Tham vọng quyền lực dẫn đến chạy chức, chạy quyền

Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương.
Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương.
TPO - “Phấn đấu vì sự nghiệp chung của đất nước khác với tham vọng quyền lực. Nếu cán bộ có tham vọng quyền lực thì dễ tìm mọi cách, mọi cơ hội để chạy chức, chạy quyền nhằm thăng quan, tiến chức”, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương nói.

Đề cập đến việc Bộ Chính trị vừa ban hành ban hành quy định về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, đây là điều cần thiết.

Theo ông Thưởng, các quy định về tiêu chuẩn cán bộ thì thực tế từ lâu đã có và cũng đã bao hàm đủ hai mặt cả về đức và tài. Nay quy định trên bổ sung và bảo đảm chi tiết hơn, cụ thể hơn.

Giải thích về tiêu chuẩn “cán bộ thuộc diện Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải là những cán bộ tuyệt đối không tham vọng quyền lực”, ông Lê Quang Thưởng cho rằng cần phải hiểu đúng quy định trên theo nghĩa rộng, chứ không phải triệt tiêu sự phấn đấu.  

“Phấn đấu vì sự nghiệp chung của đất nước khác với tham vọng quyền lực của cá nhân. Nếu cán bộ có tham vọng quyền lực thì sẽ tìm mọi cách, mọi cơ hội để chạy vạy, để thăng quan, tiến chức”, ông Lê Quang Thưởng nói.

Nguyên Phó Ban tổ chức Trung ương cũng cho rằng, nếu cán bộ đó phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng, vì đất nước thì không bao giờ có tham vọng quyền lực, không bao giờ nghĩ đến quyền lợi vật chất của bản thân, gia đình.

Còn nếu cán bộ đó có tham vọng quyền lực thì sẽ tìm mọi cách để có chức, có quyền.  “Ở đây là anh phấn đấu vì lợi ích riêng, với mục đích cá nhân chứ không phải vì mục đích chung tiến lên của xã hội”, ông Thưởng diễn giải.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng cho hay, trong lịch sử hình thành và phát triển của Đảng, trước đây không đề cập đến vấn đề “tham vọng quyền lực”. Nhưng gần đây, đặc biệt trong cơ chế thị trường thì đã nảy sinh nhiều hiện tượng tiêu cực nên vấn đề “tham vọng quyền lực” được Đảng quan tâm, đặt vấn đề.

“Với tham vọng quyền lực nên thay vì tuân thủ, chấp hành nghiêm sự phân công của Đảng thì anh lại tìm mọi cách để chạy chức, chạy quyền, chạy vị trí. Có quyền lực rồi thì lại tìm cách vun vén lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm chứ không phục vụ cho sự nghiệp của đất nước – đó chính là cơ hội chính trị”, ông Phúc nói.

Từ đó, ông Phúc cho rằng, việc Bộ Chính trị ban hành ban hành quy định về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý, trong đó quy định, cán bộ thuộc diện Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý phải là những cán bộ tuyệt đối không tham vọng quyền lực là hoàn toàn phù hợp.

Cũng theo ông Phúc, với quy định trên thì mọi cán bộ, đảng viên có thể soi vào đó để xem xét, đánh giá cán bộ nào đủ tiêu chuẩn, điều kiện, cán bộ nào không một cách công khai, minh bạch.

Ngược lại, các cán bộ cũng tự “soi” lại bản thân xem thấy có xứng đáng hay không? Nếu thấy mình chưa đủ điều kiện thì cần cố gắng, nỗ lực hơn nữa. “Quy định này là hết sức cần thiết để khắc phục những bất cập về công tác cán bộ vốn đã tồn tại trong thời gian qua”, ông Phúc nhận xét.

MỚI - NÓNG