Thanh Hoá: Nhiều khó khăn ở nơi tránh lũ

Thanh Hoá: Nhiều khó khăn ở nơi tránh lũ
TPO - Ngày 13/10, trên địa bàn huyện miền núi Thạch Thành không còn mưa, nước lũ đang rút chậm dần, hàng nghìn nóc nhà vẫn chìm trong nước lũ, người dân lay lắt chống chọi với những khó khăn.
Thanh Hoá: Nhiều khó khăn ở nơi tránh lũ ảnh 1

Đến chiều 13/10, nước vẫn cô lập nhiều nơi ở Thạch Thành. Ảnh: Hoàng Lam.

Nước bắt đầu rút, nhưng đường vào trung tâm huyện vẫn bị chia cắt hoàn toàn, nước vẫn ngập băng nhiều đoạn đường. Sáng 13/10, dọc bờ đê sông Bưởi, nhiều người đứng lặng nhìn về phía bên kia dòng lũ vẫn đang cuộn mình xiết chảy bên những nóc nhà. Trên đoạn đê hữu sông Bưởi thuộc thôn Thạch An, xã Thạch Định, hàng chục lều lán được dựng tạm bợ cho cả gia súc, gia cầm, đồ dùng sinh hoạt và người dân lưu trú. Đường vào thôn xóm bị ngập hoàn toàn, những gia đình tránh lũ ngay tại nhà ở trên tầng 2 bắt đầu cần sự chi viện của đồ dùng sinh hoạt. Mấy chiếc thuyền tôn mỏng manh, chòng chành là phương tiện chủ yếu để người dân sử dụng cho việc di chuyển người, tiếp tế lương thực.

Anh Nguyễn Văn Trí, thôn Thạch An, xã Thạch Định lo lắng: Mấy ngày qua, hầu hết mọi người chủ yếu sử dụng mì tôm để ăn. Toàn bộ đồ đạc trong nhà ngâm mấy ngày rồi, chỉ mong nước lũ rút nhanh để cứu được đồ gì thì cứu, cứ thế này xót xa lắm.

Chưa kịp nói hết câu, nhìn thấy những mảng mây u tối trên đầu, thông tin dự báo về đợt mưa bão sắp tối đổ về miền trung khiến cho anh Trí càng thêm lo lắng.

Thanh Hoá: Nhiều khó khăn ở nơi tránh lũ ảnh 2 Người dân nhận thuốc đau mắt, đau bụng.... Ảnh: Hoàng Lam.

Tránh lũ ngày thứ 3, nhiều người dân ở thôn Thạch An bắt đầu xuất hiện các loại bệnh đau bụng đi ngoài, đau mắt, ngứa chân tay... Trưa 13/10, một số loại thuốc thông thường đã được người có trách nhiệm cấp phát, hướng dẫn cho người dân ngay trên nơi tránh trú.

Khó khăn khi sinh hoạt tạm ở những nơi tránh trú, nhưng điều đó không làm giảm đi sự gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau của người dân vùng lũ.

Trong lều tạm của chị Phạm Thị Cảnh, bên âm thanh xiết chảy của dòng lũ là tiếng gà, lợn rên rỉ. Em trai chị Cảnh vừa bắt được vài ba con cá từ dòng lũ. Chị Cảnh lúi húi tìm vài gọng củi khô nướng chín, dành phần cho mấy đứa cháu nhỏ.

Phía dưới con đường ngập nước, một số hộ gia đình ở xã Thạch Định đang tìm cánh hỗ trợ đồ sinh hoạt cho người thân tránh trú tại nhà nhưng cũng không ngại ngần gác lại việc nhà, chở một sản phụ (ở xã Thành Trực) chuẩn bị sinh, đi gần 5 km trên mặt nước để về bệnh viện. Còn anh Mai Văn Lê, một cán bộ của Trường THCS Thành An thì tự nguyện cấp phát nước sạch miễn phí cho người dân đang tránh trú lũ ở thôn Thạch An...

Thanh Hoá: Nhiều khó khăn ở nơi tránh lũ ảnh 3
Thanh Hoá: Nhiều khó khăn ở nơi tránh lũ ảnh 4 Một số hình ảnh sinh hoạt nơi tránh lũ của người dân vùng lũ tại thôn Thạch An, xã Thạch Định, huyện Thạch Thành. Ảnh: Hoàng Lam.

Theo ghi nhận nhanh, đến chiều 13/10, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có 14 người chết, mực nước lũ ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang rút dần. Ngành chức năng, chính quyền các địa phương, cùng nhân dân đang nỗ lực khắc phục hậu quả sau lũ để sớm ổn định cuộc sống.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.