Tháng giêng là tháng... tiêu pha

Tháng giêng là tháng... tiêu pha
Với hội hè đình đám tiệc tùng bất tận, người Việt Nam có lẽ là người ăn Tết dài nhất thế giới. Quần quật làm lụng dành dụm cả năm mà nướng tiền vào một cái Tết, có đáng không?
Tháng giêng là tháng... tiêu pha ảnh 1
Ê hề vật phẩm dâng lên thần thánh

"Lên chùa"! "Đi hội"! "Liên hoan"! Đó là những câu trả lời mà chúng tôi nhận được nhiều nhất trong một cuộc khảo sát nho nhỏ về những dự định tháng giêng này trong giới công chức ở Hà Nội.

Giới kinh doanh đi lễ vay tiền Bà Chúa kho ở Bắc Ninh cầu tiền tài. Người cần cầu chức tước thì đi lễ khai ấn đền Trần ở Nam Định.

Công chức, giới làm việc văn phòng cũng tranh thủ dịp này để lên chùa cầu an, xin sao giải hạn, gia đình hoà thuận yên ấm, sức khoẻ dồi dào, gặp nhiều may mắn.

Chúng tôi gặp chị T.H, một nhân viên văn phòng ở Hà Nội tại chùa Hà (Cầu Giấy, Hà Nội). Chị H hồ hởi nói: "Đã đi chùa là phải mất thời gian, tranh thủ đầu năm mình đi một thể mấy chùa luôn".

Ngoài chùa Hà, chị đã "đi tour" được từ đền Mẫu Địa, phủ Tây Hồ (Hà Nội), bia Bà (La Khê, Hà Đông), chưa kể đình, chùa gần nơi chị ở!

Còn hội hè ư? Đã có hội Gò Đống Đa, hội Cổ Loa - đền Gióng (Hà Nội), hội Chùa Hương (Hà Tây), hội Yên Tử (Quảng Ninh) hội Lim (Bắc Ninh)... rải từ mồng 5 Tết đến rằm tháng giêng, tha hồ cho các vị du xuân.  

"Ai bảo có xe ôtô là sướng. Tôi bảo rằng có xe còn khổ hơn... lái taxi!". Đó là câu than của rất nhiều người "không may" được sở hữu thứ tài sản nhiều người mơ ước: một chiếc ôtô.

Thủ tướng cấm sử dụng xe công đi việc tư, và thế là các sếp đua nhau "hạt điều" những nhân viên có xe.

T - một nhân viên - cho biết, chỉ trong 4 ngày từ mồng 3 - 7 Tết anh đã phải đi liên tục các địa điểm Đá Chông (Ba Vì), đền Hùng (Phú Thọ), chợ Viềng (Nam Định) và Bà Chúa Kho (Bắc Ninh).

Lý do là các sếp thấy anh có xe riêng nên không ngại ngần "nhờ một tý". Từ chối thì không tiện, còn đi thì quá vất vả.  

Tiền... ra như nước

Những "thủ tục" lễ lạt, hội hè, tụ tập chơi xuân này không chỉ là tiền đề cho sự lãng phí tiền bạc và thời gian một cách đáng ngại. Dân tình đi trảy hội nhiều, dịch vụ "chặt chém" được thể càng bung ra.

Dãy các gian hàng bán đồ lễ trước cửa chùa Hà ngày thường buồn như chấu cắn, nay nhộn nhịp hẳn lên. Một lễ - chỉ gồm một thẻ hương và sấp mỏng tiền đôla âm phủ, vàng mã - mồng một, ngày rằm thông thường cũng chả mấy khi bị hét giá quá 1.000đ, nay đội giá lên gấp ba. Hoa hồng, hoa quả, cây lá vàng lá bạc cũng ở tình trạng "giá thăng thiên" tương tự.

Ông đồ viết sớ (bằng bút bi) mỏi tay cũng không chịu kém, treo biển 3.000đ/ một lá sớ, 10.000đ/ ba lá (vì không có tiền lẻ trả lại)!

Muốn đổi lấy 10.000đ tiền lẻ làm công đức cho chùa, xin mời du khách bỏ ra 20.000đ..., quả là một dịch vụ hái ra tiền.

Lên chùa cốt ở thành tâm, mỗi người chỉ cần thắp một nén hương. Hầu như chùa nào cũng phải có một bảng thông báo mang nội dung tương tự, và cắt cử ít nhất một người chỉ chuyên làm công việc rút bớt hương mà khách thập phương đốt quá nhiều.

Thế nhưng dường như thế nhân chẳng đếm xỉa đến lời đề nghị. Hương vẫn đốt hàng nắm, khói bốc mù mịt, ngạt thở. Còn lò hoá vàng mấy ngày Tết đỏ lửa từ sáng đến tối.

Một bác bảo vệ chùa Hà, vừa luôn tay gom những thẻ hương, hoa hồng du khách để lại trên ban thờ, vừa than: "Suốt từ 25 Tết đến giờ, ngày nào chúng tôi cũng làm việc từ 5 giờ sáng đến 8 giờ tối. Ai đi chùa cũng sắm sanh nhiều đồ lễ, rồi cũng chỉ để mang tiền vàng ấy đốt đi. Trong khi số tiền đã bị hoá ấy thừa sức đủ để chúng tôi xây được thêm một ngôi chùa nữa".

Tháng giêng là tháng... tiêu pha ảnh 2

Tang vật của một vụ bài bạc trong dịp xuân Bính Tuất

Còn tại phủ Tây Hồ, vào những ngày cuối năm, người ta phải đứng cách lò hoá vàng đến 2m vì sức nóng toả ra quá lớn.

Vậy là cảnh nực cười diễn ra, khách thập phương thay vì cầm tiền, vàng của "Ngân hàng Địa phủ" thành kính đốt ít một, lẩm nhẩm khấn vái - thì lại ôm cả cục trên tay, chạy ù vào, vội vàng ném vào lò hoá rồi chạy ra. Tro than bay lên trời cả chục mét vì sức nóng ngùn ngụt của hàng chục nghìn tờ giấy, cốt tre đang hoá.

Bình thường khách vào chùa chỉ mua một lễ tiền vàng 6.000đ, nay đua nhau mua "vàng chỉ, vàng tâm" (những loại vàng mã được "chế tạo đặc biệt" để bán ngày Tết), đôla, tiền mã loại 500.000đ. Một lễ đó có giá trung bình từ 150 - 200.000đ, đem nhân với hàng vạn lượt người đi lễ chùa mỗi ngày, quả là một con số kinh khủng.

Những ngày này, vào các "chốn ăn chơi" mới thấy "nhu cầu tiêu tiền" của "dân tình" cao đến mức nào. Những vũ trường, quán bar, karaoke lớn ở Hà Nội như New Century, Hale, Samba, Jaguar... tối nào cũng chật ních người.

Hoa quả, rượu bia... được tiêu thụ đến chóng mặt. Nhiều chiêu khuyến mãi, quay thưởng cũng được tung ra nhằm thúc đẩy khách "mạnh chi" hơn.

"Chúng ta không có truyền thống coi tháng giêng là tháng ăn chơi".

Nhà nghiên cứu Tô Ngọc Thanh

Tại New Century, đêm 5/2, nhân viên tiếp thị rượu Label phát vé quay thưởng cho khách sử dụng sản phẩm của hãng, giải thưởng 100 triệu đồng. Ngay lập tức, các "đại gia" và "tiểu đại gia" Hà Thành hưởng ứng nhiệt liệt.

Mỗi chai rượu Label đặt lên bàn có giá 1 triệu, cứ 2 chai tặng 1. Có những bàn đứng dậy thanh toán cả chục triệu. Người trúng giải hôm đó cũng "chơi đẹp" bằng cách tặng luôn 60 chai John Label cho khách cùng chơi trong sàn. Dĩ nhiên là được hưởng ứng nhiệt liệt. 

Rõ ràng, giải trí, giải toả và thư dãn là những nhu cầu chính đáng của con người sau một thời gian dài làm việc căng thẳng. Thế nhưng chơi xuân cũng cần có sự tiết chế để tránh làm tổn hại ghê gớm đến sức khoẻ, tinh thần và cả tiền bạc.

Theo Lao Động

MỚI - NÓNG