Thân cầu chính đã bị chia ra để 'khoán'

Thân cầu chính đã bị chia ra để 'khoán'
TP - Dư luận lại nóng lên bởi những phát biểu của một số lãnh đạo Cty nhỏ tham gia xây dựng cầu Cần Thơ, hé lộ dần sự thật trong việc tổ chức thi công. Trên thực tế, việc thi công thân cầu chính bị chia ra đem khoán từng phần việc cho nhiều Cty nhỏ.

>> Khởi tố vụ án sập cầu Cần Thơ 

Thân cầu chính đã bị chia ra để 'khoán' ảnh 1
Một khung thép giàn giáo vừa được cẩu ra trong đống đổ nát. Ảnh: Kiến Giang

Trước tiên, để hình dung thân cầu chính, xin bắt đầu từ mố cầu ở bờ Vĩnh Long. Từ đó bước đến trụ số 1 nếu gọi là đã đi qua 1 nhịp thì đến trụ số 13 là đã đi qua 13 nhịp. Từ trụ 13 sang trụ 14 và trụ 15 sẽ gọi tiếp là nhịp 14 và 15, chính là hai nhịp vừa sụp đổ.

Từ mố cầu đến trụ số 13, các nhịp cầu được xây dựng theo cách thông thường: lao dầm rồi đổ mặt cầu. Những nhịp đó tạo nên cầu dẫn. 

Từ trụ số 13 đến trụ số 14 và trụ số 15, mỗi nhịp đều dài 40m, đi tiếp sang nhịp 16 dài 130m sẽ đến tháp bờ Bắc là cột tháp buộc dây văng để treo cầu. Tháp này cao 164,8m. Từ tháp bờ Bắc sang tháp bờ Nam dài 550m và đây là nhịp chính của cầu Cần Thơ, nhịp cầu dây văng dài nhất Đông Nam Á hiện nay.

Qua tháp bờ Nam tiếp tục các nhịp giống ở bờ Bắc (130m + 2x40m). Tổng cộng 7 nhịp này dài 1.010m gọi là thân cầu chính được treo bằng dây văng. Tức là chịu lực của nó không phải bằng các dầm cầu đặt bên dưới mà bởi dây văng treo bên trên.

Thân cầu chính được đúc liền suốt 1.010m, có dạng hình hộp để đảm bảo cường độ chịu lực với khối lượng nhẹ. Dầm cầu gồm hai lớp bê tông cách nhau 2,2m nên gọi là dầm hộp.

Việc đúc dầm hộp được bắt đầu từ nhiều vị trí. Từ hai tháp đúc ra bằng phương pháp đúc hẫng, đúc đến đâu treo dây văng đến đó. Còn ở nhịp 14 và 15, chưa thể kéo dây văng sang được thì đúc bằng cách tựa vào giàn giáo lắp đặt phía dưới.

Khoảng cách các trụ đến 40m, nên phải làm thêm trụ tạm ở giữa hai trụ chính để chống giàn giáo đỡ khối bê tông khổng lồ hàng nghìn tấn bên trên. Khi toàn bộ thân cầu chính dài 1.010m đã đúc liền nhau, treo xong dây văng mới được dỡ giàn giáo.

Trụ tạm được đóng cọc bê tông sâu và đúc bên trên một khối bê tông cốt thép dày 1,5m, diện tích 25m2 (5 x 5m) làm chân đế lắp đặt trụ tạm. Phải thử tải trụ tạm đến lúc nào xác định trụ tạm không còn lún mới được thi công dầm hộp. Có thể thử tải từng móng cọc và thử tải khi đã lắp giàn giáo hoàn chỉnh.

Việc thử tải này, theo như trả lời của ông Bùi Văn Thịnh - Phó Giám đốc Cty TNHH Cơ khí Xây dựng Vĩnh Thịnh trên Tiền phong thì đã không được tiến hành.

Nhà thầu đã chia việc thi công thân cầu chính ra nhiều phần, nhiều đoạn để “khoán” cho nhiều Cty nhỏ cùng lúc thi công. Vấn đề nghiêm trọng ở đây, các Cty nhỏ đã sử dụng hầu hết lao động phổ thông, chưa được đào tạo chuyên môn tối thiểu.

Điều này ngược với phát biểu của đại diện nhà thầu chính TKN là lao động giản đơn chỉ được làm những công việc đơn giản. Bởi đúc trụ tạm, đổ bê tông thân cầu chính trên cao là những phần việc phức tạp, đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao. Việc quản lý nhân công thiếu chặt chẽ nên việc quản lý chất lượng công trình cũng khó mà chặt chẽ! 

MỚI - NÓNG