Thăm lại vườn rau của ông Tiến sĩ

Kỹ sư hướng dẫn PV Tiền Phong (phải) thăm vườn rau
Kỹ sư hướng dẫn PV Tiền Phong (phải) thăm vườn rau
TP - Chiều cuối xuân, tiến sĩ Nguyễn Bá Hùng người trồng rau trên Cao nguyên Đà Lạt đưa tôi đến khu vườn treo lạ mắt của ông nằm chen giữa bạt ngàn trại rau vùng Đa Thiện. TS Hùng 8 năm trước đã được viết trên báo Tiền Phong qua bài “Người lập vườn rau hữu cơ đầu tiên ở Việt Nam”.

Sinh năm 1953 tại Đà Lạt, sau khi Nguyễn Bá Hùng tốt nghiệp khoa Vạn vật và Địa chất Viện Đại học Đà Lạt thì đất nước thống nhất.

Anh tự học lái máy ủi máy cày cho trại giống rau, mày mò dịch tài liệu Anh-Pháp, nghiên cứu thành công quy trình sản xuất một số loại hạt giống rau, lấy thêm tấm bằng kỹ sư Sinh học rồi quyết tâm vượt qua mọi thử thách trở ngại, tự túc sang Pháp du học, bảo vệ luận án tiến sĩ sinh học chuyên ngành Di truyền tại Viện Nông nghiệp Quốc gia Pháp năm 1994.

Hồi hương, anh đem về cả nghìn mẫu sưu tập các giống rau hoa, cách sản xuất giống hiện đại trên vỉ xốp và công nghệ nhà kính, giúp nhiều nhà vườn Đà Lạt ứng dụng thành công, làm giàu từ đất.

Vừa giúp nông dân triển khai công nghệ mới, tiến sĩ Hùng vừa mở nông trại để trồng các loại rau cao cấp. Bắt đầu từ trại rau Tà Nung hợp tác cùng PGS-TS Nguyễn Bá Phong, ông đã thiết lập được quy trình sản xuất chuẩn mực bảo đảm không nhiễm ký sinh trùng và hóa chất độc hại cho rau Đà Lạt, được Hội đồng Khoa học công nghệ cấp nhà nước nghiệm thu, là quy trình sản xuất rau sạch đầu tiên ở Việt Nam được Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) công nhận.

Tiếp đó, ông liên doanh với một người Mỹ mở vườn treo Golden Garden và Cty TNHH Kim Bằng thu hút lao động các vùng rau Đa Thiện, Chi Lăng, Định An liên kết sản xuất, nhận cung ứng giống và công nghệ, kiểm soát kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, giúp nông dân nâng cao đáng kể cả kiến thức lẫn thu nhập.

Vài bất đồng nhỏ khiến đối tác Mỹ rút vốn, Kim Bằng giải thể. Tiến sĩ Hùng xoay xở mua trọn một thung lũng hoang vắng biệt lập, đáp ứng tốt yêu cầu phòng chống lây nhiễm dịch bệnh và hóa chất ở thôn Đa Thọ xã Xuân Thọ cách Đà Lạt 16 km, mở Cty Organik để ứng dụng các kiến thức về di truyền, chọn lọc giống, trồng luân phiên khoảng 150 chủng loại rau, củ, hoa, quả lạ và tí hon chuyên cung ứng cho các khách sạn, siêu thị...

Hiện tại, trên 5 hecta đất đã khai phá, dựng nhà kính với khoản vốn 8 tỉ đồng, mỗi tuần Organik cung ứng 3 tấn rau hữu cơ đóng gói được phép sử dụng chỉ dẫn địa lý “ Rau Đà Lạt”.

Mỗi năm 156 tấn rau cao cấp từ khu vườn này đã lên máy bay, ô tô tới tận tay các khách hàng sang trên cả nước, vẫn “chưa thấm vào đâu” so với nhu cầu.

Tại trại rau Đa Thọ, kỹ sư trẻ Trần Văn Thuận niềm nở dẫn tôi đi thăm vườn. Thật thú vị khi ngắm và nếm thử đủ loại củ quả tươi đẹp lạ mắt như loại bí ngồi quả non vàng thắm hái ăn sống, khoai tây cà rốt củ dền tí hon mềm ngọt nấu không cần gọt vỏ, cải bó xôi đủ màu sặc sỡ, những loại rau và hoa thơm nồng giàu chất tinh dầu giống nhập từ Pháp, Mỹ, Nhật, Úc về như rocket, lollor, batavia, oải hương, sen cạn, cúc chanh.v.v…

Hiện tại, TS Hùng đang cố gắng để đưa ra thị trường nhiều loại rau chuyên phục vụ những người bị bệnh ung thư hoặc các bệnh nan y cần bổ sung lượng kali tự nhiên, không lẫn chất hóa học.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.