Thành hoàng làng thời @

Trước nhà sàn ông Quách Lê Thanh.
Trước nhà sàn ông Quách Lê Thanh.
TP - Ông từng làm đến bậc thượng thư (tư lệnh ngành, bộ trưởng). Ông mất đã vài năm nay. Mới rồi ông lại được lên chức. Chức Thành hoàng làng.

Tôi về bản Muốt quê ông xã Cẩm Thành huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa ít lâu sau sự kiện 3 lần ông trả lại tiền chạy tội của một thuộc cấp gần 8 năm trước mà công luận từng hao tổn khá khá giấy mực. Cũng cần nhắc lại những cơn cớ khiến ông tạm thanh thản khi quyết định về hưu tại quê nhà. Trong đó có những lời thẳng thắn của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng trình lên cấp cao nhất.

Ba lần Lương Cao Khải đưa tiền cho đồng chí Quách Lê Thanh, đồng chí Quách Lê Thanh đều có báo cho tôi biết. Tôi đã giao tiền ấy cho một đồng chí có trách nhiệm ở Văn phòng Ban Nội chính giữ. Đồng chí đó không biết tiền ấy là tiền gì, có khả năng đồng chí nghi là tiền tiêu cực.

Lại nhớ thêm đoạn băng đã thu buổi ông Quách Lê Thanh bộc bạch trước sự  có mặt của nhiều ký giả...

... Tôi có một niềm tin trong vụ việc này. Về mặt pháp luật tôi không trái, về nguyên tắc Đảng tôi đã làm đúng, về đạo đức phẩm chất, tôi không ân hận. Tôi làm công tác nội chính 10 năm, 3 năm làm  Tổng Thanh tra Chính phủ. Thời gian 13 năm đó, tôi từng làm nhiều  công việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiểm tra Nghị quyết 15 về chống tham nhũng trong ngành công an; từng làm trưởng đoàn kiểm tra tiêu cực trong ngành Kiểm sát; đi Thái Bình để giải quyết khiếu nại tố cáo; làm thường trực  ở Ban chỉ đạo  T.Ư 6 lần 2...

Bao nhiêu vụ  việc  phức tạp đều giải quyết đúng nguyên tắc, đúng pháp luật và không tiền nào mua được. Trong những ngày này, tôi đã tự thống kê lại cuộc đời mình cho đến nay. 20 tuổi đ­ược vào Đảng, 30 tuổi làm Bí thư­ Huyện ủy, 38 tuổi làm Phó Bí thư­ Tỉnh ủy Thanh Hóa... cho đến giờ thì tổng cộng có 11 lần lên chức, 1 lần tự xuống và chắc lần này phải xuống. Vậy  thì trừ đi vẫn còn 9 lần lên chức. Lần tự xuống là lần đang là Phó Bí thư­ th­ường trực  Tỉnh ủy Thanh Hóa tôi xin xuống làm Bí th­ư Huyện ủy Cẩm Thủy quê tôi.

Lần đó có cả tự ái và tự giác. Lãnh đạo cao nhất của Đảng lúc đó  hỏi, tôi trả lời như­ thế.  Tự ái là vì khi các bác lớn tuổi ở tỉnh mất đoàn kết, các bác bảo cháu lên vì cháu là ngư­ời dân tộc, lại đang trẻ thì cháu  vô t­ư cháu nhận làm vì nghĩ là yên rồi. Không ngờ, các bác tiếp tục mất đoàn kết rồi kéo cháu vào mà trình bày thế nào thì trên vẫn cứ bảo mày phải có trách nhiệm.  Lúc ấy, Tr­ưởng Ban Tổ chức T.Ư nói cậu tính thế nào, hay ra T.Ư làm Phó Ban Dân tộc, hoặc làm Phó Bí th­ư Tỉnh ủy phụ trách kinh tế, không làm trực nữa.

Tôi nói, T.Ư điều ra bây giờ thì em xin không đi, vì ra T.Ư lúc nào cũng mang cái tiếng gây mất đoàn kết rồi. Em là ng­ười dân tộc, bố thì tổ phó sơn tràng, mẹ thì không biết một chữ, dòng họ thì không có ai làm quan, bây giờ có một tí chức thì mới kiếm đ­ược anh em chứ lúc đói khổ tìm có ông nào đâu. Cho nên em tự giác xin về làm Bí thư­ huyện Cẩm Thủy để làm ra ngô ra khoai, nuôi đ­ược bò đ­ược lợn cho bà con. Ng­ười dân vùng dân tộc Cẩm Thủy cần em nhiều hơn chứ không gạt bỏ em nh­ư trên tỉnh. Còn bây giờ trên bảo không dùng nữa thì tôi lại về Cẩm Thủy như ngày trước thôi...

Thành hoàng làng thời @ ảnh 1 Ông Quách Lê Thanh (phải) cùng ông Nguyễn Quốc Triệu.

Ông về Cẩm Thủy thật

Ngôi nhà sàn cũ đã không còn. Nhưng bản Muốt rộng lòng đón người con của bản những tưởng khuôn cứng mãn đời với đất Hà thành. Đáng nể công sức mới hơn 2 năm ông về quê nhà. Ngôi nhà sàn kiểu Mường anh em bà con xúm tay khá khang trang nghe nói chỉ hơn 20 triệu với nhiều công năng sử dụng theo lối mới. Đáng kể hơn, hệ thống mô hình Vườn Ao Chuồng theo kiểu của người biết nghề biết chuyên môn với gà ngan ngỗng hơn trăm con và đàn lợn thịt vài tấn. Viết đến đây chợt nhớ cái câu, tui phải làm thối cả móng tay. Câu ấy vận là chỉ vào ông Thanh. Tôi để ý thấy mấy móng chân, móng tay ông thối đen vì lội bùn…

…Chiều ấy quây tụ trên nhà sàn nhà ông có cả ông trưởng thôn. Biết thêm bản Muốt với hơn 50 nóc nhà sàn, góp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ 44 bộ đội trong đó đã có 20 liệt sĩ. Bản có 2 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trên 30 con em trong bản đã và đang học các trường đại học. Lại có 3 vị (trong đó có ông Thanh) từng giữ chức Bí thư huyện ủy là người của bản.

Đời sống  dân bản Muốt đang còn khó khăn mặc dầu hộ đói đã hết nhưng phổ biến vẫn là nghèo.

Ông trưởng thôn bộc bạch, việc ông Thanh dựng nhà làm vườn và tổ chức chăn nuôi như thế, thứ nhất là để làm kinh tế cho gia đình ông, thứ nữa là tấm gương để bà con phấn đấu làm theo.  Nhiều bận ông Thanh cùng xúm vào tháo gỡ hướng ra kinh tế vườn rừng. 580 ha vườn rừng của bản Muốt là một thế mạnh. Làm cách nào để sinh lợi từ đất rừng đây?.

Sau này tôi có gặp lại nhà thơ dân tộc Mường Vương Anh từng giao du với Quách Lê Thanh từ hồi trẻ. Vương Anh là tác giả tập Sử Thi Mường, tức Mo Mường, dày 10.000 trang. Vương Anh còn có giọng đọc  Mo Mường nhất hạng. Nhưng Vương Anh luôn tấm tắc rằng, ông Quách giọng đọc còn ma mỵ hơn ông?

Chuyện làm ăn tạm ngớt tiếp sang chuyện thơ. Tôi biết ông từng bập vào thứ đam mê khốn khổ này. Nhớ lại chuyện những năm xa, Quách Lê Thanh được giao việc tiếp nhà thơ Xuân Diệu khi đó vô Thanh Hóa. Nhà thơ Xuân Diệu: Cậu làm gì? Báo cáo anh em là Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy ạ. Xuân Diệu cau mặt, giọng chua hẳn quân tổ chức chỉ biết soi mói thì biết gì thơ phú… Nhưng bữa đó có phải vốn nhớ những thơ Huy Cận. Xuân Diệu… của Trưởng Ban tổ chức tỉnh ủy dồi dào biện ra đúng lúc nên nhà thơ lớn Xuân Diệu rất kết ông cán bộ họ Quách này. Lại thân thiết dặn ra Hà Nội cứ ghé nhà tôi 28 Cột C!.

Lần này ông đọc cho nghe hai bài. Bài thứ nhất có  những câu đại loại Vui vẻ ta về nơi chốn cũ/ Phủi bụi, trời trong giữa bản Mường. Hoặc Bìm leo cái dậu chơ vơ/ Tưởng đâu vãn chợ, ngẩn ngơ chốn này/Bờ không đổ, cột đâu lay/ Xứ Mường vẫn vững bàn tay chống chèo”.

Chợt nhớ ban nãy ông trưởng thôn có nhắc đến việc truyền Mo Mường? Tôi cũng không ngạc nhiên khi thấy vị trưởng thôn thì thào rằng cái nhà ông Thanh này có căn làm thầy mo lắm! Bởi có lần, hồi ông còn ở Ban Nội chính, một buổi tối tôi đến nhà ông cùng một người bạn làm ở Viện xã hội học. Anh bạn đã lấy làm lạ và kinh ngạc bởi  từ tầm 7 giờ tối đến tận khuya, Quách tiên sinh đã cao hứng trích đoạn vài nghi thức cúng lễ mo lên trời cũng như lễ cưới của người Mường.

Cứ như anh bạn cho hay, thực ra  đó là những trường ca truyền khẩu của dân tộc Mường. Kể cả những người nghiên cứu chuyên nghiệp còn phải giở sách ra mà đọc chứ không thể nhớ và đọc vo như ông Thanh được! Bữa đó ông Thanh đem cả chiếc máy ghi âm mà ông mới sưu tầm và ghi được trích đoạn một đêm mo Mường. Trong câu chuyện say sưa của gia chủ, tôi nhận ra cái chất Mường đang dần dần phát lộ qua cử chỉ, qua chất giọng như than, như hát của Quách tiên sinh!.

Đậm mãi trong tâm trí cái buổi chiều 30 tháng Tư năm 2010,  trong chuyến công cán, tôi với ông Nguyễn Quốc Triệu ghé nhà sàn bản Muốt của ông Thanh. Cái buổi chiều mà ngay tầm đó ngày mai, ông Thanh mất đột ngột vì căn bệnh tim quái ác…

Rồi cái tin dân bản Muốt trong một cuộc họp toàn thể đã nhất trí bầu ông là Thành hoàng làng.

Thành hoàng làng? (Thành là cái thành, hoàng là cái hào bao quanh cái thành; và khi ghép chung lại thành một từ dùng để chỉ vị thần coi giữ, bảo trợ cho cái thành)  Lẩn mẩn nhớ thêm, thành hoàng vốn là vị thần được tôn thờ chính trong đình làng Việt. Vị thần này dù có hay không có họ tên, lai lịch, dù xuất thân bất kỳ từ tầng lớp nào, thì cũng là chủ tể trên cõi thiêng của làng và đều mang tính chất chung là hộ quốc tý dân (hộ nước giúp dân) ở ngay địa phương đó. Vậy chả cần những lỉnh kỉnh sắc phong thời nọ thời kia, dân bản Muốt đã đồng thuận tôn bầu người con của bản mình, lúc sống từng dương trợ công huân với nước, những năm cuối đời lại từng công lênh việc này thứ khác cho dân bản. Khi mất vẫn tiếp tục cái mạch âm phò lợi dân ích bản?

Thôi thì cũng là thứ lệ làng là thứ hương ước thời… @?

Ngày dân bản tôn phong và thực hiện thủ tục rước bài vị của ông lên đình làng, tôi mắc việc xa không về kịp. Sau nghe thuật lại, thêm tường tận và mừng cho những thủ tục nghiêm cẩn hôm ấy được cử hành suôn sẻ: Cứ nghĩ lẩn thẩn. Dân nhớ. Dân thương. Dân bầu. Dân thờ… Cụm từ ấy từng nghe mãi nhắc mãi mà bao đời luôn mới? Và nữa, nếu ông trụ bám Hà thành đến ngày cuối, khi mất có động thái thủ tục này không nhỉ?.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.