Thành lập BCĐ phòng chống tham nhũng tại các tỉnh

Thành lập BCĐ phòng chống tham nhũng tại các tỉnh
Hôm nay 27/8, Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng.  Theo đó sẽ thành lập BCĐ PCTN tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố đứng đầu.

Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào, việc thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng cho đến nay đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, do yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống tham nhũng và để phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật phòng, chống tham nhũng cũng cần phải sửa đổi.

Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành phố đề nghị cho phép thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng (BCĐ PCTN) tại địa phương (hiện đã có 20 tỉnh, thành phố thành lập BCĐ PCTN). Nhưng về mặt pháp lý thì Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 chỉ quy định về việc thành lập BCĐ Trung ương về phòng, chống tham nhũng, không quy định thành lập BCĐ PCTN ở tỉnh, thành phố.

Do vậy, Quốc hội đã quyết định sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Phòng, chống tham nhũng, thành lập BCĐ PCTN tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố đứng đầu có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vi địa phương.

BCĐ PCTN ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có mô hình tương tự BCĐ PCTN ở Trung ương. Tham gia BCĐ gồm các cơ quan: nội chính, tuyên truyền, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, trong đó có một thành viên chuyên trách giúp Trưởng BCĐ thực hiện nhiệm vụ.

Theo hướng này, bộ phận giúp việc BCĐ được tổ chức gọn nhẹ, gồm một số cán bộ, chuyên viên nằm trong bộ phận nội chính của Văn phòng UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Riêng ở cấp huyện và Bộ, ngành sẽ không thành lập BCĐ, việc chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng thuộc về trách nhiệm của người đứng đầu UBND cấp huyện và các Bộ, ngành.

Cũng trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng, sửa đổi Điều 74, quy định nhiệm vụ giám sát, phát hiện hành vi tham nhũng cho Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thay cho Ủy ban Pháp luật trước đây.

Theo Website Chính phủ

MỚI - NÓNG