73 năm ngày thương binh liệt sĩ:

Tháng Bảy, ngày về: Ngôi chùa tiễn các anh về đất Mẹ

Toàn cảnh chùa Phu lam Đensavẳn, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, Lào
Toàn cảnh chùa Phu lam Đensavẳn, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, Lào
TP - Có một ngôi chùa vùng biên ấm áp mang tên Phu lam Đensavẳn thuộc huyện Sê pôn, tỉnh Savannakhet (Lào). Và đặc biệt nữa khi hàng chục năm nay, nơi vùng biên giới Quảng Trị (Việt Nam) và Savannakhet này vẫn đều đặn diễn ra, một nghi lễ tôn giáo phát nguyện từ thành tâm của bà con các bộ tộc và các bậc sư thầy nước bạn đối với sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam trên đất nước Triệu Voi. 

Một nghi lễ bình dị và ấm áp tình người không đâu trên thế giới rộng lớn và đầy bất trắc này có được. Vào dịp những đoàn xe chở hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam trước khi rời đất bạn Lào qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo về truy điệu và an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, đều dừng chân ở chùa Phu lam Đensavẳn để bà con các bộ tộc Lào và sư thầy hương khói, cầu nguyện tiễn các anh về nước.

Trên dặm dài xuyên Á, du khách từ nội địa Việt Nam xuất cảnh qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, đặt chân vào đất bạn Lào, chỉ vài cây số thôi, ngay từ chợ Ka - rôn đã có thể chiêm ngưỡng tượng Đức Phật tổ Như Lai uy nghi, đường bệ tỏa một màu vàng sáng lấp lánh trên nền xanh thẩm núi rừng thâm u vùng biên. Đây có thể là tượng Đức Phật lớn nhất vùng Nam Lào. Dưới đài sen nơi Đức Phật tĩnh tại là ngôi chùa được kết cấu theo lối truyền thống của Lào, màu vàng thắm quyện với những họa tiết hoa văn tinh xảo. Những bậc tam cấp dẫn lối lên chùa là cặp lan can hình con rắn 7 đầu, một biểu tượng đầy ý nghĩa cầu mong mang lại sự bình an cho cuộc sống con người.

Bao nhiêu lần theo các đoàn xe chở hài cốt quân tình nguyện Việt Nam vào hành lễ nơi ngôi chùa danh tiếng này, chúng tôi luôn vấn vương một nỗi cảm mến. Phải chăng sự tương đồng giữa mô hình tổ chức xã hội cổ truyền làng - nước của người Việt và mô hình tổ chức xã hội cổ truyền bản - mường của người Lào bắt nguồn từ chính nền tảng chung của văn minh nông nghiệp lúa nước ở Đông Nam Á đã đưa hai dân tộc gắn kết với nhau. Hay nhờ lòng nhân ái bao la và đời sống tâm linh phong phú, trong đó có những ảnh hưởng sâu đậm của đạo Phật mà trong cách đối nhân xử thế của mình, nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào bao giờ cũng nêu cao những phẩm chất yêu thương và hướng thiện. Đặc biệt, trong suốt nhiều thập kỷ, do có cùng một kẻ thù và cùng chung cảnh ngộ bị xâm lược và áp bức, phát huy truyền thống đoàn kết, hữu nghị sẵn có, hai dân tộc Việt-Lào đã dễ dàng đồng cảm, liên kết tự nhiên và tự nguyện phối hợp với nhau trong một sứ mệnh chung đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tiến bộ.

Tháng Bảy, ngày về: Ngôi chùa tiễn các anh về đất Mẹ ảnh 1 Sư thầy Khăm Khôn thắp hương trên bàn thờ Phật, cầu cho linh hồn các liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam siêu thoát, trở về đoàn tụ với gia đình, đồng đội

Những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam ngã xuống trên đất nước Triệu Voi những năm kháng chiến gian khổ đã góp phần tô thắm thêm tình hữu nghị đặc biệt của hai dân tộc Việt- Lào. Và bao giờ cũng vậy, khi nắm xương cốt của người nằm xuống có dịp hồi hương ấm lành nơi đất mẹ, lời  khẩn nguyện cuối cùng nơi ngôi chùa vùng biên ấm áp này là cầu chúc linh hồn các anh siêu thoát, phù hộ độ trì cho cả hai dân tộc luôn bình an, thịnh vượng, vững vàng đi lên trên chặng đường phía trước…

Thắp xong tuần nhang trên bàn thờ Phật, sư thầy trụ trì Khăm Khôn trò chuyện với chúng tôi. Hương hoa đại quấn quýt và màu trắng phớt vàng an nhiên của hoa như nhuận sắc hơn ở chốn thiền môn trang trọng. Trong câu chuyện  của sư thầy, hàng chục năm trước, ngôi chùa bề thế như giờ chỉ là một thảo am bình dị, nơi người dân quanh vùng thường đến hương khói, hành lễ. Năm 1992, chùa bắt đầu được xây dựng quy mô hơn. Rất cảm động là ngay từ lúc khởi phát công tác tìm kiếm, cất bốc, quy tập, hài cốt tà hán Việt (bộ đội Việt) thường được đưa vào chùa, lưu lại trong nhà lễ để các sư thầy cầu nguyện trước khi về đất Mẹ Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo. Một hoạt động tôn giáo đang dần trở thành một mỹ tục trân quý, tô đẹp thêm tình gắn bó keo sơn, bền chặt Lào-Việt.

Sư thầy Khăm Khôn bảo, mỗi lần thấy hài cốt tà hán Việt được quy tập nằm kề bên nhau, đội ngũ chỉnh tề trong nhà lễ, lòng sư thầy lại quặn thắt. Để có cuộc sống bình yên, hạnh phúc như bây giờ, xương máu bao thế hệ Việt- Lào đã đổ xuống, nhuộm thắm từng tấc đất, từng con suối không tên, ngọn đồi không tuổi, từ Sê Pôn, Mường Noòng- Savannakhet đến Xù Muồi, La Lay- Salavan, từ Setamuok đến Attapư, từ cao nguyên Păk Soong- Bôlôven đến Champasak…của đất nước Lào tươi đẹp.

Việc bạn cũng như việc nhà, khi trời ngả về đêm, sư thầy và các tăng ni, phật tử không một phút chợp mắt. Họ thức bên hài cốt tà hán Việt như để trao truyền sự nồng ấm khi hơi đá núi dần mờ nhòa miền biên viễn. Ngày mai thôi, các anh sẽ yên lành nơi đất mẹ, chút lưu lại chốn này như lời giã từ nơi đã bao năm bảo bọc thân xác các anh để ngày trở về trọn vẹn và sum vầy. Các sư thầy thức thâu đêm để chăm chút từng mâm ngũ quả, thắp hương lên bàn thờ Phật, bàn thờ các liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam, rồi gõ mõ, tụng kinh cầu cho linh hồn các liệt sĩ siêu thoát, trở về đoàn tụ với gia đình, đồng đội.

Sư thầy Khăm Khôn bảo, bao giờ cũng vậy, ngày mai, lúc ánh bình minh hửng sáng, các tăng ni, phật tử sẽ cùng cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và các em học sinh huyện Sê Pôn đứng dọc dài con đường cái quan để đưa tiễn hài cốt các tà hán Việt về nước trong tiếng nhạc chùa day dứt, trầm buồn. Sư thầy Khăm Khôn bảo, chỉ với những người thân yêu của bản làng, những vị có uy tín lớn của các bộ tộc, nhà chùa mới cử hành nghi lễ truyền thống thiêng liêng như thế. Khi xe đưa hài cốt tà hán Việt qua cầu biên giới Xà Ớt, chính giữa đường phân định ranh giới Việt- Lào, vậy là thời khắc xa mãi các anh rồi, trên khuôn mặt người dân hai nước Việt- Lào, mắt ai cũng ngấn lệ…

Đội quy tập hài cốt liệt sĩ 584 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị) xem ngôi chùa  Phu lam Đensavẳn như mái nhà thân yêu, như chốn đi về ấm áp nghĩa tình. Thành lập ngày 10/5/1984, hơn 30 năm qua, 584 đã làm tốt nhiệm vụ khảo sát, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh thời chống Pháp và đánh Mỹ trên đất bạn Lào về nước; phối hợp với các địa phương khảo sát, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn tỉnh. 
   Ở nước bạn Lào, đơn vị được cấp trên phân công đảm nhiệm khảo sát, quy tập trên địa bàn 3 tỉnh Khăm Muộn, Salavan và Savannakhet. Với nghĩa tình đồng đội, cán bộ, chiến sĩ Đội quy tập hài cốt liệt sĩ 584 đã vượt qua bao khó khăn, nguy hiểm, qua đèo cao vực thẳm chốn rừng thiêng nước độc để tìm kiếm, cất bốc gần 7.000 hài cốt liệt sĩ hy sinh trên nước bạn Lào về nước. 

 (Còn nữa)
MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
TPO - TIN NÓNG ngày 19/4: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ; Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ thất thoát hơn 53 tỷ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ; Biến tướng chiêu trò lừa đảo liên quan giải chạy marathon; Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố...