Tham nhũng vặt, vì đâu?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TP - Tuần qua, Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2013 được công bố cho thấy một điều đáng báo động song không mới và ai cũng biết, đó là tình trạng tham nhũng vặt vẫn diễn ra phổ biến trên cả nước.

Cụ thể là, có 42% người dân được hỏi cho rằng phải hối lộ khi đi khám bệnh ở tuyến quận, huyện; 30% cho rằng có tham nhũng khi làm thủ tục chứng nhận quyền sử dụng đất; 24% phải mất thêm tiền khi xin giấy phép xây dựng; 42% nói có tiêu cực khi xin việc ở cơ quan nhà nước...

Còn nhớ, trong lần tiếp xúc cử tri quận Ba Đình (Hà Nội) hồi tháng chín năm ngoái, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chia sẻ với các cử tri rằng : “Giờ ở nhà đi ra thấy cái gì cũng phải có tiền, không tiền không trôi. Tham nhũng lớn cũng có, tham nhũng vặt cũng nhiều, khiến người dân như bị ngứa ghẻ”.

Vậy giữa tham nhũng vặt và tham nhũng lớn cái nào đáng sợ hơn cái nào? Tham nhũng lớn sẽ kéo theo tâm lý tham nhũng vặt tràn lan, hay ngược lại quen thói “ăn vặt” rồi khi được thăng quan tiến chức cao hơn sẽ “ăn lớn”? Bài toán “con gà - quả trứng” này quả là khó có lời giải rạch ròi. 

Có người lý giải, cũng tại dân ta cái gì cũng muốn nhanh, muốn “đi tắt đón đầu” nên rất sẵn sàng đưa hối lộ để được việc. Từ xếp hàng khám bệnh, làm thủ tục hành chính đến mua vé tàu xe hay chờ đèn xanh đèn đỏ... tất tật đều muốn chen ngang hay vượt ẩu. 

Song thử hỏi, liệu có mấy người Việt Nam đi du lịch hoặc làm việc tại các nước Âu, Mỹ dám vượt đèn đỏ, dám hối lộ các viên chức bản địa? Thậm chí người Việt ta sinh sống ở nhiều nước còn được đánh giá là hội nhập tốt, là tuân thủ tốt luật lệ nơi xứ người. Như thế, chắc tại quan chứ không phải tại dân.

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) cảnh báo, một khi tham nhũng vặt được chấp nhận, được coi là hiển nhiên tại một quốc gia nào đó, chúng sẽ ăn mòn xã hội. 

Đến lúc đó “các lĩnh vực thiết yếu của một quốc gia như giáo dục, y tế, toà án, báo chí, công an v.v… sẽ bị điều khiển bởi lợi ích cá nhân bất chính và buông xuôi trách nhiệm, chức năng xã hội của mình”.

Trên thực tế, chức vụ, quyền hạn càng cao thì càng có nguy cơ tham nhũng lớn, tham nhũng vặt dễ xảy ra với những viên chức thường xuyên tiếp xúc với dân. 

Cái nguy của tham nhũng lớn nếu không nghiêm trị, không chỉ tài sản nhà nước thất thoát lớn mà còn làm lây lan những “tấm gương” xấu, thậm chí làm băng hoại đạo đức, xói mòn niềm tin. Phải chăng tham nhũng vặt mặc sức lan tràn cũng có phần từ đó mà ra?

Do đó, để trị tham nhũng vặt, ngoài việc củng cố một nền hành chính công minh bạch, hiệu quả, rất cần nghiêm trị tham nhũng lớn để răn đe, để làm gương cho cấp dưới.

MỚI - NÓNG