi phát hiện bệnh nhân trong quá trình lọc máu có dấu hiệu bất thường các biện pháp xử lý như: Dừng lọc máu, cho thở oxy, sử dụng các thuốc cấp cứu và các biện pháp hồi sức tích cực là phù hợp với diễn biến và tình trạng cấp cứu của người bệnh.

Hội đồng cũng cho rằng việc xử trí cấp cứu tại chỗ và vận chuyển đến khoa Hồi sức tích cực các bệnh nhân có diễn biến nguy kịch như suy hô hấp, ngừng tuần hoàn, trụy mạch... là phù hợp với quy trình chuyên môn kỹ thuật.

Khi xuất hiện một số lượng lớn bệnh nhân cần cấp cứu, đơn nguyên Thận nhân tạo đã báo cáo với lãnh đạo bệnh viện xin hỗ trợ chuyên môn từ các bệnh viện tuyến trên (Bệnh viện Bạch Mai) là phù hợp với quy chế hội chẩn bệnh nhân nặng của Quy chế bệnh viện.

Trả lời báo chí ông Trần Quang Khánh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cho biết, các thành viên hội đồng chuyên môn nghĩ đến việc bệnh nhân bị ngộ đọc cấp qua đường máu, do những bệnhnhân này cùng có biểu hiện giống nhau như: ngứa, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, sốc trụy tim mạch. Nguyên nhân ban đầu được các chuyên gia nhận đình là có thể do nguồn nước bị ô nhiễm. Tuy nhiên, hiện cơ quan chức năng vẫn đang xác định yếu tố gây ngộ độc tập thể này và Sở Y tế sẽ thông báo khi có kết luận chính thức.

Việc sau khi bảo trì hệ thống nước có kiểm tra máy trước khi chạy thận cho bệnh nhân hay không, ông Khánh cho biết do giá thành đắt nên bệnh viện không kiểm định. Trong khí đó theo quy trình đã được Bộ Y tế ban hành, phải kiểm tra máy chạy thận, thông số nước, theo dõi giám sát hiện tượng xảy ra bất thường sau khi bảo trì. Cùng với đó, hệ thống lọc nước phải được kiểm nghiệm đầu ra trước khi bàn giao cho cán bộ y tế để đưa vào vận hành.

Theo ông Khánh, bệnh viện ký hợp đồng khi lắp đặt hệ thống lọc nước của công ty nào thì đơn vị đó có trách nhiệm bảo dưỡng, bảo trì định kỳ chất lượng nguồn nước. Khi thiết lập hệ thống chạy thận sẽ gồm 2 phần là mua máy, lắp đặt hệ thống lọc nước. Nước sử dụng phải qua hệ thống lọc đảm bảo tinh khiết, bắt buộc trước khi vận hành phải kiểm tra, có phiếu đảm bảo đúng quy định của Bộ Y tế. Trường hợp đã có đầy đủ biên bản bàn giao thì khi xảy ra sự cố có thể nguyên nhân từ khâu bảo dưỡng bảo trì, cán bộ y tế chỉ vận hành. Nếu chưa có biên bản bàn giao mà đã vận hành hệ thống thì cán bộ y tế sai phạm.

Bà Bùi Thu Hằng, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn cho rằng, trong nguyên nhân tai biến có vấn đề sai quy trình. Cụ thể, bình thường  bệnh viện tự kiểm tra hệ thống máy theo định kỳ 3 tháng một lần. Lần này do hệ thống gặp trục trặc nên mới nhờ Công ty Thiên Sơn đến bảo dưỡng.

Ngày 8/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã phê duyệt 10 máy chạy thận cho Bệnh viện Đa khoa thành phố Hòa Bình, nhằm hỗ trợ 100 bệnh nhân hằng ngày đang phải di chuyển từ Hòa Bình xuống Hà Nội chạy thận không còn phải đi lại vất vả.

Cùng ngày, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng cho biết vừa ký công văn hỏa tốc số 761/ KCB - CĐT gửi đến Sở Y tế Hòa Bình, yêu cầu chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất sẵn sàng cho hệ thống máy để có thể vận hành sớm nhất, người bệnh không phải di chuyển hàng trăm km mỗi ngày để chạy thận.

MỚI - NÓNG