Tham nhũng - Thách thức lớn nhất của công cuộc đổi mới

Tham nhũng - Thách thức lớn nhất của công cuộc đổi mới
"Tình hình tham nhũng hiện nay vẫn diễn biến hết sức nghiêm trọng với quy mô ngày càng lớn, phạm vi ngày càng rộng và tính chất ngày càng phức tạp". Ông Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Trưởng ban Nội chính TƯ nói trong bản tham luận trình bày tại ĐH X.
Tham nhũng - Thách thức lớn nhất của công cuộc đổi mới ảnh 1
Các phóng viên đang tác nghiệp, đưa tin về vụ nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Việt Tiến bị bắt tại nhà riêng vì liên quan tới vụ tiêu cực ở PMU18. Ảnh: TPO

Bản tham luận có tiêu đề "Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng". Nội dung như sau:

Chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận rằng, cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong mấy năm qua chưa đạt tới mục tiêu do Đảng ta đặt ra và chưa đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân. Tình hình tham nhũng hiện nay vẫn diễn biến hết sức nghiêm trọng với quy mô ngày càng lớn, phạm vi ngày càng rộng và tính chất ngày càng phức tạp.

Tình hình tham nhũng xảy ra phổ biến, nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân, nhưng có nguyên nhân lớn nhất là do tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị nói chung, của bộ máy nhà nước nói riêng, còn nhiều bất cập, đi cùng với sự thái hóa, biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức. Trong đó, cần dũng cảm khẳng định rằng những nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

Mặc dù chúng ta đã có nhiều cố gắng trong công tác xây dựng Đảng nhưng đến nay, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của nhiều tổ chức Đảng và đảng viên vẫn còn hạn chế, thậm chí không ít nơi đã bị tham nhũng là cho tê liệt. Tình trạng nể nang, né tránh, không dám nói thẳng, nói thật đang là căn bệnh của nhiều tổ chức Đảng; một số cấp ủy và cán bộ chủ chốt chưa thực sự gương mẫu trong công tác và sinh hoạt.

Nguyên tắc công khai, minh bạch trong hoạt động của hệ thống chính trị chưa được coi trọng. Công tác tổ chức cán bộ còn yếu kém, để lọt một bộ phận cán bộ, công chức thái hóa, biến chất, cơ hội, nắm giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý. Hoạt động của các cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước như kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm sát, xét xử, chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn tham nhũng.

Vì vậy trong nhiệm kỳ tới, nếu không ngăn chặn một cách có hiệu quả thì tham nhũng sẽ trở thành thách thức lớn nhất của công cuộc đổi mới đất nước, là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ.

Có thể nói, vụ án tham nhũng cực kỳ nghiêm trọng xảy ra tại PMU 18 thuộc Bộ Giao thông vận tải mà dư luận đặc biệt quan tâm, bất bình và phẫn nộ trong những ngày qua đã phản ánh khá đầy đủ những yếu kém trong phòng chống tham nhũng. Chúng ta thật đau xót nhận thấy rằng, trong khi nhân dân ta phải gồng mình lo trả nợ thì lại phải sử dụng những công trình kém chất lượng do bị xà xẻo, ăn bớt một cách trắng trợn.

Từ diễn đàn của Đại hội, Đảng ta cần nhìn thẳng vào sự thật, thừa nhận những yếu kém của mình được phơi bày qua vụ PMU 18 và quyết tâm khắc phục, sửa chữa. Vấn đề đặt ra là, cùng với việc trừng trị hành vi tham nhũng, phải đồng thời quan tâm đặc biệt với việc hoàn thiện cơ chế quản lý.

Vì vậy, trong nhiệm kỳ Đại hội X, cần phải đẩy mạnh công cuộc đấu tranh chống tham nhũng hơn nữa và phải tạo cho được những chuyển biến rõ rệt, đủ sức khơi dậy và củng cố niềm tin cho nhân dân vào quyết tâm chính trị chống tham nhũng.

Với phương châm này, đề nghị cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp vừa cơ bản, vừa cấp bách:

Kiên quyết khắc phục những điểm yếu kém, hạn chế, nâng cao chất lượng và hiệu qủa hoạt động của các cơ quan, tổ chức. trước hết và ngay tại diễn đàn đại hội này, cần trao đổi thẳng thắn và đề ra những biện pháp thiết thực nhằm chấn chỉnh lại công tác then chốt, có ý nghĩa sống còn là công tác xây dựng Đảng, kể cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Phải thực hành nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ; xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ trong Đảng, tôn trọng các ý kiến khác nhau trong sinh hoạt đảng nhưng phải bảo đảm nguyên tắc tập thể trong công tác cán bộ nhằm ngăn chặn, không để những kẻ thái hóa, biến chất cơ cơ hội tiến thân trong Đảng và bộ máy Nhà nước.

Các cấp ủy từ Trung ương đến cơ sở cần kiểm tra, kết luận xử lý kịp thời những đơn thư tố cáo về đạo đức, lối sống của đảng viên, trước hết là đối với cán bộ lãnh đạo quản lý. Có thể nói, công tác xây dựng Đảng tới đây phải coi phòng ngừa tham nhũng trong công tác cán bộ là một nội dung có ý nghĩa quyết định.

Cán bộ chủ chốt của các cấp ủy cần gương mẫu thực hiện các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tiêu cực và không khoan nhượng với bất cứ trường hợp tham nhũng nào khi bị phát hiện, xử lý, kể cả với người thân của mình; đồng thời tăng cường giáo dục, nhắc nhở vợ (chồng), con và nhân viên dưới quyền, không để họ lợi dụng vị trí của mình để vụ lợi.

Xây dựng và thực hiện Quy chế cán bộ lãnh đạo của cấp ủy cam kết hoặc tuyên bố công khai trong đảng bộ hoặc trên cacsc phương tiện thông tin đại chúng về sự trong sạch của mình. Đồng thời, phải sớm có Quy chế giám sát trong đảng và Quy chế để nhân dân giám sát các tổ chức đảng và đảng viên. Thực hiện chế độ chất vấn và trả lời chất vấn trong sinh hoạt đảng ở tất cả các cấp.

Về xây dựng Nhà nước, phải phát huy cho được vai trò của cơ quan dân cử trong giám sát hoạt động của bộ máy hành chính và tư pháp, đồng thời phải có cơ chế tạo ra sự gắn bó và giám sát của cử tri với đại biểu của mình. Đối với bộ máy hành chính Nhà nước, cần kiên quyết thực hiện cải cách hành chính, tạo lập cơ chế công khai, minh bạch, khắc phục tình trạng khép kín để nhân dân giám sát đội ngũ công chức thi hành công vụ, khiến cho cán bộ, công chức khó có thể tham nhũng được.

Đồng thời, phải đẩy tới một bước công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng các cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh, đủ khả năng miễn trừ các hành vi chạy án, nhất là án về tham nhũng.

Đổi mới và chấn chỉnh công tác tổ chức cán bộ. Cần thực hiện nguyên tắc công khai, dân chủ trong công tác cán bộ, từ khâu tuyển dụng, đánh giá, sử dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, đến khen thưởng, kỷ luật, cho nghỉ hưu, để xóa bỏ tình trạng "chạy chức, chạy quyền" trong hệ thống chính trị. Phải có quy chế về trách nhiệm đối với người làm công tác tham mưu về tổ chức, cán bộ và người ra quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm, nếu cán bộ được tuyển dụng, bổ nhiệm có hành vi tham nhũng.

Chấn chỉnh công tác thi tuyển công chức và mở rộng việc tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ dựa trên cơ sở thi tuyển công khai. khuyến khích công chức tự ứng cử và thi tuyển vào các chức danh lãnh đạo, quản lý với những chương trình hành động cụ thể. Kiến quyết không đề bạt, bổ nhiệm những cán bộ mà dư luận đông đảo cho rằng đã có hành vi tham nhũng.

Thực hiện nghiêm túc quy định về kê khai tài sản và kiểm soát thu nhập của cán bộ công chức, Người kê khai tài sản không trung thực phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Nghiên cứu, áp dụng kinh nghiệm tốt mà nhiều nước đã làm là bắt buộc công chức phải giải trình nguồn gốc hợp pháp tài sản của mình. Bên cạnh đó Nhà nước cũng cần có biện pháp kiểm soát các giao dịch về tài sản trong xã hội, trước hết là của cán bộ, công chức đối với những tài sản có giá trị lớn như nhà và đất để ngăn ngừa tham nhũng và chống thất thu thuế.

Mặt khác phải công khai các khoản thu nhập để kiểm soát được thu nhập của cán bộ công chức. Chính phủ cần sớm tổ chức thực hiện tốt Luật phòng, chống tham nhũng về việc chi trả lương và các khoản chi phí khác cho cán bộ, công chức từ ngân sách Nhà nước phải thông qua tài khoản cá nhân để hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mặt trong giao dịch, trước mắt có thể triển khai thực hiện ở khu vực đô thị.

Phát huy sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng. cần phát động quần chúng tố giác và đấu tranh mạnh mẽ với những hành vi tham nhũng. Để có thể thu nhận được nhiều thông tin về tham nhũng, cần xây dựng cơ chế thuận lợi, đơn giản do người dân phản ánh, tố cáo về các hành vi tham nhũng.

Phát huy mạnh mẽ vai trò của báo chí trong việc phát hiện, lên án và tạo dư luận đấu tranh kiên quyết với các hành vi tham nhũng. Cần khuyến khích báo chí đưa tin một cách khách quan, trung thực, tránh gây ngộ nhận hoặc làm cho quần chúng nhân dân hiểu lầm quyết tâm chính trị của Đảng ta.

Xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có hành vi tham nhũng. Người có hành vi tham nhũng phải bị xử lý theo các chế độ trách nhiệm chính trị, hành chính hoặc hình sự, bất kể người đó là ai và ở cương vị nào, dù đương chức hay đã nghỉ hưu, không coi nhẹ xử lý hình sự, nhưng phải coi trọng hơn nữa việc xử lý hành chính.

Trước mắt, phải tập trung lực lượng để ngăn ngừa, phát hiện và đấu tranh mạnh trong một số lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao như đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý, sử dụng đất đai, tài chính,ngân hàng, quản lý tài sản công, có lưu ý đặc biệt tới quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.

Tiếp tục cải cách chế độ tiền lương, thu nhập và chế độ đãi ngộ của cán bộ công chức. Một trong những nguyên nhân của tham nhũng là mức thu nhập của cán bộ công chức còn thấp. Vì vậy, tiếp tục cải cách chế độ tiền lương, đảm bảo cho cán bộ, công chức và gia đình họ có mức sống bình thường bằng thu nhập hợp pháp là biện pháp phòng ngừa tham nhũng quan trọng và có ý nghĩa chiến lược.

Cần mạnh dạn vượt qua quan niệm không còn phù hợp với tình hình mới, quá nhấn mạnh yêu cầu cống hiên mà không quan tâm đầy đủ tới yếu tố lợi ích của cán bộ, công chức, nhanh chóng tiến tới giải quyết vấn đề thu nhập theo các nguyên tắc của thị trường. Mặt khác phải đảm bảo sự công bằng trong việc thực hiện các chế độ đãi ngộ đối với cán bộ công chức. Đồng thời phải kiên quyết chống tham nhũng thì mới có điều kiện đãi ngộ cao hơn cho cán bộ công chức.

Quan tâm đặc biệt đến các lực lượng làm nhiệm vụ trực tiếp trên mặt trận chống tham nhũng. Công tác tổ chức, cán bộ trong các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, viện kiểm sát, tòa án có ý nghĩa sống còn với sự thành công của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Vì vậy phải làm tốt 3 việc sau:

Một là, nâng cao chất lượng và hiệu quả của các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử; đề cao tính khách qua, chính xác của các kết luận thanh tra, điều tra, kiểm toán, điều tra; đồng thời bảo đảm công lý trong công tác truy tố, xét xử.

Hai là, nghiên cứu để sớm có chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp với cán bộ trong các cơ quan là nhiệm vụ chống tham nhũng.

Ba là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức nói chung, đặc biệt là phải sớm hoàn thiện các cơ chế kiểm tra, thanh tra nội bộ trong các các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, Viện kiểm sát, tòa án nhằm phòng ngừa tham nhũng trong các cơ quan này. Mặt khác, phải có cơ chế xử lý nghiêm minh, công khai cán bộ các cơ quan chống tham nhũng lạm dụng chức vụ, quyền hạn của mình.

TTXVN

MỚI - NÓNG