Thành lập BCĐ PCTN địa phương: Dựa trên quy định pháp luật nào?

Thành lập BCĐ PCTN địa phương: Dựa trên quy định pháp luật nào?
TP- Ngày mai (20/6), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ cho ý kiến về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng ở các địa phương, sau khi nghe Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương (T.Ư) về phòng, chống tham nhũng báo cáo về vấn đề trên.

Trước đó, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tiến hành thẩm tra báo cáo này. Trao đổi với Tiền phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý nói:

Vấn đề nên hay không thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đã có nhiều tranh luận ngay từ khi nó còn nằm ở dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng.

Có ý kiến ủng hộ, có ý kiến không. Khi Luật Phòng, chống tham nhũng được ban hành, tại Điều 73 quy định về Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, chỉ quy định về Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống tham nhũng mà không có quy định về ban chỉ đạo ở các địa phương.

Tuy nhiên, Nghị quyết Đại hội X của Đảng và mới đây là Nghị quyết T.Ư 3 đều có những nội dung liên quan đến việc thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng ở T.Ư và địa phương.

Nghị quyết T.Ư 3 có ghi “việc tổ chức bộ phận chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng ở các cấp, các ngành thực hiện theo quy định của Chính phủ”. Như vậy nghị quyết của Đảng đã có, nên bây giờ cần phải thể chế hoá các nội dung đó.

Thưa ông, nghị quyết của Đảng cần phải được thể chế hoá, tuy nhiên trong khi luật pháp chưa có quy định nào về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở các địa phương, thì đến nay đã có nhiều ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng được ra đời ở các địa phương. Đã có nhiều ý kiến băn khoăn về vấn đề “Chính phủ chỉ được làm những gì pháp luật cho phép chứ không phải được làm những gì pháp luật không cấm”?

Đúng như cách đặt vấn đề đó, thì cần phải sửa Luật Phòng, chống tham nhũng, để bổ sung quy định về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở các địa phương.

Vấn đề đang tranh luận bây giờ là việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở các địa phương sẽ được thực hiện với hình thức pháp luật ra sao? Quy định nào và quy định ở đâu?

Vậy hiện đã có phương án nào cho vấn đề ông vừa nêu?

Có ý kiến cho rằng nên để cho UBTVQH thông qua chủ trương về việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở các địa phương, sau đó để Chính phủ quy định cụ thể.

Tuy nhiên ý kiến của tôi lại khác. Tôi cho rằng đây là vấn đề quan trọng và cơ quan chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cũng là một cơ quan rất quan trọng, vì hoạt động của cơ quan này sẽ có tác động rất lớn đến công tác phòng, chống tham nhũng.

Đặc biệt hoạt động của cơ quan này còn liên quan đến hoạt động của nhiều  ngành khác, trong đó có những ngành hoạt động mang tính độc lập như điều tra, truy tố, xét xử...

Khi trong Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng có sự tham gia của các cơ quan thuộc toà án và viện kiểm sát, tôi nghĩ nên sửa luật để điều chỉnh vấn đề này.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.