Thành phố Cà Mau khoác áo mới

Thành phố Cà Mau ngã ba sông. Ảnh: Tạ Hoàng Nguyên
Thành phố Cà Mau ngã ba sông. Ảnh: Tạ Hoàng Nguyên
TP - Thành phố Cà Mau đang chuyển mình thành đô thị hạt nhân, động lực của tỉnh Cà Mau và vùng Tây Nam. Cách nghĩ, việc làm của người Cà Mau hướng đến đô thị văn minh, hiện đại, phát triển bền vững thành phố trẻ đặc trưng vùng sông nước cực Nam Tổ quốc.

Mỗi lần đến, dường như thành phố Cà Mau gần hơn, những tuyến đường mới thông thoáng. Cùng với Quộc lộ 1A, các tuyến Quốc lộ 63, Quản lộ Phụng Hiệp, đường hành lang Ven Biển nối liền thành phố Cà Mau. Giấc mơ ngàn đời đang thành hiện thực, đường Hồ Chí Minh xuyên qua thành phố Cà Mau nối liền Ðất Mũi- vùng đất cực nam Tổ quốc.

Với vị trí, tầm vóc trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa- xã hội tỉnh Cà Mau, thành phố Cà Mau đang chuyển mình thành đô thị loại I. Ông Hồ Trung Việt, Bí thư Thành ủy Cà Mau nói: “Ðại hội Ðảng bộ thành phố Cà Mau xác định xây dựng thành phố Cà Mau thành đô thị loại I vào năm 2020, với những tiêu chí thành phố văn minh, hiện đại, đặc trưng sông nước”.

Năm 1999, thị xã Cà Mau được Chính phủ quyết định thành lập thành phố Cà Mau. Gần 10 năm, thành phố Cà Mau được công nhận đô thị loại II với dáng vóc cường tráng, lớn nhanh “áo may chưa xong đã chật”. So với tiêu chí đô thị loại II, thành phố Cà Mau còn “yếu” tỷ lệ vận tải hành khách công cộng 1,1%, mật độ đường ống thoát nước khu nội thị, tỷ lệ xử lý nước thải sinh hoạt, ngõ hẻm được chiếu sáng, đất cây xanh công cộng…

Ông Hứa Minh Hữu, Chủ tịch UBND thành phố Cà Mau nói: “Thành ủy, UBND thành phố xác định tập trung huy động nguồn lực phát triển và từng bước hoàn thiện tiêu chí đô thị loại II và hoàn chỉnh tiêu chí đô thị loại I”. Các dự án, công trình, đề án qui hoạch…của Trung ương, của tỉnh Cà Mau và thành phố Cà Mau được triển khai , tạo điều kiện thành phố Cà Mau phát triển nhanh hơn.

Phường 5 được công nhận “phường văn minh đô thị” và 4 xã đạt chuẩn “xã nông thôn mới” đang được nhân rộng để  thành phố Cà Mau phát triển sâu, rộng, nâng chất lượng cuộc sống. Ông Lê Thanh Tùng, Chủ tịch UBND phường 5 (thành phố Cà Mau) nói: “Chúng tôi được sự đồng thuận của bà con về ý thức tự quản, tự làm chủ về mọi mặt để xây dựng nếp sống văn minh”.

Thành phố Cà Mau điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Những tuyến đường đô thị Trần Hưng Ðạo, Quản lộ Phụng Hiệp, Nguyễn Tất Thành, Ngô Quyền, Nguyễn Trãi…được bà con đồng lòng góp công sức, tiền bạc lót trên 1.200.000m2 vỉa hè.

Hiện nay, thành phố Cà Mau triển khai 24 dự án phát triển đô thị mới, quy hoạch và phê duyệt được 54 đồ án với tổng diện tích 19.799ha về nông thôn mới, phân khu chức năng, nâng cấp đô thị, hạ tầng kỹ thuật.

Trên địa bàn nội thị có trên 218 tuyến đường, với tổng chiều dài hơn 154 km, xây dựng 376km lộ giao thông nông thôn. Các trục đường chính đang mở rộng, nâng cấp như đường Ngô Quyền về hướng U Minh, đường Huỳnh Thúc Kháng về Ðầm Dơi, đường Nguyễn Tất Thành về Cái Nước, Năm Căn, Ngọc Hiển, Quản lộ Phụng Hiệp vào cửa ngõ Ðông- Bắc thành phố Cà Mau,…

Thành phố Cà Mau có kinh xáng Phụng Hiệp, kinh xáng Bạc Liêu- Cà Mau, sông Gành Hào, Tắc Thủ…chảy qua mang đặc trưng thành phố vùng sông nước. Các dự án nạo vét, xây kè cứng, kè mền bằng cây đước, cây mấm sẽ tạo phong cảnh hữu tình, thân thiện môi trường.

Ðại hội Ðảng bộ thành phố Cà Mau (nhiệm kỳ 2015-2020) xác định: “Tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Ðảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển thành phố Cà Mau trở thành đô thị loại I, xứng tầm trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa- xã hội của tỉnh Cà Mau, là một trong 3 đô thị động lực của tỉnh Cà Mau và đô thị hạt nhân vùng Tây Nam. Xây dựng và phát triển thành phố Cà Mau theo hướng hiện đại, thể hiện rõ đặc trưng đô thị vùng sông nước, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng” (Trích Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ thành phố Cà Mau).

MỚI - NÓNG