'Thần Nước' giữa đại ngàn

'Thần Nước' giữa đại ngàn
TP - Hai cựu chiến binh Pả Hiên, Pả Bình được đồng bào các dân tộc Vân Kiều, Pa Kô giữa đại ngàn Trường Sơn phong danh Thần Nước bởi có kỳ tích trong việc tìm ra nguồn nước sạch và dẫn về tận bản làng.
'Thần Nước' giữa đại ngàn ảnh 1
Người dân ở bản Ly Tôn, Đakrông đã được dùng nước sạch

Căn nhà sàn của  thương binh hạng 3/4 Pả Hiên áp bên dòng Đakrông, thuộc bản Ly Tôn, xã Tà Long, huyện Đakrông, Quảng Trị. Con sông đỏ đục vì nạn đào núi tìm vàng từ hơn chục năm nay.

Pả Hiên chùng giọng cho biết, nước sông là hợp lưu của những dòng suối, dẫn nguồn nước từ núi cao. Thế mà từ năm 1990 đến nay, nạn vàng tặc san phẳng rừng núi, đào bới dòng sông Đakrông tìm kiếm vàng ngày một nhiều làm cho dân bản không còn có được nguồn nước sạch.

Dân bản Ly Tôn nhớ lại, những năm 2000 - 2001, người thương binh Pả Hiên luôn có mặt từ sáng sớm ở những ngọn núi cao bên kia sông Đakrông, đến trưa ông loanh quanh ở những bãi đất bằng bên này dòng sông. Mùa hè năm sau, dân bản không tin là Pả Hiên nghĩ ra việc làm mà nhiều người cho là hết sức... kỳ quái!

Với chân phải không còn nguyện vẹn, nhấc từng bước khó khăn, ông lại có thể leo lên lưng chừng ngọn núi Ta Via cao hơn một nghìn mét, đặt ở đó một ống nhựa, rồi từ đây kéo cái ống nhựa này theo dây tời bằng thép to như ngón tay cái băng qua chục khe suối và cả dòng sông Đakrông sâu thẳm như người ta kéo dây điện cao thế trên trời, về tận bản làng. Lại càng... quái dị hơn, khi nguồn nước trong veo từ cái ống nhựa ấy chảy ra suốt ngày đêm.

Mùa hè 2002, sau khi làm xong chuyện động trời này, Pả Hiên mổ hai con heo, năm con dê mời cả bản ăn mừng và... giải thích cho bà con hiểu cách vận hành công trình nước sạch của mình.

Vào nhà Pả Hiên, chúng tôi để ý thấy khác với nhiều gia đình ở đây là việc thờ cúng tổ tiên ông bà được đặt ở chỗ trang nghiêm nhất, song với nhà ông, ở đó là tấm ảnh Bác Hồ kính cẩn đặt trên bàn thờ.

Thấy khách dò hỏi, Pả Hiên đến bên ảnh Bác, xúc động: “Cả đời bố đi theo cách mạng, làm theo cách mạng, theo lời Bác Hồ kính yêu đã căn dặn. Bố tự hào sớm được thoát ly, trở thành người lính Cụ Hồ, góp chút công sức, dù là rất nhỏ”.

Pả Hiên năm Kỷ Sửu này bước sang tuổi 69. Cách đây 41 mùa rẫy, chàng trai trẻ ấy xin đi theo bộ đội nhưng vì cha mẹ mất sớm do bom đạn, anh phải nuôi hai em nhỏ mồ côi, nên các anh bộ đội động viên Hiên ở lại. Anh tình nguyện tham gia dân quân du kích, rồi trở thành bộ đội địa phương huyện Nam Hướng Hóa (huyện Đakrông ngày nay).

Năm 1969, trong trận đánh vào đồn Cu Xưn, xã Húc Nghì (Đakrông), anh bị thương nặng ở chân. Mặc dù vậy, chiến sĩ Pả Hiên vẫn xông lên, nhằm đánh lạc hướng chúng để cứu đồng đội. 

Chúng tôi hỏi Pả Hiên, bao năm tham gia chiến đấu, rồi những tháng ngày sống hạnh phúc sau hòa bình, bố vui nhất điều gì? Ông trả lời thật như đếm: “Bố vui nhất là chiến đấu với kẻ thù mà không bị đui mắt. Đui mắt thì buồn lắm, vì như thế sẽ không nhìn thấy được bản làng, không giúp gì được cho bà con mình. Nhờ sáng con mắt mà năm 2002, bố vay tám triệu đồng, trong đó dùng năm triệu đồng xây dựng công trình nước sạch, ba triệu đồng thuê ủi ruộng làm lúa nước”.

“Sao bố nghĩ ra được cách làm này?”.

Ông trầm ngâm: “Đơn giản thôi, sau hai năm đi quanh rừng núi, khe suối ở Ly Tôn, bố thấy nơi không có bãi đất bằng thì có nước, nơi có bãi đất bằng thì không có nước. Trong khi bà con dân bản mình phải thức khuya dậy sớm đi gùi cõng từng can nhựa nước từ trong rừng sâu. Thế là bố kết hợp cả hai việc, bắt nguồn nước từ trên núi cao về vừa phục vụ cho bà con sinh hoạt, vừa trồng lúa nước ở những chỗ có bãi đất bằng”.

Ở xã Tà Long còn có bệnh binh 3/4 Pả Bình cũng đầu tư xây dựng công trình nước sạch như Pả Hiên. Buổi sáng, khi chúng tôi đến, nhà Pả Bình tấp nập người vào ra. Hóa ra bà con dân bản mang can nhựa đến lấy nước sạch về dùng.

Pả Bình kể: “Thấy bản khan hiếm nước sạch nên bố làm theo cái cách làm của Pả Hiên đó, đến nay bố còn bắt ống nhựa dẫn nước về tận nhà cho 50 gia đình của bản Pa Hy, số còn lại 64 hộ bố chưa có tiền làm hết, nhưng bố sẽ cố gắng dành dụm từ tiền bán heo, dê và lúa để làm tiếp”.

Năm năm trước, Pả Bình vay 30 triệu đồng, trong đó 15 triệu đồng bắt nước sạch từ núi Pheo ở bản Pa Hy về cho bà con mà không lấy tiền của dân bản đóng góp. Ông nói, bà con còn nghèo, mình tuy là bệnh binh nhưng làm ăn giỏi, số tiền 30 triệu đồng ấy bố chỉ trả trong ba năm là xong!

Già làng Vỗ Lương, xã Tà Long cười móm mém, nói với chúng tôi: “Ở Tà Long không ai thông minh và tốt bụng như Pả Hiên, Pả Bình cả! Các con đã học tập được phẩm chất của bộ đội Cụ Hồ từ những năm chiến tranh gian khổ. Chắc lớp trẻ rồi đây sẽ làm được như hai ông ấy”.

MỚI - NÓNG