Thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém

Bác Hồ điều khiển máy cấy tại trại thí nghiệm lúa thuộc Sở Nông Lâm Hà Nội, năm 1960. Ảnh: Mai Nam.
Bác Hồ điều khiển máy cấy tại trại thí nghiệm lúa thuộc Sở Nông Lâm Hà Nội, năm 1960. Ảnh: Mai Nam.
TP - Theo PGS.TS Hồ Trọng Hoài, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, cán bộ phải là người miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác. Còn nếu cán bộ “miệng thì tuyên truyền bảo người ta siêng làm, mà mình thì ăn trưa, ngủ trễ; bảo người ta tiết kiệm, mà mình thì xa xỉ, lung tung, thì tuyên truyền một trăm năm cũng vô ích”.

Tại Hội thảo khoa học quốc gia “Tư tưởng Hồ Chí Minh - Giá trị nhân văn và phát triển” do Ban Tuyên giáo T.Ư, Văn phòng T.Ư Đảng và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, trong Báo cáo đề dẫn Hội thảo, GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, giá trị nhân văn và phát triển trong tư tưởng Hồ Chí Minh về động lực của cách mạng Việt Nam chính là nhân dân.

“Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân nhưng Đảng không phải từ trên trời sa xuống mà Đảng ra đời và phát triển trong lòng xã hội, từ trong nhân dân, do nhân dân nuôi dưỡng, che chở và bảo vệ, giành được thắng lợi là do phát huy được vai trò và sức mạnh của quần chúng nhân dân. Vì vậy, Đảng phải luôn gắn bó máu thịt với nhân dân. Cách xa dân chúng, không liên hệ chặt với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”.

Theo GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định, gắn bó với nhân dân không phải là vấn đề sách lược trong một thời điểm lịch sử nhất định, càng không phải nhằm lợi dụng lòng tin và sức mạnh của nhân dân để thực hiện mục đích của giai cấp mình mà là một thuộc tính bản chất của Đảng Cộng sản, là cơ sở xã hội cho sự tồn tại và phát triển của Đảng. Cán bộ, đảng viên phải luôn luôn ghi nhớ mình vừa là người lãnh đạo, cũng đồng thời là “công bộc”, là “đầy tớ” của nhân dân, phải luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết.

Trong tham luận gửi đến Hội thảo, PGS.TS Hồ Trọng Hoài, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh, trong di sản lý luận vô cùng phong phú, sâu sắc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta, vấn đề cán bộ chiếm một vị trí rất quan trọng. Người khẳng định “cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”.

“Theo Người, không có độc lập trong tư duy tất yếu sẽ lệ thuộc, sa vào chủ nghĩa giáo điều hay kinh nghiệm và rút cuộc sẽ thất bại trong hành động. Trong cuộc đời của Người cũng như trong quá trình lãnh đạo cách mạng, độc lập và sáng tạo luôn đồng hành” .  

PGS.TS Hồ Trọng Hoài

PGS.TS Hoài cũng khẳng định, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cán bộ phải là người có phong cách mẫu mực với những dấu hiệu như tư duy độc lập, sáng tạo. “Theo Người, không có độc lập trong tư duy tất yếu sẽ lệ thuộc, sa vào chủ nghĩa giáo điều hay kinh nghiệm và rút cuộc sẽ thất bại trong hành động. Trong cuộc đời của Người cũng như trong quá trình lãnh đạo cách mạng, độc lập và sáng tạo luôn đồng hành. Nhờ đó Người đã vạch đường, chỉ lối dẫn dắt dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, hạn chế được nhiều tổn thất cho cách mạng”, PGS.TS Hoài nêu rõ.

Ngoài ra, theo PGS.TS Hoài, sự mẫu mực còn phải thể hiện qua sự thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành, lời nói gắn liền với hành động. “Nói đi  đôi với làm không chỉ là một phẩm chất đạo đức, phẩm chất chính trị mà còn là phong cách của người cán bộ cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, cán bộ phải miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác. Với những cán bộ “miệng thì tuyên truyền bảo người ta siêng làm, mà mình thì ăn trưa, ngủ trễ; bảo người ta tiết kiệm, mà mình thì xa xỉ, lung tung, thì tuyên truyền một trăm năm cũng vô ích”.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.