Thám tử tư, mở hay trói?

Thám tử tư, mở hay trói?
TP - Trên thực tế, xã hội có nhu cầu về dịch vụ cung cấp thông tin mà thực chất là hoạt động thám tử tư. Bên cạnh những lình sình, thậm chí vi phạm pháp luật cũng như đạo đức, một số công ty hoạt động khá tốt.
Thám tử tư, mở hay trói? ảnh 1
Ảnh minh họa

Nhưng theo tinh thần chung của một số Nghị định của Chính phủ, loại hình hoạt động này bị cấm. Câu hỏi được đặt ra từ cuộc sống, nên mở hay trói hoạt động này?

Cấm vẫn mọc như nấm

Nhiều doanh nghiệp với nhiều tên gọi trên hai địa bàn TPHCM và Hà Nội vẫn cho đăng công khai trên Internet những thông tin quảng bá rầm rộ dịch vụ thám tử tư, điều tra. Gõ từ khóa thám tử tư trên Google, chúng tôi tìm thấy hơn 20 website các Cty có trụ sở chính đóng trên địa bàn TPHCM và Hà Nội quảng cáo chi tiết về dịch vụ điều tra, hoạt động thám tử tư.

Để hút khách, nhiều quảng bá cũng phô bày các công cụ hỗ trợ tinh vi được sử dụng trong các hoạt động đặc biệt mà chỉ các cơ quan chức năng quân đội, công an mới có phép sử dụng.

Tra cứu địa chỉ theo website, chúng tôi dễ dàng tìm được các trụ sở doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Ở TPHCM có ít nhất 5 công ty, còn tại Hà Nội có gần 10.

Liên lạc qua số điện thoại di động lưu trên địa chỉ website của Cty thám tử tư L.G hay còn gọi là Cty thám tử tư V.M, chúng tôi nghe giọng một người đàn ông xưng là lãnh đạo doanh nghiệp này, giới thiệu các loại hình dịch vụ điều tra, truy tìm và thu thập các chứng cứ….

Khi nghe nói chúng tôi muốn thuê dịch vụ điều tra người vợ có dấu hiệu ngoại tình nhưng đang công tác ở Singapore, ông ta nhận lời ngay: “Chuyện này dễ ợt. Cty chúng tôi có cả chi nhánh khu vực Bắc Mỹ (?) nên làm vụ này ở bên đó vẫn OK, chứ nói gì các quốc gia vùng Đông Nam Á. Vì hiện tại khu vực này được miễn visa nhập cảnh nên nhân viên chúng tôi đi lại dễ dàng. Chỉ khó ở khu vực châu Âu và Úc thôi”.

Người đàn ông nói xong, hẹn chúng tôi gặp ở văn phòng Cty L.G để bàn thủ tục ký kết hợp đồng. Ông ta còn dặn rằng, nhớ mang theo ảnh vợ cùng địa chỉ nơi cư ngụ và một số thông tin liên quan đến cái gọi là… dấu hiệu ngoại tình, để ông ta lên kế hoạch.

Theo thỏa thuận, phía Cty L.G sẽ tạm nhận tiền cọc để đảm bảo giao dịch, khi nào có kết quả, chứng minh được bằng hình ảnh chứng cứ cụ thể về hành vi ngoại tình, bên L.G sẽ nhận tiền theo giá trị hợp đồng là 50 triệu đồng cùng với chi phí kèm theo, nếu phát sinh thêm việc đi qua nước khác…

Vào website của Cty L.G, khách hàng dễ bị thuyết phục bởi ngoài thông tin giới thiệu chức năng hoạt động, trên website của doanh nghiệp này còn trưng bày nhiều hình ảnh khiến bất cứ ai xem qua đều ngợp vì tính quy mô lẫn phong cách chuyên nghiệp của nhà cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, còn có loạt bài của một tờ báo về hoạt động có kết quả của L.G.

Nhiều website của các Cty thám tử tư khác cũng phô diễn tương tự. Thậm chí Cty Thám tử tư KGB còn giải thích nghĩa của cụm từ “KGB”, là tên viết tắt của cơ quan Thông tin Xô Viết - một cơ quan đầy danh tiếng (?!).

Doanh nghiệp này cũng chẳng ngại ngùng đăng biểu trưng của KGB (thực chất là cơ quan An ninh quốc gia Liên Xô cũ). Còn dịch vụ Thám tử tư Sài Gòn thì có hệ thống website hoành tráng với năm địa chỉ tên miền.

Thám tử tư Sài Gòn còn nêu trong dấu ngoặc đơn hay chữ viết tắt (T&T). Cần lưu ý là thực tế có Cty T&T, một doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ bảo vệ, cung ứng thiết bị phòng cháy chữa cháy và công cụ hỗ trợ thuộc CA TPHCM (!). Ngoài ra còn nhiều cái tên công ty nghe rất kêu như Thám tử tư triệu đô; Tìm kiếm và cung cấp thông tin Á Đông -Thám tử 07; Thám tử X.…

Lờn thuốc?!

Thám tử tư, mở hay trói? ảnh 2
Trang web của Cty Thám tử KGB đăng cả logo của cơ quan tình báo KGB –Liên Xô cũ. Ảnh T.H.V 

Theo xác minh của Tiền Phong, hiện tại chỉ có một doanh nghiệp được cấp phép hoạt động dịch vụ điều tra, thám tử tư là Cty TNHH Điều tra và bảo vệ -V (VPI) có trụ sở tại Hà Nội, thành lập vào năm 2000.

Thực tế, sau khi VPI ra đời, do đây là lĩnh vực hoạt động kinh doanh dịch vụ được xem là nhạy cảm, nên đã có một số quy định được đưa ra, thực chất là cấm hoạt động điều tra, thám tử tư.

Trong các nghị định 108 (năm 2006), 139 (năm 2007) hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp, những ngành nghề sau bị cấm kinh doanh: sản xuất, chế biến các chất ma túy; dịch vụ điều tra bí mật xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; thám tử tư và điều tra. Ba loại dịch vụ trên bị xem là gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia và lợi ích công cộng.

Và, rõ nhất là Nghị định 52 ký tháng 4/2008, về quản lý kinh doanh dịch vụ bảo vệ, tại Điều 8, có nêu, đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ và nhân viên của doanh nghiệp cấm tiến hành các hoạt động vũ trang, hoạt động điều tra, thám tử tư dưới mọi hình thức và trang bị, sử dụng trái phép các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ.

Thế nhưng qua những ghi nhận trên, các dịch vụ hoạt động thám tử tư vẫn nở rộ một cách công khai, dường như biện pháp chế tài bị lờn thuốc.

Từ sau khi có Nghị định 108 cho đến nay, tại TPHCM chỉ có một trường hợp doanh nghiệp đăng quảng cáo công khai hoạt động dịch vụ thám tử tư bị UBND TPHCM thổi còi. Đó là Cty TNHH Dịch vụ Trinh Thám, được cấp giấy phép thành lập vào tháng 9/2006 với chức năng hoạt động: dịch vụ tiếp thị, nghiên cứu thị trường, dịch vụ cung cấp thông tin kinh tế, khoa học kỹ thuật.

Không tuyên truyền lộ liễu như các doanh nghiệp đã nói ở trên, Cty này chỉ quảng cáo bằng thư ngỏ và trên website với nội dung: chuyên làm dịch vụ điều tra, cung cấp thông tin, bao gồm theo dõi giám sát, xác minh vợ, chồng, người yêu có ngoại tình hay không; điều tra lý lịch người xin việc xem gia cảnh, năng lực, đạo đức thế nào; điều tra đối tác làm ăn; điều tra trộm cắp trong nội bộ...

Chỉ đạo các sở, ngành xử lý Cty Trinh Thám, UBND TPHCM chỉ rõ việc quảng cáo ngành nghề không nằm trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là trái với quy định của pháp luật. Với tinh thần chỉ đạo này, UBND TPHCM muốn làm nghiêm với các công ty hoạt động thám tử tư. Tuy nhiên, đâu chỉ có mỗi Cty Trinh Thám!?

Nên mở hay trói?

* Trao đổi qua điện thoại với PV Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Hữu Hòa, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) TPHCM, phụ trách đăng ký kinh doanh, khẳng định, từ trước đến nay, Sở KH-ĐT chưa cấp giấy phép nào về hoạt động dịch vụ điều tra, thám tử tư.

Những trường hợp đăng công khai hoạt động kinh doanh đều mạo nhận.

* Cty Canon Việt Nam (Canon VN) ký hợp đồng dài hạn với Cty X. trong việc thu gom - vận chuyển và xử lý rác thải công nghiệp tại địa chỉ Y.

Trong thời gian đầu, phía Cty X. thực hiện hết sức nghiêm túc. Tuy nhiên, khoảng một năm sau Canon VN nghi ngờ Cty X. không thực hiện đúng hợp đồng bằng việc bán lại một phần rác thải công nghiệp cho Cty B... Hành vi của Cty X. được xem vi phạm điều khoản hợp đồng đã ký giữa hai bên.

Để buộc Cty X. phải tâm phục khẩu phục, phía Canon VN nhờ đến Cty TNHH Điều tra và bảo vệ - V (VPI). Một nhóm thám tử được cử thi hành nhiệm vụ.

Ngay trong ngày thứ hai, các thám tử đã phát hiện hai xe tải tách đoàn xe năm chiếc chở rác thải của Canon VN đi đến kho của Cty B. thay vì đi cùng đoàn đến kho của Cty X. để xử lý.

Một tuần sau sự việc tương tự tái diễn và được nhóm thám tử VPI ghi lại bằng máy quay và máy chụp ảnh. Những chứng cứ này được VPI chuyển cho Canon VN xem xét để có quyết định phù hợp.  

Đa số ý kiến cho rằng tìm kiếm, thu thập thông tin kiểu thám tử là cần thiết và xã hội có nhu cầu thật sự về dịch vụ này, do đó rất khó cấm trên thực tế. Nhiều văn phòng luật sư đại diện quyền sở hữu trí tuệ hiện nay đã được các tập đoàn đa quốc gia tín nhiệm ký hợp đồng dài hạn nhằm truy kiếm thông tin, xác nhận bằng chứng hàng giả hàng nhái sản phẩm của họ.

Những thông tin từ các văn phòng này đã được chuyển cho phía quản lý thị trường hay cơ quan điều tra để truy cứu trách nhiệm về việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra không ít trường hợp những người lưu lạc, qua các dịch vụ truy tìm thông tin đã tìm lại được gia đình… Việc cung cấp những thông tin chính xác về tình trạng tài chính của đối tác mà các doanh nghiệp muốn ký kết làm ăn, liên doanh nhằm tránh rủi ro hay lừa đảo trên thực tế là rất cần thiết. Thực tế những cái được của dịch vụ thám tử tư là rất nhiều.

Trước nhu cầu của đời sống, nhiều doanh nghiệp đã lách luật bằng cách đăng ký kinh doanh dịch vụ cung cấp thông tin. Muốn đạt được kết quả cung cấp thì cũng phải thực thi các công đoạn của hoạt động thám tử, nghĩa là phải săn tìm, thu thập các chứng cứ. Cơ quan quản lý khó có thể bắt bẻ doanh nghiệp!

Ông Nguyễn Hữu Vinh - Giám đốc VPI cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, hoạt động thám tử tư, thu thập thông tin cần phải được mở kèm theo các điều kiện thật chặt chẽ để dịch vụ này hoạt động theo đúng đường, đúng lối.

Như vậy sẽ đảm bảo quyền lợi cho những doanh nghiệp muốn kinh doanh lĩnh vực này và các khách hàng của họ mà Nhà nước cũng không mất một khoản thuế đáng kể do lĩnh vực này mang lại. Cấm chỉ khiến các doanh nghiệp lách luật mà thôi.

Cảm giác cô đơn

Thám tử tư, mở hay trói? ảnh 3
Ông Nguyễn Hữu Vinh
Tâm sự của ông Nguyễn Hữu Vinh - Giám đốc Cty TNHH Điều tra và bảo vệ -V: Thấm thoắt vậy mà đã chín năm rồi, từ ngày liều lĩnh mở cái Cty thám tử này. Tôi không thể tính nổi mấy hàng ngàn con người đã tới đây.

Bao nhiêu nỗi buồn, vui, cả đau khổ mà tập thể cán bộ, nhân viên VPI chứng kiến; bao nhiêu gian nan để thuyết phục, giải thích với cơ quan chức năng về nhu cầu tất yếu cần có của thứ dịch vụ này đối với xã hội. Vậy mà hôm nay vẫn mang một cảm giác cô đơn.

Nhiều nhân viên của VPI đã nghỉ và ra mở Cty riêng. Họ phải mang cái tiếng “bán hợp pháp”, nhưng tôi vẫn an ủi các em “cố gắng giữ gìn không để mang tiếng xấu. Một ngày nào đó được luật pháp công nhận, ta sẽ thành lập hiệp hội”. Và chúng tôi vẫn giữ mối liên hệ, trợ giúp lẫn nhau khi cần thiết.

Với cá nhân riêng mình và nhân viên trong VPI, chúng tôi cố ý thức không ỷ thế độc quyền. Nhưng điều này đâu phải dễ.

Nhìn lại một số dịch vụ được coi là nhạy cảm với xã hội như dịch vụ bảo vệ, thu hồi nợ, và gần đây nhất là thi hành án với tên gọi như xưa là “thừa phát lại”, thấy đều gian nan cả. Tặc lưỡi, thôi thì thiên hạ chịu được, sao ta lại không? Như dịch vụ bảo vệ, ra đời đã ngót nghét 15 năm, vậy mà về danh chính ngôn thuận, các Cty tư nhân vẫn không được sử dụng công cụ hỗ trợ; nghị định về dịch vụ này vẫn nặng về “quản” chứ ít nói mấy tới “quyền”.

Trong khi ở Nga, họ đã được sử dụng vũ khí và được quyền bắt trong một số trường hợp. Còn ở Mỹ thì đến Chính phủ cũng phải thuê họ hành nghề tận chiến trường Trung Đông.

Một khi không “quản” được hẳn, mà nhu cầu xã hội vẫn cần, thì ắt sinh chuyện khuất tất và bất công.

Nhớ lại khi mới thành lập được vài tháng, bất ngờ một ngày, một anh chàng ngoại quốc tự xưng là thám tử tư Singapore tới thăm. Mừng quá, tôi tranh thủ tâm sự, học hỏi...

Anh ta động viên: “Ở nước chúng tôi cũng vậy thôi, thời mới công nhận dịch vụ này cũng đầy khó khăn, những năm đầu toàn chuyện vợ chồng, con cái... Sau rồi phát triển nhu cầu tìm hiểu thông tin trong kinh doanh, tố tụng dân sự...“. Khi chia tay, anh ta còn dặn “Don’t give up!” (Đừng bỏ cuộc).

MỚI - NÓNG