Thanh Hoá sẽ trở thành một cực tăng trưởng mới

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Ngày 31/8/2020, tại Thanh Hóa, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai, thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị “về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Tham dự có đại diện Lãnh đạo của các ban, bộ, ngành Trung ương. Về phía tỉnh Thanh Hóa, có đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Lãnh đạo tỉnh, đại diện các sở, ban, ngành và 38 đầu cầu trực tuyến cấp huyện, 322 cấp xã tới toàn thể đảng viên và nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

Thanh Hóa là một tỉnh lớn, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là cầu nối giữa Bắc Bộ và Trung Bộ; là tỉnh đông dân thứ 3 cả nước (3,7 triệu người, chỉ sau Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh). Là một trong những tỉnh có nhiều huyện, nhiều xã nhất cả nước. Có 4 vùng kinh tế (miền núi, trung du, đồng bằng và ven biển). Có bờ biển dài (102 km), có đường biên giới dài với Lào (192 km).

Thanh Hoá sẽ trở thành một cực tăng trưởng mới ảnh 1
 

Về lịch sử, Thanh Hóa có bề dày lịch sử, là quê hương của trống đồng Đông Sơn- biểu tượng của nền văn hóa Việt Nam; là vùng đất địa linh, nhân kiệt; đất phát tích của “Tam Vương Nhị Chúa” (vua Lê Hoàn, Lê Lợi, Hồ Quý Ly; hai chúa là chúa Trịnh, chúa Nguyễn); vùng đất có truyền thống hiếu học…

Thanh Hoá sẽ trở thành một cực tăng trưởng mới ảnh 2

Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá phát biểu tại hội nghị

Nhân dân Thanh Hóa giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Thanh Hóa được coi là “đất phên dậu” chiến lược, căn cứ địa, hậu phương của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Trong lịch sử, nhân dân Thanh Hóa đã đứng lên tham gia khởi nghĩa Bà Triệu, Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Lê Lợi… Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Thanh Hóa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hậu phương, đóng góp rất to lớn đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Khi thăm Thanh Hóa, Bác Hồ đã mong muốn Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh kiểu mẫu.

Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, Thanh Hóa đã đạt nhiều thành tựu phát triển kinh tế- xã hội; kinh tế tăng trưởng cao (bình quân trên 10%/năm), luôn thuộc nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt; quốc phòng, an ninh củng cố vững chắc…

Những thành tựu này rất quan trọng và đáng tự hào, tạo nên diện mạo phát triển mới cho Thanh Hóa. Tuy nhiên, tiềm năng, lợi thế và năng lực nội sinh của Thanh Hóa, nhất là tiềm năng con người và chiều sâu văn hóa - lịch sử, còn rất lớn. Nếu phát huy hiệu quả những tiềm năng này, thì Thanh Hóa còn phát triển nhanh hơn nữa, bền vững hơn nữa, và đóng góp quan trọng hơn nữa vào phát triển chung của đất nước.

Thanh Hoá sẽ trở thành một cực tăng trưởng mới ảnh 3

Các đại biểu tham dự hội nghị

Trên cơ sở đánh giá toàn diện, sâu sắc các mặt về Thanh Hóa, nhằm ghi nhận những thành quả đã đạt được; động viên, khích lệ những nỗ lực của Thanh Hóa trong những năm qua; khẳng định quan điểm của Đảng về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của Thanh Hoá; tạo sự thống nhất cao trong tư tưởng và nhận thức; mở đường cho giải pháp mới, đột phá, tháo gỡ khó khăn, thu hút nguồn lực, trong bối cảnh mới, tạo động lực và không gian phát triển mới cho Thanh Hóa, đồng thời cũng là cơ hội để cả nước biết nhiều hơn về Thanh Hóa, ngày 5/8/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đây là lần đầu tiên, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về phát triển Thanh Hóa. Tại Nghị quyết này, Bộ Chính trị đã xác định rõ 5 quan điểm cho Thanh Hóa. Thanh Hoá là tỉnh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, có vai trò kết nối vùng đồng bằng Sông Hồng, Tây Bắc với Bắc Trung Bộ. Cụ thể: Vai trò, vị trí chiến lược của Thanh Hoá trong vùng và cả nước; chỉ ra tầm nhìn cho Thanh Hoá đến năm 2045 theo lời căn dặn của Bác Hồ. Tiềm năng, lợi thế; các trụ cột phát triển và triết lý phát triển của Thanh Hoá. Phương thức phát triển và nguồn lực phát triển của Thanh Hoá. Đặc thù phát triển của Thanh Hoá. Nền tảng, nhân tố quyết định sự thành công trong phát triển của Thanh Hoá.

Mục tiêu đến năm 2030: Thanh Hóa phải trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Là trung tâm của vùng và cả nước: công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; nông nghiệp; dịch vụ logistics, du lịch; giáo dục và đào tạo; y tế chuyên sâu và văn hoá, thể thao. Đặc biệt, Thanh Hóa phải là cực tăng trưởng mới; tứ giác tăng trưởng. Người dân có mức sống cao, các giá trị di sản văn hoá và lịch sử được bảo tồn và phát huy. Quốc phòng và an ninh được bảo vệ vững chắc; các tổ chức Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

  Tầm nhìn đến năm 2045: Thanh Hóa phải trở thành “Tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước”. Trong đó phải đảm bảo: Phát triển toàn diện các ngành kinh tế, có trọng tâm, trọng điểm. Phát triển hài hoà giữa các vùng, miền; thành thị và nông thôn. Phát triển nhanh, đột phá nhưng bền vững (kinh tế, xã hội và môi trường). Gắn phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh. Đảm bảo sự đoàn kết giữa các dân tộc.

Nghị quyết cũng đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp. Tuy nhiên để Thanh Hóa tổ chức thực hiện thành công thì việc “Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền” rất quan trọng. 

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao sáng kiến của Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị trực tuyến trực tiếp đến các đầu cầu, trực tiếp đến đồng bào, chiến sỹ Thanh Hóa. Đặc biệt, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết, Thanh Hóa đã xây dựng Chương trình hành động, khẳng định sự chủ động, nghiêm túc của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thanh Hóa trong triển khai Nghị quyết 58, quyết liệt đưa Nghị quyết quan trọng này đi vào cuộc sống.

Đồng chí nhấn mạnh, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 58 là kết tinh những nỗ lực rất to lớn của toàn thể cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Thanh Hóa trong suốt chặng đường lịch sử vừa qua, đồng thời là sự quan tâm sâu sát của Trung ương đối với tỉnh Thanh Hóa. Nghị quyết có một ý nghĩa hết sức quan trọng, là mốc son trong chặng đường xây dựng và phát triển của tỉnh Thanh Hóa, và còn là một mốc son để khẳng định vai trò quan trọng của Thanh Hóa trong những đóng góp đổi mới, phát triển của cả đất nước chúng ta. Nghị quyết đặt ra cho Thanh Hóa phải là một cực phát triển để tạo ra một tứ giác phát triển trên nền tảng tam giác phát triển là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Với sự phát triển của Thanh Hóa thì Thanh Hóa trở thành một cực phát triển, một động lực phát triển cho vùng Bắc Trung Bộ, tạo ra sự kết nối giữa Bắc Trung Bộ với tứ giác phát triển, đồng thời tạo ra sự kết nối giữa Bắc Trung Bộ, Thanh Hóa với Duyên hải Bắc Bộ cũng như với vùng Tây Bắc. Có nghĩa là với sự phát triển của Thanh Hóa, tạo ra sức lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển của hầu như toàn bộ các tỉnh phía Bắc. Điều đó cho thấy, Nghị quyết này không chỉ dừng lại việc phát triển cho Thanh Hóa mà còn góp phần thúc đẩy, lan tỏa cho các tỉnh trong cả nước.

Tuy nhiên, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết thì đồng chí Nguyễn Văn Bình đề nghị: Quán triệt triển khai Nghị quyết không phải chỉ là chương trình của các cấp ủy, của các cấp chính quyền, mà đặc biệt làm sao cho người dân cũng đồng tình ủng hộ và nắm chắc chương trình này, để qua đó người dân sẽ đồng hành, sẽ tham gia, sẽ ủng hộ các nội dung trong chương trình, nhưng đồng thời người dân cũng sẽ giám sát các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền trong việc quán triệt Nghị quyết. Để làm sao qua hàng năm, qua từng thời kỳ, người dân Thanh Hóa sẽ là người được thụ hưởng thành tựu của quá trình phát triển này - như vậy Nghị quyết mới thực sự đi vào cuộc sống, mới thực hiện hiệu quả các mục tiêu trong Nghị quyết.

Bên cạnh việc Thanh Hóa ban hành Kế hoạch, Chương trình hành động thì tới đây Chính phủ sẽ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ. Yêu cầu đặt ra là tuy là hai chương trình nhưng phải là 1, gắn kết với nhau. Trong đó, Chương trình của tỉnh phải được cụ thể hóa tới các cấp, từng cấp ủy, đảng viên, các. Tinh thần cốt lõi của báo cáo chính trị sắp tới phải thể hiện được toàn bộ tinh thần của Nghị quyết 58 này. Và mục tiêu cuối cùng vẫn là phải đưa được Nghị quyết đi vào cuộc sống.

Đồng chí cũng đánh giá cao sự tham gia của các ban, bộ, ngành Trung ương. Thể hiện sự tiếp tục quan tâm, đồng hành của Trung ương đối với Thanh Hóa. Bởi nếu chỉ Thanh Hóa quyết tâm thì chưa đủ mà phải có sự vào cuộc của các ban, bộ, ngành Trung ương thì mới có thể thực hiện hiệu quả.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình tin tưởng rằng, với bề dày lịch sử, với truyền thống cách mạng, với nền tảng văn hóa và với con người Thanh Hóa, nhất là trong giai đoạn hiện nay, với khát vọng, với quyết tâm rất là to lớn, chắc chắn trong thời gian tới, Thanh Hóa sẽ vươn mình đứng dậy để cùng với các địa phương trong vùng và cả nước, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị và lời căn dặn của Hồ Chủ tịch: “Tỉnh Thanh Hoá phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu, thì phải làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu. Một tỉnh kiểu mẫu, một nước kiểu mẫu, thì thế giới biết nước ta là một nước đáng được độc lập, thống nhất dân tộc tự do…”.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trịnh Văn Chiến cho biết, ngay sau khi được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020, để cụ thể hóa nội dung Nghị quyết của Bộ Chính trị và tổ chức triển khai thực hiện, ngày 27/8/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 215-KH/TU nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW, ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị và xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết. Mục đích là tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, tạo những bước phát triển toàn diện, đột phá của tỉnh theo đúng quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết. Chương trình cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết của Bộ Chính trị thành các mục tiêu, chỉ tiêu, các quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, các đề án, chương trình trọng tâm, khâu đột phá, các dự án lớn, các nghị quyết của cấp ủy để tổ chức thực hiện; gắn việc thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị với thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của các cấp ủy đảng trong tỉnh. Chương trình hành động phải thể hiện được vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị trong việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết. Chương trình hành động là căn cứ cho các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị xây dựng mục tiêu, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án cụ thể để chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân công; đồng thời , làm căn cứ để chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Với tinh thần đó, đồng chí Trịnh Văn Chiến mong muốn bên cạnh sự ủng hộ, tạo điều kiện của Trung ương thì các thế hệ lãnh đạo của Thanh Hóa, toàn thể quân và dân Thanh Hóa tiếp tục đóng góp, thực hiện quyết liệt hơn nữa để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu trong Nghị quyết.

Ba đột phá chiến lược của Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với những đột phá của Trung ương khóa XII, XIII: Đột phát về thể chế: Đột phá về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; cải cách hành chính công; mức độ ứng dụng và sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin. Cơ chế chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, phân cấp quản lý và tổ chức bộ máy, biên chế. Hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thể chế liên kết vùng. Đột phá về cơ sở hạ tầng: Đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối các cực tăng trưởng, kết nối với các tỉnh khác ngoài vùng (Tây Tây Bắc; đồng bằng sông Hồng: đường cao tốc, đường ven biển…); Trung tâm lôgicstic hạng I; Cảng nước sâu Nghi Sơn hạng I A; nâng cấp sân bay đạt tiêu chuẩn quốc tế… Đột phá về nguồn nhân lực chất lượng cao: Cán bộ lãnh đạo, quản lý; nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành, lĩnh vực; văn hoá và con người Thanh Hoá.

MỚI - NÓNG