“Thành phố nghĩa tình, năng động, sáng tạo”

“Thành phố nghĩa tình, năng động, sáng tạo”
"Kỷ niệm ngày 30/4 mỗi người dân, mỗi gia đình trong thành phố đều có thể tự hào và có thể khẳng định TPHCM là thành phố nghĩa tình, năng động, sáng tạo..."

Đồng chí Nguyễn Minh Triết 
              Ảnh: Nguyên Vũ

Nhân kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng chí Nguyễn Minh Triết – ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM đã có buổi trò chuyện thân mật với Tiền Phong.

Đồng chí đánh giá thế nào về lớp trẻ TPHCM hôm nay?

Lớp trẻ bây giờ thông minh, sáng tạo. TP HCM là nơi có những phong trào thanh niên tình nguyện hoạt động năng động, tích cực từ rất sớm.

Năm 1992, từ sáng kiến của Đoàn trường Đại học Sư phạm TP HCM đưa sinh viên về ngoại thành xóa mù chữ, khởi đầu cho chiến dịch ánh sáng văn hóa hè toàn thành phố.

Sau đó, ánh sáng văn hóa hè trở thành hoạt động cấp thành phố dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thành Đoàn - Hội Sinh viên thành phố và cũng trong mùa hè này chiến dịch được triển khai với quy mô lớn trên địa bàn TP HCM. Năm 1997, ánh sáng văn hoá hè được nâng cao lên một bước với tên gọi: Chiến dịnh tình nguyện Mùa hè xanh, bên cạnh chương trình xoá mù chữ, phổ cập tiểu học, ôn tập hè cho thiếu nhi.

Chiến dịch triển khai nhiều nội dung phong phú, như: đền ơn đáp nghĩa, truyền thông dân số - kế hoạch hoá gia đình, phòng chống ma túy - AIDS, tuyên truyền pháp luật, hoạt động khuyến nông, triển khai tiến bộ khoa học kỹ thuật, tổ chức văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao…

Mùa hè xanh hiện nay, lực lượng tham gia đã lên đến hàng trăm ngàn chiến sĩ tình nguyện, trong đó có cả những người lớn tuổi và địa bàn mở rộng đến nhiều tỉnh thành khác như: Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh long, Gia Lai, Phú Yên… đóng góp hàng ngàn công trình thiết thực cho bà con ở vùng sâu vùng xa.

Tuy nhiên, bên cạnh đó còn một số cán bộ đoàn thể còn làm việc hết giờ chứ không làm hết việc. Hay làm việc máy móc hay chưa đi sâu đi sát với phong trào, những nhu cầu chính đáng của thanh niên thì Đoàn cũng mới chỉ đáp ứng được phần nào.

Việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ trẻ và chú ý đầu tư cho chất xám được thành phố quan tâm như thế nào?

Những năm qua, thành phố luôn tạo điều kiện cho cán bộ trẻ được phát huy, được cống hiến, được đề bạt vào chức vụ chủ chốt. Đồng chí Võ Văn Thưởng, 32 tuổi từ Bí thư Thành Đoàn được đề bạt làm Bí thư quận ủy quận 12. Anh Phạm Đức Hải từ Phó Bí thư Thành Đoàn về làm Phó Bí thư quận ủy quận 5, anh Nguyễn Hữu Hiệp từ phó Bí thư Thành Đoàn về làm Phó Bí thư Cần Giờ. ở quận 3, có Phó Chủ tịch quận được đề bạt từ năm 27 tuổi, nay đã công tác ở cương vị này 3 năm.

Thành phố có nhiều chương trình để quy hoạch đào tạo và bồi dưỡng cán bộ trẻ. Nhiều lớp thanh niên trẻ đưa về cơ sở đã phát huy tốt cũng sẽ được cất nhắc trong nhiệm kỳ tới. Song song với đào tạo cán bộ, lãnh đạo thành phố yêu cầu cán bộ trẻ cần học thêm ngoại ngữ.

Thành phố còn sẵn sàng đầu tư cho chất xám. Sinh viên Đại học Bách khoa thành phố 2 lần thi Rôbốt quốc tế đều đoạt giải: một lần trên đất Nhật, một lần trên đất Hàn Quốc. Tôi quyết thưởng 200 triệu mà cảm thấy còn ít. Chính đồng chí Phan Văn Khải còn nói vui với tôi: “Bí thư chơi “ngon” hơn Thủ tướng!”.

Tôi được biết anh Phan Văn Biên – Viện trưởng viện Nông nghiệp làm ra được một giống lúa mới nhưng tiền thưởng không đủ chiêu đãi bạn bè một chầu bia. Tôi thách ông ấy: “Anh làm ra được một giống lúa mới tôi thưởng anh sống trọn đời”.

Một giống lúa mới làm lợi cho đất nước bao nhiêu tỷ đồng, tại sao mình không dám thưởng 1 tỷ đồng để anh ấy gửi tiết kiệm lấy tiền lãi ra ăn cả đời?

Đầu tư cho chất xám của mình chưa nhiều, nếu đầu tư tốt sẽ cho ra kết quả tốt. Năm rồi, 2 lần đến thăm Hội Văn học nghệ thuật thành phố, sau khi nghe anh em  trình bày, tôi chi thêm ngoài kế hoạch cho văn nghệ sĩ 6 tỷ đồng để anh em tích lũy và có tác phẩm.

Thưa đồng chí, để thành phố phát triển rất cần những tiếng nói tâm huyết từ mọi ngành, mọi giới, của mọi người dân. Chính quyền có chấp nhận, lắng nghe những lời nói thẳng thắn này không?

Thành phố đã thành lập Trung tâm thông tin (nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa) để lắng nghe những góp ý, những đề xuất của người dân cho thành phố. Đây là cái mới, nhiều người thấy còn lạ lắm, còn tôi thì nói vui: “Đây là nơi ai muốn chửi gì cứ chửi”.

 Những tiếng nói phản động thì mình đấu tranh nhưng tiếng nói hơi khác thì mình cũng lắng nghe chứ không phê phán người ta. Nói thì nói có chỗ, chứ không chấp nhận nói lung tung. Nếu vào Trung tâm thông tin nói, tôi xin lắng nghe và rót nước mời uống nữa.

Nhân đây, xin báo cho các bạn một tin vui: Nhân dịp lễ 30/4 này, TP HCM vinh dự đón nhận danh hiệu “Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới” do Nhà nước trao tặng.

Xin cám ơn đồng chí!

MỚI - NÓNG