Thanh Hóa: Cần tận dụng lợi thế chiến lược để tạo môi trường đầu tư thuận lợi

Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.
TPO - Ngày 28/6, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương chủ trì Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020 và sơ kết 6 tháng đầu năm 2019 của tỉnh Thanh Hóa.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh Thanh Hóa thời gian qua, đặc biệt từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Kết quả 6 tháng đầu năm 2019 tại Thanh Hóa, GDP ước đạt 22,18%, cao nhất từ trước đến nay, cao nhất trong các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thu ngân sách ước đạt gần 13,8 ngàn tỷ và từ một tỉnh thường xuyên nhận hỗ trợ của TW, Thanh Hóa đã vươn lên tự cân bằng thu chi ngân sách và phấn đấu trở thành tỉnh có nguồn thu điều tiết về TW. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm thực hiện, tạo sự đoàn kết, ổn định và vững chắc trong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh... 

Thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Bình đề nghị tỉnh Thanh Hóa cần phân tích làm rõ các tiềm năng, lợi thế so sánh với các tỉnh trong toàn quốc, khu vực và thế giới. Cần tận dụng lợi thế vị trí chiến lược của mình với hệ thống bờ biển, cảng nước sâu; có vùng duyên hải ven biển, đồng bằng và trung du… để kêu gọi đầu tư. Bên cạnh khai thác lợi thế về du lịch, Thanh Hóa phải là một tỉnh công nghiệp để giúp tăng năng suất lao động, giá trị gia tăng và tạo nền tảng vững chắc cho tương lai. Công nghiệp cần lấy lọc hóa dầu và các sản phẩm hóa dầu là chủ đạo. Song song với đó, cần có tầm nhìn về vấn đề đô thị hóa, vấn đề liên kết vùng với các địa phương lân cận để tận dụng tối đa hiệu quả từ chuỗi các sản phẩm công nghiệp. Đối với 11 huyện miền núi ở Thanh Hóa cần tập trung vào giao thông; nghiên cứu các loại cây ăn quả phù hợp với đặc điểm của địa phương; nghiên cứu các chương trình trồng các loại gỗ lâu năm, chăn nuôi đàn gia súc theo mô hình trang trại lớn, kêu gọi các doanh nghiệp thu hút nhiều lao động để hỗ trợ việc làm cho nhân dân tại địa phương…

Tại hội nghị, Ban Kinh tế Trung ương ghi nhận đề xuất của tỉnh về việc có 1 nghị quyết riêng cho Thanh Hóa để không chỉ tạo định hướng, động lực mà quan trọng hơn là tạo một số cơ chế chính sách đặc thù cho sự phát triển của Thanh Hóa trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG