Thăm trại rắn ở Bangkok

Thăm trại rắn ở Bangkok
TP - Ở Bangkok đến trại rắn không có khoản nhậu thịt rắn nhưng được xem một số loại rắn và trăn quý; sự nguy hiểm và công dụng của rắn. v.v... Người ta nuôi rắn chủ yếu để lấy nọc rắn chữa bệnh cứu người.
Thăm trại rắn ở Bangkok ảnh 1
Biểu diễn bắt rắn hổ mang

Trên đường đến Pattaya chúng tôi vào thăm trại nuôi rắn của Viện nghiên cứu dược liệu nằm ở ngoại ô Bangkok. Đi du lịch Thái Lan, những người quan tâm đến y học, đặc biệt là y học cổ truyền phương đông, không ai bỏ qua điểm đến này.

Bởi nhiều lý do: Từ trung tâm thủ đô Băngkok đến đây đủ một quãng đường và thời gian thích hợp để khách nghỉ ngơi; lý do thứ hai, đây cũng là một sản phẩm du lịch sinh thái, du khách có cơ hội tìm hiểu, khám phá; lý do thứ ba đây là điểm tham quan miễn phí.

Ở Việt Nam ta, phía nam có trại rắn Đồng Tâm (thuộc tỉnh Tiền Giang) của Quân khu IX làm ăn tương đối hiệu quả, với nhiều chế phẩm đứng được trên thị trường như các loại cao, các loại rượu rắn, một số sản phẩm dạng viên nang đã lưu thông trên thị trường nhưng khâu quảng bá còn yếu, ít người biết.

Trại rắn Đồng Tâm cũng đã liên kết với ngành du lịch để phục vụ du khách. Ở miền Bắc có làng rắn Lệ Mật ngay tại thủ đô Hà Nội, nổi tiếng từ lâu lắm rồi. Nhưng khách đến Lệ Mật chủ yếu là dân nhậu. Người ta nuôi rắn nhằm mục đích phục vụ các “đệ tử lưu linh” là chính.

Ở Bangkok đến trại rắn không có khoản nhậu thịt rắn nhưng được xem một số loại rắn và trăn quý; xem biểu diễn tài nghệ bắt rắn của nhân viên trại rắn; nghe giới thiệu về sự sinh sản và chu kỳ phát triển của rắn; sự nguy hiểm và công dụng của rắn. v.v... Người ta nuôi rắn chủ yếu để lấy nọc rắn chữa bệnh cứu người.

Thú vị và bổ ích nhất khi đến tham quan trại rắn ở Bangkok là du khách được truyền thông về sức khỏe, nguyên nhân của một số bệnh nhiều người mắc, cách phòng bệnh và chữa bệnh.

Cuối cùng là phần giới thiệu công dụng của một số chế phẩm từ rắn của Viện nghiên cứu, đã qua các khâu nghiên cứu, bào chế, thực nghiệm lâm sàng và đã được cấp phép lưu hành.

Loài rắn hổ mang được giới thiệu nhiều nhất. Hổ mang chỉ ăn thịt đồng loại. Rắn lớn ăn một con rắn bé sau đó 3 tháng trời không ăn vẫn khỏe mạnh. Mỗi năm rắn hổ mang chỉ giao hợp một lần với thời gian từ 20-34 giờ. Nọc rắn hổ mang dùng điều chế thuốc gây tê, gây mê. Mỗi kg nọc rắn độc xuất khẩu thu về khoảng 1.400 USD.

Được biết những thông tin quý giá như thế về các loại rắn độc, đặc biệt là rắn hổ mang, du khách không thể không mua thuốc vài lọ thuốc do Viện nghiên cứu điều chế từ rắn nuôi tại trại. Với quan niệm ăn gì bổ nấy, các quý ông ít ai giả lơ trước những loại thuốc được điều chế từ nọc, từ mật, từ bộ phận sinh dục của rắn hổ mang chúa. Ví dụ:

Giải độc đan: Điều chế từ nọc độc hổ mang chúa và các loại rắn độc khác phối hợp cùng thảo dược với công dụng: Thanh nhiệt, hạ hỏa, thanh máu giải độc, tăng cường sức đề kháng. Trị các chứng hôi, lở miệng; mụn trứng cá, viêm da; táo bón, trĩ...

Xà đảm hoàn: Thành phần gồm mật rắn độc các loại phối hợp với một số  thảo dược; có tác dụng cường gan, bổ mắt, hạ cholesterol; điều trị và ngăn ngừa suy gan, mỏi mắt, tầm nhìn hạn chế, cận thị, lão hóa, huyết áp cao, gan nhiễm mỡ, bệnh tim mạch.

Xà bin hoàn: Điều chế từ dương xuân của các loại rắn độc, dành cho nam giới nhằm bồi bổ thận, bổ khí huyết, tăng sinh lý; chủ trị các chứng yếu sinh lý, xuất tinh sớm, tinh dịch kém, dễ mệt mỏi, suy nhược thần kinh... đạt hiệu quả rất cao. Thường sử dụng tăng sinh lý nam giới.

Ngoài ra còn có Ích thận hoàn: Thành phần gồm xương và tủy sống rắn hổ cùng thảo dược dân tộc; Thạch đan: Gồm mật các loại rắn hổ độc, hổ mang chúa kết hợp với thảo dược. An quy đan: Bào chế từ các loại xương rắn hổ độc kết hợp với thảo dược. Bên cạnh các loại đan và hoàn có rượu bổ cường thận, rượu bổ thanh xuân cũng rất công dụng và dễ dùng.

Rời trại rắn, vừa có vài lọ thuốc mang về dùng dần vừa nhận thức ra một điều: Trong máu, gan và mật rắn chứa ấu trùng nhiều nhất, kẻ thù của bệnh viêm gan B. Loại bệnh mà hiện nay trên thế giới có 2/100 người mắc. Trên xe nhiều người thề rằng, từ nay vào quán thịt rắn “hổng dám” dùng món rượu hoà tiết rắn và rượu ngâm tim, gan, mật rắn.

MỚI - NÓNG