Tháng 7 có 2 đợt nắng nóng, 2 cơn bão?

Những người thợ xây dựng đổ trần nhà dưới trời nắng nóng 45oC trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội. Ảnh: Như Ý.
Những người thợ xây dựng đổ trần nhà dưới trời nắng nóng 45oC trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội. Ảnh: Như Ý.
TP - Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, người dân Bắc bộ và Bắc Trung bộ đang trải qua đợt nắng nóng dài nhất, gay gắt nhất trong mùa hè năm nay, tuy nhiên vẫn chưa nóng bằng năm ngoái. Tháng 7 sẽ còn đợt nắng nóng nhưng bớt gay gắt hơn.

Có ý kiến cho rằng, chúng ta dự báo mùa hè năm nay tương đối ôn hòa nhưng nắng nóng năm nay còn gay gắt hơn năm ngoái?

Đợt nắng nóng đang diễn ra rất gay gắt song chưa vượt qua được kỷ lục của đợt nắng nóng năm ngoái. Đợt nắng nóng từ 3-7/6/2017 ghi nhận những số liệu kỷ lục. Tại Hà Nội số liệu ghi nhận ở Trạm Láng là  41,5 độ, ở Hoài Đức là 40,5 độ, ở Sơn Tây là 41,4 độ, Ba Vì là 40,4 độ. Nơi có nhiệt độ cao nhất ghi nhận được ở Hà Nội là tại Hà Đông, nhiệt độ đạt đỉnh 42 độ (số liệu ngày 3/6/2017). Trong khi đó, nhiệt độ cao nhất ghi nhận được trong đợt nắng nóng này là 40,4 độ tại Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Tuy nhiên, nền nhiệt trung bình của tháng 6 vẫn cao hơn trung bình nhiều năm từ 1-1,5 độ. Vì vậy, người dân cảm thấy oi bức, khó chịu.

Ông nhận định như nào về đợt nắng nóng đang diễn ra?

Đợt nắng nóng này bắt đầu từ thứ 5 tuần trước (28/6), sẽ kết thúc vào 6/7 ở Bắc bộ, muộn hơn 1-2 ngày ở Bắc Trung bộ. Đây là đợt nắng nóng kéo dài nhất, gay gắt nhất từ đầu mùa hè đến nay và khả năng là đợt nắng nóng gay gắt nhất của mùa hè năm nay.

Nhiệt độ cao nhất ghi nhận được ở Bắc bộ khoảng 38-39 độ trong khi ở Bắc Trung bộ là 39-40 độ, như Chi Nê (Hòa Bình) và Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) 39.4 độ, Láng (Hà Nội) 39.1 độ, Hưng Yên 39.5 độ, Nho Quan (Ninh Bình) 39.6 độ (ghi nhận ngày 1/7). Nơi có nhiệt độ cao nhất là Tĩnh Gia (Thanh Hóa) với nhiệt độ cao nhất đo được là 40.4 độ.

Đâu là nguyên nhân của đợt nắng nóng này?

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến đợt nắng nóng gay gắt, diện rộng này là do ảnh hưởng của rìa Đông Nam vùng áp thấp nóng phía Tây với đới gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn. Sâu xa hơn là ngoài biển Đông đang có một cơn bão. Đây cũng là nguyên nhân hút gió tây nam vào.

Mưa lũ ở miền núi phía Bắc đạt kỷ lục nhiều năm

Dự báo tình hình thời tiết trong tháng 7, thưa ông?

Ngoài đợt nắng nóng kéo dài từ tháng 6 sang tháng 7 thì trong tháng này sẽ có thêm một đợt nắng nóng xuất hiện. Tuy nhiên đợt nắng nóng này có thể bớt gay gắt hơn đợt nắng nóng hiện tại.

Về mưa, khu vực Bắc bộ trong tháng 7 sẽ có mưa nhiều hơn trung bình nhiều năm. Về bão, chúng tôi dự báo sẽ có khoảng 2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hình thành trên biển Đông, một cơn bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ trực tiếp vào đất liền nước ta.

Nguy cơ về hình thái thời tiết cực đoan trong thời gian, thưa ông?

Ngay đầu mùa mưa, chúng ta đã phải đối mặt với đợt mưa lũ lớn xảy ra ở miền núi, trung du phía Bắc. Đây là đợt mưa lũ kỷ lục, nhiều năm mới gặp. Năm 2006 ở khu vực này từng xảy ra một đợt mưa lớn nhưng lượng mưa và cường độ cũng không lớn như đợt mưa vừa rồi. Năm 2006, lượng mưa trung bình ở mức 200-300 mm trong khi năm 2018 đo được 400-500 mm, thậm chí có những điểm mưa như ở Nậm Giàng, Lai Châu, lượng mưa một ngày đêm lên tới 486mm (số liệu lớn nhất từng ghi nhận là 386 mm vào năm 2006).

Mặc dù thời tiết năm nay được dự báo là tương đối ôn hòa với nền nhiệt và lượng mưa ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm song nguy cơ về các hình thái thời tiết cực đoan luôn tồn tại. Mấy năm qua cũng liên tiếp xuất hiện nhiều hình thái thời tiết cực đoan như đợt lũ tháng 10 năm ngoái khiến Thủy điện Hòa Bình phải mở 8 cửa xả lũ. Vì vậy, luôn phải đề phòng với các hình thái thời tiết cực đoan.

Xin cảm ơn ông!

Tháng 7 có 2 đợt nắng nóng, 2 cơn bão? ảnh 1

Ảnh: Ông Lê Thanh Hải,

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn

Năm nay, lũ trên sông Ðà đến đập Lai Châu cũng ghi nhận lớn nhất trong lịch sử. Năm 1971 lũ kinh hoàng xảy ra song số liệu lớn nhất ghi nhận được là 8.469 m3/s, trong khi năm nay ghi nhận là 9.360 m3/s.

MỚI - NÓNG