<FONT face=Tahoma>Trong quá trình đàm phán, nhiều người đã trở thành bạn của Việt Nam</FONT>

Thắng lợi của đổi mới

Thắng lợi của đổi mới
TP - Đúng 6 giờ sáng qua (29/10), Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển  về đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) và có cuộc trò chuyện cởi mở theo đúng phong cách của ông với các nhà báo xung quanh quá trình đàm phán gia nhập WTO...
Thắng lợi của đổi mới ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển vừa trở về từ Geneva tại Nội Bài sáng 29/10/2006

Câu đầu tiên mà Bộ trưởng nói với báo giới là: Toàn bộ quá trình đàm phán đã kết thúc, toàn bộ văn kiện đàm phán đã được Ban công tác về việc Việt Nam (VN) gia nhập WTO thông qua. Về cơ bản Ban công tác đã hoàn thành nhiệm vụ của mình và giải tán sau đó.

Trước sau gì Hoa Kỳ cũng sẽ thông qua PNTR cho VN

Thưa Bộ trưởng, công việc tiếp theo sẽ là…?

Ngày 7/11 tới đây, bộ văn kiện của chúng ta sẽ được trình lên Đại hội đồng WTO để bỏ phiếu thông qua. Thông thường thì chưa có trường hợp nào trình văn kiện lên Đại hội đồng mà bị “gạt” ra.

Tuy nhiên có thể một thành viên nào đó trong WTO, mặc dù không phản đối việc WTO kết nạp VN, nhưng thành viên này có quyền tuyên bố là sẽ không áp dụng Nghị định thư về việc gia nhập WTO của VN, trong trường hợp đó VN sẽ không được thành viên này đối xử như với các thành viên khác trong WTO.

Còn VN cũng có quyền không cho thành viên này được hưởng những cam kết của VN. Nếu như tới đây Hoa Kỳ vẫn chưa thông qua Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho VN, thì nước này sẽ phải tuyên bố không áp dụng Nghị định thư của VN như đã nói ở trên.

Một thông tin được tiết lộ mới đây từ Phòng thương mại Mỹ tại T.P HCM cho hay, Mỹ có thể xem xét việc thông qua PNTR cho VN vào đúng ngày 7/11 tới đây?

Tôi tin là trước sau gì Mỹ cũng sẽ thông qua PNTR cho VN, vì đó là quyền lợi của chính họ chứ không chỉ có quyền lợi của VN. Trước mắt, khi Mỹ chưa trao PNTR cho VN, về mặt kinh tế sẽ khiến VN chưa được hưởng những lợi ích trực tiếp từ việc bãi bỏ quota dệt may vào thị trường Mỹ, nhưng ngược lại Mỹ cũng không được hưởng những quyền lợi từ cam kết gia nhập WTO của VN.

Theo tôi, quyền lợi của Hoa Kỳ là lớn hơn, nói riêng về mặt chính trị, động thái trao PNTR cho VN sẽ nâng quan hệ Việt - Mỹ lên tầm cao mới, đánh dấu bước hoàn toàn bình thường hóa quan hệ giữa hai nước… Về “mốc” thời gian cụ thể thì tôi không dám khẳng định, vì có lẽ nội bộ Mỹ còn phải thuyết phục nhau…

8 năm, 2 tháng, và 26 ngày đàm phán

Xin Bộ trưởng cho biết nội dung chủ yếu của vòng đàm phán đa phương cuối cùng diễn ra vào ngày 26/10 vừa qua?

Trên thực tế vòng đàm phán này không có gì phức tạp, chỉ có các đề xuất sửa chữa ngôn từ do một số đối tác đàm phán đưa ra, mà những ngôn từ đó không hề làm thay đổi nội dung đàm phán lâu nay nên Đoàn đàm phán của Chính phủ VN đã nhanh chóng chấp nhận.

Trong quá trình đàm phán, nhiều người đã trở thành bạn của Việt Nam

“...Tôi còn nhớ mình đã lo lắng ra sao khi tham dự vòng đàm phán đầu tiên của VN tại trụ sở WTO... 8 năm 2 tháng và 26 ngày đã trôi qua, hôm nay tôi đã vững dạ hơn nhiều khi có mặt tại vòng đàm phán cuối cùng này.

Sau 14 vòng đàm phán chính thức và không chính thức, phiên làm việc cuối cùng này đã thực hiện một công việc là thông qua hàng ngàn câu trả lời, hàng ngàn trang tài liệu, và vô số điều luật cũng như qui định của việc VN gia nhập WTO.

Trước đó, đã có hàng nghìn cuộc thương lượng song phương giữa các đối tác với Đoàn đàm phán VN. Kết quả toàn bộ tiến trình đàm phán của VN đã được thông qua, gồm những cam kết có thể được áp dụng rộng rãi trong việc tiếp cận thị trường hàng hóa và dịch vụ, cũng như việc ủng hộ những nguyên tắc và chuẩn mực của hệ thống thương mại toàn cầu.

Chúng tôi hy vọng những cam kết này sẽ giúp VN tiếp tục đà phát triển kinh tế, đặt nền móng vững chắc cho sự hợp tác với các thành viên của WTO trong những năm tới.

Đã có thể hoàn tất việc đàm phán gia nhập WTO, chúng tôi chân thành cảm ơn thiện chí, sự hợp tác và ủng hộ của tất cả các bạn... Trong toàn bộ quá trình đàm phán gia nhập, nhiều người đã trở thành những người bạn thân thiết với Việt Nam...”.

Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển (Phát biểu tại phiên sau cùng của Vòng đàm phán thứ 14 về việc gia nhập WTO của Việt Nam. Geneva, 26/10/2006)

Như vậy, vòng đàm phán đa phương cuối cùng chỉ diễn ra theo hình thức, nhưng vì sao vị “tư lệnh” đàm phán là Bộ trưởng vẫn có mặt?

Có hai lý do. Thứ nhất, vào thời điểm cuối của quá trình đàm phán kéo dài 11 năm, có thể một số đối tác đàm phán sẽ lợi dụng tâm lý của nước xin gia nhập nhằm đặt ra những yêu cầu mới, nên tôi đã có mặt bên cạnh Đoàn đàm phán để sẵn sàng xử lý.

Thứ hai, khi VN chính thức đàm phán gia nhập WTO, tôi đã có một bài phát biểu ở phiên khai mạc, nên tại phiên cuối cùng này tôi cũng có một bài phát biểu kết thúc.

Bộ trưởng có suy nghĩ gì về quá trình đàm phán 11 năm qua?

Nói 11 năm, là kể từ khi VN nộp đơn xin gia nhập WTO vào tháng 11/2004, nhưng quá trình đàm phán chỉ chính thức bắt đầu khi chúng ta trình bị vong lục về chính sách kinh tế thương mại.

Sau khi các thành viên WTO đọc và lưu chuyển bị vong lục này, thì “người ta” mới bắt đầu đặt ra các câu hỏi cho VN. Lần đầu tiên, tôi nhớ có hơn 2.000 câu hỏi đã được gửi đến, lúc bấy giờ tôi cũng bắt đầu làm Bộ trưởng Thương mại.

Các câu hỏi được chuyển cho các bộ, ngành trả lời theo lĩnh vực chuyên môn, và Thủ tướng giao cho Bộ trưởng Thương mại xem xét, ký duyệt vào phần trả lời trước khi gửi đến WTO. VN đã có phiên họp đầu tiên với Ban công tác cách đây đúng 8 năm, 2 tháng, 26 ngày, và tại phiên họp này tôi đã có bài phát biểu như đã nói ở trên.

Quá trình đàm phán của chúng ta rất dài, có nhiều phiên diễn ra căng thẳng, đặc biệt là trong đàm phán song phương với những đối tác lớn, còn đàm phán đa phương căng thẳng nhất là ở phiên “áp chót” lần trước. Tại phiên này, chúng ta đã giải quyết cơ bản những vấn đề còn lại.

Quá trình đàm phán lâu dài và khó khăn đó, một mặt thể hiện nỗ lực của VN không chỉ ở trên bàn đàm phán mà còn ở nỗ lực cải cách thể chế kinh tế, mặt khác tới đây với việc gia nhập WTO chúng ta sẽ đạt được giấy chứng nhận quốc tế về cải cách kinh tế.

Quan điểm của chúng ta là lấy cải cách trong nước để hội nhập bên ngoài. Việc VN gia nhập WTO có thể coi là thắng lợi của đổi mới.

11 năm là bình thường

Đàm phán có nhiều khó khăn nhưng các đối tác đàm phán khó khăn nhất là ai, thưa Bộ trưởng?

Mỗi đối tác đàm phán đều có yêu cầu riêng, với mục đích tìm cơ hội để doanh nghiệp và hàng hóa của họ xâm nhập vào thị trường VN. Đòi hỏi trên bàn đàm phán của những đối tác nhỏ tuy diện không rộng, nhưng chiều sâu của đòi hỏi ở một số lĩnh vực rất cao.

Tuy nhiên, những nền kinh tế mạnh và có quan hệ giao thương lớn với VN thường có đòi hỏi cao hơn, như Trung Quốc, EU, Nhật Bản, nhất là Hoa Kỳ…

Đàm phán với EU, tôi có 3 đêm liền không ngủ, đàm phán với Hoa Kỳ cũng vậy và với đối tác này đã nhiều lần tôi đứng dậy bỏ ra khỏi bàn đàm phán. Việc bỏ đi như vậy không hẳn là chiến thuật đàm phán, mà là tôi phản ứng thực sự trước những đòi hỏi không thể chấp nhận được.

Theo Bộ trưởng thì thời gian 11 năm đàm phán là nhanh hay chậm?

Đàm phán gia nhập WTO có đặc thù riêng, là đàm phán một chiều, ví như WTO có quy định là thuế ở mức này, “ông” thích vào thì phải giảm thuế, nghĩa là “người ta” đòi hỏi mình chứ mình không có quyền đòi hỏi.

Hiện nay, Tonga cũng sắp sửa gia nhập WTO, nếu VN vào sớm thì VN là thành viên thứ 150, còn nếu vào sau thì Tonga vào trước lại có quyền đòi hỏi VN. Nhìn chung càng gia nhập WTO muộn thì đòi hỏi càng nhiều hơn và “chuẩn” gia nhập cũng cao hơn.

Tuy nhiên, 11 năm đàm phán của VN là bình thường, nước láng giềng Trung Quốc đàm phán mất 14 năm, nước Nga đàm phán 13 năm chưa xong… Như tôi đã có lần ví việc vào WTO như cưới vợ, lấy sớm thì có thể tìm hiểu nhau chưa kỹ, lấy muộn thì tuổi cao rồi, vấn đề là lấy vợ ở thời điểm thích hợp.

Vào năm 2005, khi tôi nói là cơ hội gia nhập WTO vào thời điểm đó rất mong manh, có đồng chí lãnh đạo cấp trên tôi tỏ ra không hài lòng, nhưng thực tế đã chứng minh là đàm phán rất phức tạp, không làm khác được, nếu chúng ta cứ đặt cho mình “mốc” thời gian để “neo” vào đó thì các đối tác sẽ gây sức ép và những cam kết của chúng ta sẽ rất bất lợi.

Năm 2005, khi công du Hoa Kỳ, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải có ý muốn kết thúc đàm phán song phương với Hoa Kỳ, mong muốn đó là hoàn toàn chính đáng, tuy nhiên tôi đã nói với nguyên Thủ tướng là “nếu chúng ta muốn hoàn tất đàm phán trong đợt công du này, thì tất cả những công việc chúng ta đang làm hiện nay phải làm từ trước đây 1 năm”.

Thắng lợi của đổi mới ảnh 2
Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự (phải), Trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam tại Geneva

Đúng là tháng 6/2005, nguyên Thủ tướng công du Hoa Kỳ thì tháng 6/2006 chúng ta mới kết thúc đàm phán song phương với nước này.

Tháng 11 sẽ công bố toàn văn cam kết trên Internet

Bao giờ những cam kết đàm phán sẽ được công bố, thưa Bộ trưởng?

Vấn đề bây giờ không phải là thời gian mà là cách thức công bố. Toàn bộ văn kiện cam kết đều tiếng Anh, như vậy các bộ phận chuyên môn phải có thời gian để chuyển ra tiếng Việt.

Nói cách thức vì bộ văn kiện cam kết rất “dày”, riêng báo cáo của Ban công tác đã dài mấy trăm trang, hoặc là cam kết về hàng hóa và dịch vụ dài khoảng 5 trăm trang.v.v...

Như vậy vấn đề là công bố thế nào để mọi người có thể hiểu được, chắc chắn là trong tháng 11 tới đây sẽ công bố toàn văn trên Internet, nhưng với những cam kết mấu chốt nhất thì phải làm rõ, làm thật ngắn gọn, rồi công bố sao cho các doanh nghiệp và mọi người dân đều có thể hiểu được.

Được biết hiện nay, Ban văn kiện WTO do Bộ trưởng đứng đầu đang tích cực làm việc, để trong thời gian sớm nhất làm tờ trình gửi sang Chủ tịch nước và sau đó chuyển bộ văn kiện tới Quốc hội thảo luận và phê chuẩn?

Bộ văn kiện này đề cập đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế-xã hội của VN, trong đó chúng tôi cũng sẽ có báo cáo thật đầy đủ về các vấn đề liên quan, nêu bật các cơ hội, làm rõ những thách thức, đặc biệt là những nội dung hành động tới đây của chúng ta.

Bên cạnh những công việc của Nhà nước và Quốc hội, tôi được biết tới đây Hội nghị T.Ư Đảng lần thứ 4 cũng sẽ nghe Chính phủ báo cáo về việc gia nhập WTO, nhằm đưa ra những quyết sách mới bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước sau khi vào WTO.

Bản thân Bộ trưởng có nhận định gì về những cơ hội và thách thức?

Cơ hội tự nó không biến thành lực lượng ở trên thị trường, cơ hội chỉ có thể phát huy được thông qua hoạt động của các chủ thể, mà chủ thể ở đây không chỉ có các doanh nghiệp...

Lâu nay, chúng ta thường nói vào WTO sẽ có cạnh tranh giữa sản phẩm và sản phẩm, cạnh tranh giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp, nói vậy đúng nhưng chưa đủ, còn vấn đề quan trọng nữa là cạnh tranh giữa Nhà nước và Nhà nước.

Nhà nước có tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh tốt cho các thành phần kinh tế trong nước hay không, môi trường hấp dẫn đầu tư nước ngoài hay không, sẽ quyết định tới sức cạnh tranh của các sản phẩm, của các doanh nghiệp.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

MỚI - NÓNG