Do Thái ký sự Kỳ 4:

Thánh địa Jerusalem

Bức tường Than Khóc Ảnh : Việt Hùng
Bức tường Than Khóc Ảnh : Việt Hùng
TP - Về mặt địa lý dù vẫn thuộc châu Á, song Israel, mảnh đất của người Do Thái lại rơi đúng vào điểm giao thoa của 3 châu lục Á - Âu - Phi. Nhìn trên bản đồ, Jerusalem như một chấm nhỏ nằm chính tâm quả địa cầu vậy. Chỉ rộng chưa đầy một cây số vuông, song thành cổ Jerusalem lại được cả 3 tôn giáo lâu đời nhất trên thế giới, Do Thái giáo, Hồi giáo và Ki tô giáo coi là thánh địa từ hàng ngàn năm nay.

Như vậy, Jerusalem, xét cả về vị trí địa lý lẫn tâm linh, tự nó đã là “tâm điểm” của thế giới, ít ra là đối với hai phần ba nhân loại rồi còn gì ? Cái thành phố kỳ lạ nhất thế giới này luôn là đích đến, là niềm khát khao, dù chỉ một lần trong đời được đặt chân đến, của hàng tỷ người mộ đạo trên khắp hành tinh.

Vùng đất thiêng của cả 3 tôn giáo

Tôi tới mảnh đất tranh chấp Jerusalem sát thời điểm rất “nhạy cảm”, Mỹ chuẩn bị dời Đại sứ quán của mình về đây, một hành động biểu thị sự công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Trước đó một hai tuần, Mỹ và liên quân cũng vừa nã cả trăm tên lửa vào nước láng giềng Syria. Cuộc nội chiến Syria, không khí thù địch căng thẳng giữa Iran và Israel, sự phản kháng của người Palestine từ Đông Jerusalem…

Tất cả khiến tôi chủ quan nghĩ rằng, thời điểm “sặc mùi thuốc súng” này sẽ ít người tìm đến nơi đây. Không! Tôi đã nhầm, du khách từ khắp nơi trên thế giới vẫn nườm nượp đổ về Jerusalem. Tôi chen chân trên những con hẻm nhỏ lát đá cổ kính tuyệt đẹp, giữa dòng người trải dài như bất tận, để lần về những dấu tích xưa hàng ngàn năm tuổi…

Không nơi nào trên thế giới có mật độ di tích và đền đài tôn giáo dày đặc như ở đây. Cũng chả có nơi nào trên thế gian này, cùng lúc bạn bắt gặp sự hiện diện của nhiều loại sắc phục tôn giáo đến vậy. Giữa trưa, trời nắng nóng nhễ nhại mồ hôi, ấy vậy mà xung quanh tôi, những thầy tu mũ cao áo dài đạo mạo với bộ râu rậm đặc trưng vẫn ung dung sải bước trên miền đất thánh.

Nơi đây, Nhà thờ Thiên chúa chen vai thích cánh với đền thờ Hồi giáo cùng Giáo đường Do Thái, với đủ loại mái vòm đặc trưng cho từng loại tôn giáo.  Đứng dưới chân núi Olives, ngay mặt tiền của nhà thờ công giáo Mount of Olives (hay còn gọi là Nhà thờ mọi dân tộc), bạn có thể phóng tầm mắt để nhìn toàn cảnh một Jerusalem cổ kính 3.000 năm tuổi có từ thời vua David và Solomon lẫy lừng một thời của người Do Thái.

Ngay phía sau nhà thờ này là Vườn Gethsemani, nơi  Chúa Giêsu và các tông đồ đã cầu nguyện trong đêm trước khi Ngài bị bắt đem đi đóng đinh vào cây thập giá. Kế bên Vườn Gethsemani là Nhà thờ thánh Maria Magdalena của Chính Thống giáo Nga với các mái vòm hình củ hành rất đặc trưng. Song nổi bật nhất vẫn là cái mái vòm mạ vàng lộng lẫy của đền thờ Hồi giáo Dome of the Rock (Đền thờ Đá) trên núi Đền. Nơi đây, người Hồi giáo tin rằng nhà tiên tri Mohammed, người sáng lập ra đạo Hồi đã bay lên Thiên đường từ một tảng đá, nay đặt ở trung tâm Đền thờ Đá.

Tảng đá này, theo người Do Thái cũng là nơi Chúa trời lấy bụi để tạo ra con người đầu tiên là Adam. Trớ trêu thay, nơi xây dựng Đền thờ Đá của đạo Hồi lại chính là nền ngôi đền thứ nhất và ngôi đền thứ hai cực kỳ linh thiêng của người Do Thái. Ngôi đền đầu tiên do vua Solomon xây dựng vào khoảng thế kỷ 10 trước Công nguyên, là trung tâm phụng thờ của Do Thái giáo cổ.

Ngôi đền thứ nhất bị phá hủy bởi những người Babylon vào năm 586 TCN, và 70 năm sau ngôi đền thứ hai được xây dựng lại trên nền móng ngôi đền thứ nhất. Tuy nhiên tới năm 70 SCN, ngôi đền thiêng thứ hai của người Do Thái lại bị san phẳng bởi người La Mã. Ngày nay, vết tích còn lại duy nhất của ngôi đền thứ hai chính là bức tường phía Tây, hay còn gọi là Bức tường Than Khóc.

Than khóc suốt hai ngàn năm

Hàng năm người Do Thái tới bức tường phía Tây này để cầu nguyện và than khóc cho sự sụp đổ của ngôi đền, cho sự tha hương không tổ quốc và bị bức hại của dân tộc mình suốt 2.000 năm qua. Nếu như Jerusalem được coi là trung tâm tâm linh của người Do Thái, thì Bức tường Than Khóc lại là một trong những trung tâm tâm linh quan trọng nhất của họ ở Jerusalem.

Thật ra, phần còn lại của Bức tường không lớn lắm, chúng được chia làm hai khu vực cầu nguyện, một bên dành cho nam và một bên dành cho nữ. Tôi đến đây vào đúng giữa trưa, nắng nóng Địa Trung Hải dội thẳng xuống đầu nóng rát. Thế nhưng, quảng trường phía trước Bức tường vẫn rất đông đúc. Mũ sợ chúa được cung cấp miễn phí trước khi bạn tiếp cận bức tường để cầu nguyện. Một đồng nghiệp người Ác-hen-ti-na đi cùng ngỏ lời nhờ tôi chụp cho một “phóng sự ảnh” ghi lại toàn bộ quá trình anh cầu nguyện để về “báo cáo” vợ. Không tiện hỏi, nhưng tôi đoán anh là người theo đạo, bởi cái cách anh nắn nót ghi những dòng chữ gì đó lên một mảnh giấy nhỏ rồi nhét lên khe tường, đôi mắt khép lại đầy thành kính, hai tay bám chặt lên bức tường trước mặt, miệng lẩm nhẩm cầu nguyện… đã nói lên tất cả.

Thánh địa Jerusalem ảnh 1  Cầu nguyện trên phiến đá thiêng tại Nhà thờ Mộ chúa    

Còn với người theo đạo Thiên Chúa, Nhà thờ Mộ Chúa ở Jerusalem chính là một trong những nơi linh thiêng nhất (được xây dựng lần đầu vào năm 333). Đây là địa điểm hành hương chính hằng năm của hàng triệu người theo Thiên Chúa trên toàn thế giới, họ mong ước được đến nơi đây để cầu nguyện trước mộ Chúa Jesus. Đặc biệt, bên trong nhà thờ có một phiến đá cổ, thứ mà bất cứ con chiên nào cũng ao ước một lần trong đời được chạm vào báu vật tâm linh này. Theo kinh thánh, đây chính là phiến đá mà Chúa Jesus đã nằm sau khi Ngài được khênh xuống từ trên cây thánh giá bị đóng đinh.

Nhà thờ Mộ Chúa khá nhỏ nhưng dòng người đến thăm viếng thì bất tận, phiến đá thiêng lúc nào cũng đông nghịt con chiên đứng chờ tới lượt. Họ thành kính quỳ xuống, hai tay đặt lên phiến đá, nhiều người cúi gập đầu như muốn ôm lấy phiến đá thiêng để cầu nguyện. Đứng giữa biển người tràn đầy đức tin từ khắp nơi trên thế giới giữa Nhà thờ Mộ chúa này, bỗng chốc kẻ ngoại đạo là tôi cảm thấy mình lạc lõng…

         (Còn nữa)

 

Thành cổ rộng 0,9 km2 nằm ở phía Ðông trong lòng thành phố Jerusalem hiện đại ngày nay. Chúng được bao bọc bởi những bức tường thành cao từ 12-15m, dày 2,5-3 m, dài khoảng 4 km. Thành cổ được chia thành bốn khu vực, gồm: Khu Hồi giáo, Khu Kitô giáo, Khu Do Thái, và Khu Armenia.

>>Do Thái ký sự: Từ Tel Aviv tới Jaffa<<

>> Do Thái ký sự: Tối thứ sáu kỳ lạ ở Tel Aviv<<

>> Do Thái ký sự: Ăn uống kỹ tính như người Do Thái<<

>> Do Thái ký sự: Thánh địa Jerusalem<<

>> Do Thái ký sự: Thiên đường cho người khuyết tật<<

>> Do Thái ký sự: Công nghệ cho người khuyết tật<<

MỚI - NÓNG