Tham nhũng thành thói quen xấu của nhiều công chức

Tham nhũng thành thói quen xấu của nhiều công chức
TP - Trao đổi với Tiền Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Trần Đình Nhã cho rằng hiện nay tham nhũng đang rất nguy hiểm, trở thành một thói quen xấu của không ít cán bộ, công chức.

> Hiến pháp phải thể hiện quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân
> Tiếp tục góp ý sửa đổi Hiến pháp đến hết tháng 9

Cần cơ quan chống tham nhũng độc lập

Trong bối cảnh tham nhũng được Chính phủ báo cáo rất là nghiêm trọng, trước Quốc hội ông đã đề xuất thành lập cơ quan độc lập về phòng chống tham nhũng (PCTN)?

Tôi đề xuất một cơ quan PCTN độc lập vì đây là việc nên làm trong lúc này. Các cơ quan “phân vai” trong chống tham nhũng có đủ từ điều tra cho đến xét xử, nhưng hiệu quả không cao. Trước nạn tham nhũng tràn lan như thế, tôi thấy cần thành lập một cơ quan đặc biệt để tấn công vào những vụ tham nhũng lớn. Không phải ta tha cho tham nhũng nhỏ mà trước mắt cơ quan này tập trung vào những vụ lớn, có tính lan tỏa.

Mô hình cơ quan này do Quốc hội lập ra để bảo đảm tính độc lập, không bị chi phối bởi các cơ quan hành pháp, tư pháp hay một cấp nào khác. Cơ quan này sẽ tập hợp lực lượng ưu tú, có khả năng đánh vào những vụ tham nhũng lớn. Ngoài điều tra phát hiện tham nhũng, cơ quan đó có tính chất như một cơ quan đứng đầu trong tất cả các cơ quan về PCTN.

Cơ quan PCTN phải có thực quyền, có thể yêu cầu các cơ quan PCTN hiện nay báo cáo, khởi tố vụ án, tự mình điều tra. Mô hình này thực ra không mới, nhiều nước đã có và tương đối thành công. Khi tôi đề xuất nhiều ý kiến ĐBQH đồng ý nhưng có ý kiến cho rằng chưa chín. Có ý kiến đề xuất đưa cơ quan này vào Hiến pháp. Nhưng tôi cho rằng với quy định hiện hành, Quốc hội có thể lập một cơ quan độc lập về PCTN như vậy.

Chính phủ đánh giá về tham nhũng khá nghiêm khắc, còn ông đánh giá về hiệu quả PCTN hiện nay ra sao?

Tình hình tham nhũng Chính phủ đã có đánh giá rồi. Theo tôi, không biết nên buồn hay vui bởi có ý kiến cho rằng ở Việt Nam hiện nay, nhân dân không còn bức xúc với tham nhũng vặt nữa. Có lẽ chúng ta phải nhìn nhận ý kiến này thật nghiêm túc. Bản thân tôi cũng phân vân không biết buồn hay vui về điều này.

Thỉnh thoảng một số vụ tham nhũng cũng bị phát hiện nhưng không lớn, không phải tham nhũng chững lại, mà là ta chưa có phương sách gì mới để chống tham nhũng, kể cả sau khi đã sửa Luật PCTN.

Có ý kiến cho rằng cơ quan PCTN đã đầy đủ, Luật không thiếu, vì sao tham nhũng vẫn phức tạp, nghiêm trọng?

Đúng là hệ thống cơ quan PCTN nhiều, quy định của Luật đầy đủ, lực lượng không thiếu, hô hào cũng nhiều, tiền cấp đủ, nhưng kết quả không như mong muốn. Chính vì vậy, chúng ta phải xem lại cách làm. Tại sao chúng ta không xem lại mô hình PCTN của chúng ta xem có phát huy được không?

Phiếu tín nhiệm không mấy tác dụng chống tham nhũng

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm, ông có nghĩ sẽ có tác dụng trong phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng?

 “Số quà trả lại thời gian qua rất hãn hữu. Người ta coi việc nhận quà như một thói quen xấu, nhưng vì người trên nhận được thì người dưới cũng nhận được. Tôi sẽ nêu lại vấn đề này tại Quốc hội” 

Ông Trần Đình Nhã

Tôi nghĩ việc lấy phiếu không có mấy tác dụng, vì chúng ta chỉ lấy phiếu tín nhiệm một số người đứng đầu các cơ quan, tổ chức. Nếu bản thân họ không tham nhũng thì không sao, nếu nghi ngờ họ tham nhũng thì lại chưa chứng minh được. Cho nên những người lấy phiếu không bị đánh giá bởi Luật PCTN. Còn việc đấu tranh PCTN ở ngành mình, cơ quan mình thì những người này cũng hô hào, chỉ đạo rất mạnh. Vì vậy, đánh giá trách nhiệm của họ rất khó.

ĐBQH nhận diện tham nhũng bây giờ rất tinh vi dưới vỏ bọc là quà biếu có giá trị rất lớn nhưng chúng ta chưa có biện pháp ngăn chặn?

Tôi nhớ năm 2007, Thủ tướng đã ban hành quy định về nhận quà biếu. Tôi sẽ đặt lại vấn đề này với Chính phủ, sau 6 năm nhìn lại quy định này xem đã làm được những gì. Có những quyết định của Thủ tướng thì răm rắp, như cấm pháo nổ, đội mũ bảo hiểm, các ngành các cấp lao vào cuộc, có hiệu quả.

Nhưng quy định này dường như chưa phát huy tác dụng nhiều. Đó là cái gì, phải chăng tham nhũng đã trở thành cái gì đó thân thuộc, không đáng nói. Có khi người ta cho rằng, hay ông này không được cái gì trong các vụ chia chác, nên ông hay nói; có mấy cái quà biếu lặt vặt mà các ông cũng nói mãi làm gì?!

Nhưng, tôi thấy đây là một vấn đề rất lớn trong đấu tranh PCTN. Quà biếu không chỉ giá trị tiền mà đó là nhân cách, thước đo của một người cán bộ, đảng viên. Bác Hồ khi nhận được cam còn băn khoăn, day dứt, làm thơ cảm ơn. Bây giờ tại sao cán bộ lại không như vậy?

Cảm ơn ông !

Nguyễn Tuấn

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.