Tháng hành động là tháng ngộ độc

Tháng hành động là tháng ngộ độc
TP - Tháng hành động vệ sinh an toàn thực phẩm triển khai từ 15/4 đến 15/5/2008 là thời điểm số vụ ngộ độc thực phẩm gia tăng cả về người mắc và tử vong.

Báo cáo tổng kết chương trình mục tiêu quốc gia vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) năm 2008 diễn ra tại TPHCM ngày 31/3 khiến Bộ Y tế cho rằng, ngành Y tế rầm rộ tuyên truyền và triển khai nhiều hoạt động... nhưng ngộ độc thực phẩm vẫn gia tăng.

“Năm 2008 số vụ ngộ độc thực phẩm giảm nhưng số người mắc và tử vong tăng cao. Trong năm xảy ra 205 vụ nhưng số mắc là 7.828 người, số tử vong là 61”- Ông Nguyễn Công Khẩn- Cục trưởng Cục VSATTP cho biết.

Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm theo ông Khẩn là do vi sinh vật (16 vụ), hóa chất (1 vụ), độc tố tự nhiên (52 vụ) và không rõ nguyên nhân 136 vụ. 

Trong tháng hành động vì chất lượng VSATTP (15/4-15/5/2008) lại là tháng mà số vụ, số người mắc và tử vong tăng đột biến. Trong tháng Tư xảy ra 24 vụ ngộ độc làm 791 người mắc và 13 người tử vong; tháng Năm xảy ra 31 vụ làm 607 người mắc, làm 11 người tử vong.

Quả bóng trách nhiệm

Từ nhiều năm nay khi ngộ độc xảy ra vẫn chưa có cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm. “Mặc dù có văn bản quy định việc quản lý về VSATTP nhưng chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm từ sản xuất, chế biến đến tiêu dùng nên xảy ra tình trạng mất vệ sinh”- một quan chức Bộ Y tế nói.

Hàng loạt tồn tại khác cũng được Bộ Y tế chỉ rõ như có vài ngàn tiêu chuẩn về thực phẩm song, đến năm 2006, Việt Nam mới ban hành có 861 tiêu chuẩn về sản phẩm, trong đó có 673 tiêu chuẩn về thực phẩm. Số chỉ tiêu lạc hậu chiếm gần nửa.

Thành lập chi cục ATVSTP trên 63 tỉnh, thành trước tháng sáu

Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn tại Hội nghị Tổng kết chương trình mục tiêu Quốc gia VSATTP năm 2008 và triển khai kế hoạch năm 2009.

Ông Huấn cho biết, tháng ATVSTP (từ 15/4 đến 15/5/2009) cam kết: Nhà quản lý-doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng có trách nhiệm đảm bảo VSTP; nâng cao năng lực kiểm nghiệm.

MỚI - NÓNG