Tháng Ba, đồng loạt thanh tra doanh nghiệp sữa

Tháng Ba, đồng loạt thanh tra doanh nghiệp sữa
TP - Bộ Tài chính vừa quyết định trong tháng Ba này sẽ tổ chức đoàn liên ngành thanh tra tài chính các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa trên toàn quốc, Cục phó Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Vũ Công Chính vừa cho Tiền Phong biết.
Thực tế, trong điều kiện kinh tế khó khăn, một số doanh nghiệp sữa vẫn lãi rất lớn. Nếu lợi nhuận bất thường, rõ ràng có yếu tố độc quyền. Tại Mỹ một doanh nghiệp chỉ chiếm 15 phần trăm thị trường bị coi là độc quyền và buộc phải chia nhỏ ra.

“Bộ Tài chính đang chuẩn bị kế hoạch và dự kiến sẽ giao Tổng cục Thuế chủ trì. Việc thanh tra về giá chỉ một phần mà đợt này, sẽ làm tận gốc về cơ cấu giá thành, lợi nhuận của các doanh nghiệp sữa.

Điều thuận lợi là, trong tháng Ba, các công ty đều có báo cáo quyết toán tài chính năm 2008, từ đó chúng tôi sẽ làm rõ mức lợi nhuận của các doanh nghiệp”- Ông Chính nói.

Về thông tin giá sữa ở Việt Nam quá cao, ông Chính thừa nhận tình trạng này nhưng chưa kiểm soát nổi bởi nhà nước không quản lý giá sữa. Giá sữa theo cơ chế thị trường nên không có cơ sở để can thiệp vào giá của các doanh nghiệp sữa.

“Ý đồ của chúng tôi là đi kiểm tra tài chính để từ đó có phương án buộc doanh nghiệp sữa đưa ra mức giá hợp lý. Từ việc kiểm tra này, chúng ta sẽ thấy lợi nhuận, nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp sữa ra sao. Chứ ép doanh nghiệp về giá là không đủ cơ sở”- Ông Chính cho biết thêm.

Trước đó, trong cuộc làm việc với các bộ, ngành về thuế nhập khẩu sữa, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng cho biết, điều chỉnh thuế phải đi cùng với các biện pháp làm lành mạnh hóa thị trường sữa trong nước.

Do vậy, trong tháng 3, 4/2009 sẽ tổ chức đoàn kiểm tra về tài chính năm 2008 của các doanh nghiệp sữa. Bộ Tài chính cũng sẽ mời Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) tham gia đoàn thanh tra này.

Tháng Ba, đồng loạt thanh tra doanh nghiệp sữa ảnh 1
Sữa ngoại được bán tại siêu thị ở Hà Nội  Ảnh: Phạm Yên

Điều khó nhất hiện nay là chứng minh dấu hiệu hoặc bằng chứng về sự lũng đoạn của các tập đoàn sữa đa quốc gia tại thị trường Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, có tình trạng các doanh nghiệp gửi giá từ nước ngoài.

Các công ty con tại Việt Nam chấp nhận mua sữa nguyên liệu giá cao từ công ty mẹ tại nước ngoài để hợp thức hóa chứng từ, đẩy giá sữa tại Việt Nam lên cao.

Tổng giám đốc Công ty sữa Hà Nội (Hanoimilk) Trần Đăng Tuấn kiến giải, do tâm lý sính ngoại, các tập đoàn sữa đa quốc gia như Abbott, Mead Johnson, Dutch Lady… đang chi phối thị trường trong nước. Hầu hết các sản phẩm sữa này đang bán tại Việt Nam từ một nhà phân phối độc quyền. Từ sản xuất cho đến phân phối đều độc quyền nên, doanh nghiệp đưa ra mức giá bao nhiêu, người tiêu dùng cũng phải cắn răng chấp nhận. Như vậy, làm sao các doanh nghiệp khác có thể đưa sữa giá rẻ từ nước ngoài vào để bình ổn thị trường trong nước?

Khi đó lợi nhuận được chuyển cho công ty mẹ. Một cán bộ Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) nhận định thị trường sữa Việt Nam đang có yếu tố độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh.     

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn băn khoăn, trong bối cảnh mở cửa thị trường theo WTO, chúng ta không quy định hạn ngạch nhập khẩu sữa, thuế nhập khẩu rất thấp, các nước xuất khẩu sữa cũng không hề đánh thuế.

Vậy tại sao khi giá sữa thế giới rẻ mà các doanh nghiệp trong nước không nhập sữa giá rẻ về bán tại Việt Nam?

Cục Phó Cục Quản lý giá Vũ Công Chính cũng thừa nhận, các tập đoàn sữa đa quốc gia đều xác định là nhà phân phối độc quyền tại mỗi quốc gia. Vì vậy, về giá, cơ quan nhà nước không thể can thiệp được.

Họ có quyền định giá cho sản phẩm của mình mà cơ quan nhà nước chỉ còn biết đứng ngoài nhìn. Giờ đây, chỉ còn cách thanh tra tài chính, đưa ra các biện pháp chống độc quyền mới mong giải quyết được phần nào. 

MỚI - NÓNG