Tham nhũng tập thể là khó trị nhất

Tham nhũng tập thể là khó trị nhất
TP - Tham nhũng ngày càng tinh vi, xảo quyệt trong khi thể chế pháp luật của chúng ta chưa theo kịp để xử lý - đó là những ý kiến tại Hội thảo trước Đối thoại 11 “Công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) ở địa phương - Thực trạng và giải pháp” đang diễn ra ở Đà Nẵng.

> Chống tham nhũng phải dựa vào nhân dân

Ông Nguyễn Chế Nhâm - Chánh thanh tra Nghệ An: “Đi đêm là chuyện thường ngày”
Ông Nguyễn Chế Nhâm - Chánh thanh tra Nghệ An: “Đi đêm là chuyện thường ngày”.

“Đi đêm”: Chuyện thường ngày

Theo ông Nguyễn Văn Thắng- GĐ Viện Nghiên cứu châu Á- Thái Bình Dương, khảo sát tại 3 tỉnh thành miền Trung là Nghệ An, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng cho thấy ở từng tỉnh đều có một tỷ lệ lớn DN trả phí không chính thức hằng năm và nhiều DN trả phí này hơn 2% doanh thu mỗi năm.

Kể từ năm 2009 đến 2011, tham nhũng tăng theo từng năm. “Lĩnh vực đất đai, khoáng sản, rừng và hành chính công là những nơi dễ xảy ra tham nhũng nhất. Thời gian sau này còn có thêm lĩnh vực tài chính ngân hàng” – ông Thắng cho biết.

Một điểm sáng hiếm hoi, tuy vẫn tạo ra nhiều ngờ vực bởi kết quả khảo sát, đó là Đà Nẵng. Trong 11 lĩnh vực được khảo sát thì chỉ có 3 lĩnh vực, gồm: quản lý xây dựng, quản lý thị trường và thuế bị DN tố cáo tham nhũng phổ biến và tỷ lệ thấp hơn nhiều so với các tỉnh miền Trung cũng như 2 đầu đất nước.

Ông Gilles Blanchi – chuyên gia Chương trình đối tác Tư pháp (dự án của EU, Đan Mạch và Thụy Điển) cho rằng Việt Nam nên học tập một số mô hình thành công của các nước trên thế giới đã áp dụng. “Cơ quan PCTN cần nâng cao, tách biệt hoàn toàn đối với hệ thống chính quyền. Cần coi đây là một lực lượng điều tra đặc biệt. Ví dụ như Ủy ban điều tra PCTN của Indonesia, họ điều tra và có quyền khởi tố luôn. Cùng với họ là một tòa án đặc biệt được ra đời chỉ để xét xử các tội phạm tham nhũng. Hay như Australia, họ có một đơn vị PCTN di động, họ di chuyển liên tục từ bang này sang bang khác, đi kèm với họ là một tòa án liên bang.

Ông Nguyễn Chế Nhâm – Chánh Thanh tra tỉnh Nghệ An, cho rằng vì điều kiện kinh tế, xã hội, dân số cũng như địa lý hoàn toàn khác nên không thể so sánh các tỉnh với nhau.

Không thể nói vì sao Nghệ An tham nhũng nhiều, Đà Nẵng lại ít, vì sao tỉnh này PCTN được mà tỉnh kia lại không.

Ông Nhâm thừa nhận tham nhũng ở Nghệ An đang là vấn nạn làm đau đầu ngành tư pháp cũng như thanh tra tỉnh.

“Nghệ An là tỉnh nghèo, hầu như không có DN lớn, sản xuất mũi nhọn tạo những cú hích về kinh tế, chỉ toàn DN nhỏ và vừa tập trung vào xây dựng cơ bản, đất đai và khai khoáng. Các lĩnh vực này dễ xảy ra tham nhũng nhất. Muốn giành được hợp đồng xây dựng, khai khoáng thì phải bôi trơn. Bởi thế, chuyện đi đêm là khó tránh khỏi”.

Khó có thể bắt tận tay day tận trán chuyện đi đêm nhưng theo ông Nhâm, chuyện này đã đến hồi báo động và nguy hiểm hơn là cán bộ công chức xem đây là chuyện thường ngày.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An, từ 2009 đến nay, qua 808 cuộc thanh tra, phát hiện sai phạm 118 tỷ đồng và 43,73ha đất, kiến nghị thu hồi 76 tỷ, xử lý hành chính 49 tập thể và 329 cá nhân, chuyển CSĐT 4 vụ... “Không bắt được chuyện đi đêm, rất khó nhổ được tham nhũng” – ông Nhâm khẳng định.

Ông Nguyễn Điểu – GĐ Sở TN&MT Đà Nẵng cho hay, lĩnh vực đất đai ở Đà Nẵng rất nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng.

Vì thế, từ năm 2012, T.Ư đã cho phép Đà Nẵng là địa phương duy nhất thí điểm trở lại mô hình cấp sổ đỏ quy về một mối tại Sở TN&MT thay vì phân cấp xuống quận, huyện như trước đây.

Cần đưa vấn đề pháp nhân vào Luật hình sự

“Cá nhân sai phạm, đưa nhận hối lộ đã nhiều rồi, nhưng nguy hiểm hơn là tham nhũng tập thể. Đất đai bị xâm phạm, rừng bị tàn phá... phần lớn đều do tham nhũng tập thể gây ra, phục vụ cho một số lợi ích nhóm. Ai chịu trách nhiệm? Làm sao để bắt tập thể chịu, đó là vấn đề nan giải. Đây vẫn là mảng khó đụng nhất của công cuộc PCTN” – Đại tá Hoàng Mạnh Chiến, nguyên Phó Cục trưởng Cục CSĐT về tội phạm chống tham nhũng (C48, Bộ Công an), nói.

Đất đai, khoáng sản là lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng (ảnh minh hoạ)
Đất đai, khoáng sản là lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng (ảnh minh hoạ).

Theo ông Chiến, không áp dụng luật PCTN cho pháp nhân, đó là một lỗ hổng lớn của hệ thống luật Việt Nam.

Đồng tình với ý kiến này, Luật gia Nhật Thành – Phó Ban thường trực BCĐ PCTN Đà Nẵng cho rằng cần tiến tới xử hình sự chứ không chỉ là phạt hành chính, cảnh cáo như thường làm đối với tập thể tham nhũng.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Đào Ngọc Sơn – Phó Ban chỉ đạo PCTN tỉnh Bình Định, cho biết phát hiện tham nhũng chủ yếu vẫn qua kênh đơn thư tố cáo.

Trong năm 2012, Bình Định chỉ xử lý 1 vụ tham nhũng của quan chức cấp huyện, rất nhỏ và lẻ tẻ.

Đại tá Hoàng Mạnh Chiến thừa nhận ngoài việc luật chưa hoàn thiện, thì việc phải phòng chống tham nhũng ngay trong lực lượng đặc trách PCTN cũng là một vấn đề.

Theo Phó Tổng thanh tra chính phủ Trần Đức Lượng – Hội thảo trước đối thoại 11 “Công tác PCTN ở địa phương – Thực trạng và giải pháp” do BCĐ PCTN T.Ư phối hợp với Đại sứ quán Anh tổ chức ở 3 miền, kết quả của 3 hội thảo sẽ được phục vụ cho đối thoại sẽ được tổ chức vào 22-11 tới.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG