Tham nhũng vặt, hối lộ phổ biến trong khu vực công

Tham nhũng vặt, hối lộ phổ biến trong khu vực công
TP - Báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2013 (PCTN). Ngày 22/10, Tổng thanh tra chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhận định bên cạnh những kết quả đạt được, “tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực… gây bất bình trong xã hội”.

Bảy trọng tâm chống tham nhũng năm 2014 
> Phát hiện tham nhũng chủ yếu qua dư luận xã hội

Kê khai tài sản còn hình thức

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tư pháp (UBTP) cho rằng đánh giá của Chính phủ phù hợp với nhận định của Ban Chỉ đạo trung ương về PCTN. Cơ quan thẩm tra lưu ý, kết quả khảo sát xã hội học cho thấy tham nhũng vặt, hối lộ trong khu vực công vẫn diễn ra phổ biến, nghiêm trọng.

Tỉ lệ người dân tin vào quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền địa phương không cao. Do vậy, Tổ chức minh bạch thế giới xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam (CPI năm 2012) đứng thứ 123/176 nước (đạt 31điểm/ thang điểm 100).

Đáng lưu ý theo UBTP, chưa có cơ chế khả thi để kiểm soát tính chính xác của việc kê khai tài sản; chưa có biện pháp xử lý đối với tài sản có giá trị lớn tăng lên bất thường mà người kê khai không chứng minh được tính minh bạch, hợp pháp của tài sản tăng thêm.

Việc kê khai tài sản, thu nhập mới chỉ dựa vào sự tự giác của người phải kê khai; việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại nơi cán bộ, công chức thường xuyên công tác chưa được thực hiện đồng bộ hoặc chưa phát huy tác dụng.

“Cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan rất khó biết được thực chất số lượng tài sản của người có chức vụ, quyền hạn và thông thường, vì sợ bị trù dập nên họ rất ngại tố cáo trong trường hợp biết được lãnh đạo kê khai tài sản, thu nhập không đúng.

Thời gian qua, có nhiều trường hợp lãnh đạo các DNNN, DN công ích được nhận lương hàng tỷ đồng/năm, có nơi đến 2,6 tỷ đồng/người/năm và kéo dài nhiều năm nhưng qua công tác kê khai, minh bạch tài sản không phát hiện được cho thấy tính hình thức của biện pháp phòng ngừa tham nhũng này” - ông Hiện nhấn mạnh.

Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm

Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện nhấn mạnh, nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình hình tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp là tình trạng suy thoái đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, trong đó có lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Bên cạnh đó là bệnh quan liêu, bao che, dung túng cho hành vi tham nhũng. Có biểu hiện xử lý không nghiêm minh, bỏ lọt tội phạm, lợi dụng kẽ hở của pháp luật để xử lý hành vi tham nhũng bằng biện pháp kỷ luật, hành chính; không khởi tố vụ án, đình chỉ vụ án, bị can, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm; việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt hiệu quả rất thấp.

“Chính phủ vẫn chưa nêu được cụ thể những bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị đã làm tốt và chưa làm tốt công tác PCTN hoặc những nơi, những lĩnh vực để xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng để từ đó kịp thời động viên, khen thưởng những nơi làm tốt; xác định rõ, xử lý trách nhiệm các cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị làm chưa tốt” - ông Hiện nêu rõ.

Cũng theo UBTP, từ 01/02/2013 Ban Chỉ đạo trung ương về PCTN được thành lập, nhưng Báo cáo của Chính phủ chưa thể hiện rõ, cụ thể việc Chính phủ, các cơ quan tư pháp đã tổ chức thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo trung ương về PCTN như thế nào, để thấy sự chuyển biến của công tác PCTN do thay đổi mô hình chỉ đạo PCTN.

Người tố cáo lo sợ bị trả thù

Theo Báo cáo của Chính phủ, năm 2013, ngành thanh tra phát hiện 80 vụ, 90 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 117,5 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 117,5 tỷ đồng; đã thu 59 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 4 tập thể, 28 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 11 vụ, 34 đối tượng. Lực lượng cảnh sát điều tra đã thụ lý 371 vụ án, 847 bị can phạm tội về tham nhũng...

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết việc phát hiện tham nhũng chủ yếu qua dư luận xã hội, báo chí phản ánh. Tuy nhiên, theo UBTP chưa có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ người tố cáo tham nhũng và người tố cáo tham nhũng còn lo sợ bị trả thù.

Việc tổ chức khen thưởng đối với người tố cáo tham nhũng vẫn còn hình thức, có trường hợp dư luận chưa đồng tình như vụ tố cáo tham nhũng tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức (Hà Nội) được Sở Y tế Hà Nội thưởng 320.000 đồng/ người; hoặc người tố cáo tham nhũng từ chối khen thưởng, vì cho rằng cơ quan chức năng chưa giải quyết dứt điểm, còn biểu hiện bao che (vụ tố cáo tham nhũng tại Trung tâm y tế huyện Thăng Bình, Quảng Nam).

Trong khi đó, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng chưa nghiêm. Mặc dù số lượng các vụ án tham nhũng năm nay được phát hiện, xử lý tăng nhưng việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu lại giảm 14% so với cùng kỳ. Số tiền, tài sản sai phạm liên quan đến tham nhũng phát hiện được rất lớn, nhưng kiến nghị thu hồi khoảng trên 40%, số thu hồi được chỉ dưới 50% số tiền, tài sản kiến nghị thu hồi.

Có ngân hàng nhà nước tự phát hiện được 45 vụ việc vi phạm với số tiền sai phạm là 917,161 tỷ đồng, nhưng chỉ thu hồi được 23,48 tỷ đồng (bằng 2,5% số tiền phải thu hồi).

Các địa phương phát hiện được rất ít tham nhũng. Có một số địa phương trong hơn 2 năm thực hiện 804 cuộc thanh tra nhưng chỉ phát hiện được 1 đến 2 vụ tham nhũng nhỏ.

Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương: Chống tham nhũng mới “mơn man” bên ngoài

Theo tôi chúng ta cần phải tăng cường công tác kiểm toán, các cơ quan điều tra phải tăng tỷ lệ khởi tố điều tra các vụ án lớn, phức tạp. Các cơ quan điều tra chống tham nhũng chuyên trách cần có chỉ tiêu cụ thể. Hiện nay do không giao chỉ tiêu cụ thể nên ta vẫn cứ “mơn man” bên ngoài, chỉ đi “đánh” tham nhũng vặt.

Đặc biệt, trong năm 2014, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án phải xử lý được dứt điểm được tất cả các vụ án lớn về kinh tế, chức vụ tham nhũng đã khởi tố điều tra trên 3 năm nay. Cứ tập trung vào là xử lý được, kéo dài ra thì rất khó. Cương quyết rà soát tất cả các trường hợp vụ án lớn, nghiêm trọng mà đình chỉ điều tra hoặc xử lý hành chính phải phục hồi lại, xem xét xử lý hình sự.

Chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác phòng chống tham nhũng là rất đúng, được nhân dân đồng tình ủng hộ, nhưng biện pháp và cách thức thực hiện thì còn yếu. Đối với tòa án phải hạn chế án treo.

Theo tôi, hằng năm Chính phủ phải báo cáo rõ về các địa phương, các bộ ngành làm chưa tốt trong lĩnh vực này, tòa án phải báo cáo tình hình cho hưởng án treo trong các vụ án kinh tế, chức vụ tham nhũng. Báo cáo đầy đủ để QH đánh giá, cho ý kiến để từ đó quyết định các biện pháp tiếp theo.

Hà Nhân ghi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG