Thanh Hóa: Nguy cơ dịch bệnh trên diện rộng

Thanh Hóa: Nguy cơ dịch bệnh trên diện rộng
TP - Một cán bộ xã thuộc huyện Thạch Thành cho biết: Có đến 95% người dân trong xã đang mắc các chứng bệnh do mất vệ sinh như tiêu chảy, đau mắt, ho...
Thanh Hóa: Nguy cơ dịch bệnh trên diện rộng ảnh 1
Đoạn đường từ Quan Hóa vào ba xã Trung Thành, Trung Sơn, Thành Sơn bị sạt lở nghiêm trọng.  Ảnh: Hoàng Lam

Chiều qua (9/10), Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa xung quanh việc khắc phục hậu quả lũ lụt.

Ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Mưa lũ mấy ngày qua đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Tính đến 21 giờ ngày 9/10, đã có 15 người chết, 3 người mất tích và 20 người bị thương.

Toàn tỉnh có 146 xã bị ngập hoàn toàn, chủ yếu thuộc các huyện Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Thọ Xuân, Thiệu Hóa. Toàn bộ đê sông Bưởi thuộc các huyện Thạch Thành và Vĩnh Lộc đã bị tràn, nhiều đoạn bị vỡ. Nhiều tuyến đê sông Chu, sông Mã, sông Lạch Trường, sông Lèn bị tràn, thấm và sạt lở nghiêm trọng.

Mưa lũ làm gần 10.000 ngôi nhà bị đổ, trôi, tốc mái và hư hỏng nặng; hơn 42.300 hộ dân bị ngập; hơn 60.000 ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hại; hơn 73.000 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi; 30.000 tấn lương thực bị hư hỏng... Ước tính thiệt hại ban đầu lên tới hơn 1.100 tỷ đồng.

Sau khi nghe báo cáo tình hình thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhận định: Mặc dù thiệt hại rất nặng nề nhưng nhờ sự chỉ đạo kịp thời, phối hợp hiệu quả giữa các ban, ngành địa phương nên đã hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Hiện nay, nước đang rút xuống cũng là lúc sức khoẻ người dân bị đe dọa nghiêm trọng, do đói, khát và bệnh tật. Nếu để xảy ra dịch bệnh trên diện rộng thì sẽ là thảm họa, nguy hiểm cho tính mạng hàng trăm, hàng ngàn người.

Vì thế, toàn tỉnh phải tập trung lực lượng giúp người dân vùng lũ không bị đói ăn, thiếu nước sạch và bệnh tật. Cần huy động ngay cán bộ và cơ sở vật chất của cả 27 Trung tâm y tế trong tỉnh vào cuộc để vệ sinh môi trường, chăm lo sức khoẻ cho người dân. Để giúp người dân khắc phục hậu quả lũ lụt, Phó Thủ tướng đồng ý cấp gạo cho người dân bị lũ lụt đủ ăn trong 3 tháng...

Nước rút, bệnh tật gia tăng

Thanh Hóa: Nguy cơ dịch bệnh trên diện rộng ảnh 2
Người dân xã Đức Long (Nho Quan, Ninh Bình) phải dùng thuyền đi lại  
Ảnh: Trần Thanh

Chiều qua, chuyến xe đầu tiên của Sở Y tế chở 5.000 túi thuốc đã lên đường đến các huyện bị lũ lụt tàn phá dữ dội là Vĩnh Lộc và Thạch Thành.

PV Tiền phong đã cùng các đoàn viên thanh niên, cán bộ công nhân viên Sở Y tế trực tiếp đến các xã của hai huyện này để phân phát thuốc men cho người dân. Nơi đầu tiên chúng tôi đến là xã Vĩnh Long (huyện Vĩnh Lộc). Dù nước đã rút nhưng các phương tiện vẫn rất khó khăn khi tham gia giao thông.

Nhìn trên những mảng tường, dấu vết nước ngập tại nhiều nhà dân đo được tới cả mét. Nước rút để lại bùn lầy dày hàng chục cen-ti-met, có nơi bùn ngập cả mét. Ngay gần trụ sở UBND xã, xác gà vịt và lợn chết vẫn còn vương vãi; mùi xú uế bốc lên nồng nặc.

Vừa nhận được túi thuốc (bao gồm các loại thuốc chống tiêu chảy, hạ sốt, đau mắt...), chị Hoàng Thị Hải đã nhanh chóng tìm thuốc đau mắt nhỏ ngay cho đứa con gái mới 6 tháng tuổi.

Chị nói trong nước mắt: “Cháu đồng thời bị đau mắt, sốt và tiêu chảy hai ngày nay rồi nhưng không có thuốc trị...”. Nghe có đoàn cấp phát thuốc đến, anh Nguyễn Văn Thanh chạy  bộ từ xã Vĩnh Hưng sang xin được cấp thuốc.

Gia đình anh có 6 người, bố mẹ đã già, mấy ngày nay đói rét, yếu đi nhiều. Vợ anh bị đau ở tay nên không làm được việc gì, kể cả lúc hoảng loạn chạy lũ; nay lại bị tiêu chảy và ho. “Chỉ chậm vài ngày nữa thôi, không có thuốc thì chúng tôi khó qua khỏi” - Anh Thanh nói.

Tại xã Vĩnh Hưng - nơi bị lũ dữ cô lập mấy ngày qua, nhiều đoạn đường không thể đi lại do bùn lầy. Dù rất cố gắng nhưng chúng tôi vẫn chưa thể vào được hết các thôn trong xã. Nhiều nơi nước vẫn lênh láng; rác rưởi, nhất là xác động vật chết, trôi khắp nơi.

Một cán bộ xã cho biết: Có đến 95% người dân trong xã đang mắc các chứng bệnh do mất vệ sinh như tiêu chảy, đau mắt, ho... Người dân trong xã đang ngày đêm cầu cứu thực phẩm, nước uống và thuốc men.

Đó cũng là thực tế ở hầu hết các xã của hai huyện Vĩnh Lộc, Thạch Thành. Theo ghi nhận của PV Tiền phong, nguy cơ dịch bệnh trên diện rộng là rất cao!

Miền núi Thanh Hóa: Ách tắc giao thông trầm trọng

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu:

Không để dịch bệnh phát tràn lan

Chiều 9/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cùng lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đã thăm và tặng quà bà con xã Đức Long, huyện Nho Quan, một trong những xã thiệt hại nặng nề nhất do nằm trong vùng xả lũ.

Bộ trưởng hỏi thăm sức khỏe cán bộ và người dân xã Đức Long; đồng thời động viên vượt qua khó khăn, từng bước khắc phục hậu quả của lũ sau khi nước rút, giúp bà con ổn định cuộc sống trở lại.

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu đã thăm Trạm Y tế xã và trò chuyện với các cán bộ, nhân viên Trạm Y tế xã Đức Long. Bộ trưởng nhắc nhở:

Anh chị em Trạm Y tế phải cố gắng, khám và cấp thuốc kịp thời cho bà con; phối hợp ngành y tế tuyến trên, tuyên truyền, giúp bà con cải thiện môi trường sau khi nước rút, không để dịch bệnh phát tràn lan.

Do ảnh hưởng của đợt mưa, lũ vừa qua, đến ngày 9/10, trên địa bàn các huyện miền núi vùng cao ở Thanh Hóa, hàng chục điểm sạt lở trên quốc lộ 217, tỉnh lộ 520 và nhiều tuyến đường liên huyện vẫn chưa được khắc phục, gây ách tắc giao thông trầm trọng.

Bên cạnh đó, hệ thống điện lưới quốc gia bị hư hỏng nặng, nhiều hệ thống nước sạch bị phá hủy hoàn toàn. Đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở những khu vực này gặp rất nhiều khó khăn sau khi lũ qua, nước rút.

Chiều 9/10, PV Tiền phong đã có mặt tại một số huyện miền núi phía tây Thanh Hóa và ghi nhận những khó khăn của đồng bào nơi đây.

Từ tỉnh lộ 520, đoạn từ thị trấn Quan Hóa đi huyện Mường Lát, hàng chục điểm sạt lở tại các xã Trung Lý, Pù Nhi, Tam Chung, Hiền Kiệt chưa được khắc phục. Đây là con đường huyết mạch nối Mường Lát đến các huyện, thị trong tỉnh Thanh Hóa.

Đến thời điểm này, cơ bản các phương tiện giao thông chưa thể lên Mường Lát được. Quốc lộ 217, đoạn từ Đồng Tâm (huyện Bá Thước) đi huyện Quan Sơn, lên cửa khẩu Quốc tế Na Mèo vẫn đang bị chia cắt hoàn toàn do sạt lở 45m tại Km181+200 (xã Mường Mìn).

Từ Quan Hoá lên 3 xã vùng cao Trung Sơn, Trung Thành, Thành Sơn đã bị chia cắt nhiều ngày qua do nước lũ cuốn đất đá trên đồi xuống. Phương tiện duy nhất để vào các xã này là xuồng trên sông Mã, rất nguy hiểm tính mạng.

MỚI - NÓNG