Thanh niên 61 huyện nghèo nhất nước có cơ hội đổi đời

Thanh niên 61 huyện nghèo nhất nước có cơ hội đổi đời
TP- Bộ LĐ-TB&XH đang chuẩn bị đề án xuất khẩu lao động (XKLĐ) cho 61 huyện nghèo nhất nước (có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%), trình Chính phủ. Đây được coi là một trong những giải pháp sinh kế hữu hiệu, giảm nghèo nhanh, hiệu quả.

Phóng viên có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa, xung quanh chủ trương mới này.

Sẽ có chính sách đặc thù về tài chính và thị trường

Thưa ông, dự thảo đề án dự kiến đưa 20.000 thanh niên dân tộc ở các huyện nghèo nhất đi làm việc ở nước ngoài trong 2 năm tới liệu có lạc quan?

Chúng tôi biết sẽ rất khó, bởi ngoài khó khăn trong việc đi lại xa xôi, vất vả thì cái khó nhất khi thực hiện XKLĐ ở 61 huyện nghèo nhất này là đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm tới hơn 90%. Mà tâm lý của người dân tộc nói chung là  rất ngại xa nhà, chưa kể tới những khó khăn về trình độ văn hóa, trình độ nhận thức, phong tục tập quán và nhiều khó khăn khác ...

Nên để đưa được thanh niên ở những vùng này đi XKLĐ thì ngoài cơ chế chính sách đặc thù còn cần một quyết tâm chính trị rất cao của các bộ, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp đặc biệt là của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể của 61 huyện nghèo, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể của các xã nghèo, thôn bản nghèo, cấp gần dân nhất, sâu sát dân nhất...

Đây là một chủ trương, một mong muốn lớn của Đảng, Chính phủ trong rất nhiều các giải pháp giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân các huyện nghèo nhất nước. Nếu tất cả chúng ta quyết tâm vào cuộc, lo cho dân, tôi nghĩ đưa 500- 700 lao động/ huyện nghèo đi một năm là được.

Theo báo cáo của một số huyện nghèo thì nguồn không thiếu, nhu cầu cũng nhiều nhưng lo ngại nhất hiện nay là chất lượng dân số thấp, thanh niên dân tộc phần lớn có thể hình thấp bé, nhiều người nhiễm các bệnh về gan do tập tục uống rượu nhiều...

Ông nói sẽ có nhiều chính sách đặc thù cho XKLĐ ở 61 huyện nghèo, cụ thể là thế nào?

Thanh niên 61 huyện nghèo nhất nước có cơ hội đổi đời ảnh 1
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa

Hiện, chúng tôi đang bàn với các bộ ngành liên quan, trước mắt đều thống nhất một quan điểm là sẽ có cơ chế đặc thù trong cả 2  khâu quan trọng nhất của XKLĐ, là hỗ trợ về tài chính và hỗ trợ về thị trường.

Về cơ chế tài chính, với những chi phí trước khi đi, dự kiến, Nhà nước sẽ hỗ trợ toàn bộ tiền ăn, ở, học nghề, học tiếng. Hỗ trợ toàn bộ chi phí làm thủ tục visa, hộ chiếu, khám sức khỏe, đi lại đối với những lao động dân tộc thuộc 61 huyện nghèo khi tham gia XKLĐ.

Mức phí dịch vụ đối với từng loại hợp đồng do doanh nghiệp khai thác cũng sẽ được Bộ vận động xuống thấp tối đa để giảm chi phí thấp nhất cho người lao động. Đối với chính quyền, đoàn thể địa phương thực hiện công tác vận động tuyên truyền người đi XKLĐ, theo dõi giám sát thực hiện đề án XKLĐ tại địa phương cũng sẽ được hỗ trợ kinh phí hoạt động.

Về vay vốn tín dụng, người lao động thuộc 61 huyện nghèo khi tham gia XKLĐ sẽ được vay toàn bộ chi phí đủ trang trải theo qui định của hợp đồng đã ký với lãi suất ưu đãi.

Các doanh nghiệp XKLĐ tham gia chương trình này sẽ được Bộ lựa chọn, đặt trách nhiệm xã hội lên trên mục tiêu kinh doanh và sẽ được Nhà nước hỗ trợ đặt hàng đào tạo nghề, ngoại ngữ và giáo dục định hướng cho người lao động.

Về thị trường, bên cạnh các thị trường truyền thống với các hợp đồng có điều kiện làm việc đảm bảo, được thẩm định kỹ càng, thu nhập phù hợp, ổn định như Malayssia, Đài Loan, UAE, Bộ sẽ ưu tiên dành một lượng chỉ tiêu đáng kể đi Hàn Quốc và Nhật Bản cho lao động của 61 huyện nghèo nhất.

Chúng tôi mong muốn người nghèo đã đành nhưng người cận nghèo cũng tham gia chương trình này để khi trở về họ có vốn làm ăn, mở dịch vụ hoặc sản xuất tạo việc làm cho người nghèo trong vùng.

Thanh niên 61 huyện nghèo nhất nước có cơ hội đổi đời ảnh 2
Thí sinh đăng kí dự tuyển XKLĐ tại hội chợ việc làm tỉnh Hà Tĩnh

Lo từ A-Z

Thưa ông, với những lao động nông thôn vùng xuôi thực hiện các thủ tục đi làm việc ở nước ngoài đã khó, với lao động người dân tộc, đưa được họ ra khỏi nhà đã khó, đào tạo để họ tự lo cho mình những thủ tục như hộ chiếu visa... trước khi đi còn khó hơn. Bộ LĐ-TB&XH có lường trước những khó khăn này ?

Từ kinh nghiệm của một số doanh nghiệp đi trước, chúng tôi dự kiến triển khai theo phương châm hỗ trợ người lao động từ A-Z, nói như các doanh nghiệp là mình phải “ẵm” người lao động từ nhà lên sân bay.

Tức là Nhà nước có chính sách hỗ trợ gần như toàn bộ, địa phương có trách nhiệm tuyên truyền vận động chuẩn bị nguồn, doanh nghiệp có trách nhiệm đào tạo, huấn luyện đưa đi, đón về, quản lý và phải có trách nhiệm đến cùng với người lao động bởi với bà con dân tộc chữ tín hết sức quan trọng nên ngay cả xử lý rủi ro chúng tôi cũng có cơ chế đặc thù.

Hiện chúng tôi đã bàn với bên công an, tư pháp về cơ chế ủy quyền cho các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục cho lao động của 61 huyện này khi đi XKLĐ, chắc chắn sẽ được ủng hộ. Vấn đề còn lại hiện nay là phải tổ chức tuyên truyền vận động thế nào để người lao động quyết tâm đi. Với đồng bào dân tộc, tuyên truyền phải trực quan, thiết thực. 

Công tác đào tạo nghề cũng phải tính toán vì trình độ văn hóa của bà con có hạn, đào tạo nghề gì phải không quá phức tạp nhưng lại phải đảm bảo khi sang bên kia làm thu nhập không quá thấp, nghề không có nhiều rủi ro. Hiện, chúng tôi đang hoàn tất dự thảo lấy ý kiến các bộ ngành, hy vọng bắt đầu thực hiện vào đầu 2009.

Xin cảm ơn ông.

Vĩnh Hà
Thực hiện

MỚI - NÓNG