Thành quả lớn vẫn sợ lơ là

Thành quả lớn vẫn sợ lơ là
TP - Khác với chiến dịch hay chương trình tiêm chủng, Tuần lễ tiêm chủng được Bộ Y tế phát động từ ngày 24 đến 30-4 tại Phú Thọ được coi là cú hích duy trì thành quả và thúc đẩy hoạt động tiêm chủng sâu rộng hơn. Đến nay, Việt Nam được đánh giá là nước sớm thanh toán được nhiều bệnh tật ở trẻ nhỏ nhờ tiêm chủng.

Tuần lễ tiêm chủng từ 24 đến 30-4:

Thành quả lớn vẫn sợ lơ là

Tại lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng toàn quốc, PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho biết, trên thế giới cứ 2 giây lại có một trẻ nhỏ chết do những bệnh tật có thể dự phòng được bằng vắc xin. Tổ chức Y tế thế giới cho biết, hơn 90% trẻ em chết dưới 5 tuổi đến từ các nước đang phát triển.

Đại diện các tổ chức quốc tế hỗ trợ Việt Nam triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) cũng cho hay, tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh tốt nhất, song trên thế giới, trong số 20% trẻ không được tiêm chủng phần lớn đang sống ở những nước đặc biệt khó khăn.

Trong Chương trình TCMR ở Việt Nam, tính đến năm 2010, có 8 loại vắc xin được áp dụng thay vì 6 loại so với trước kia. Ngoài ra, các loại vắc-xin khác được dùng ở những vùng có nguy cơ cao cho trẻ trên 1 tuổi là vắc xin viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn. Trong nhiều năm liên tục, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ ở trẻ em đều đạt trên 90%.

Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đánh giá, tỷ lệ trẻ mắc nhiều bệnh nhiễm trùng đã giảm hàng chục đến hàng trăm lần nhờ được tiêm vắc xin. Với nhiều bệnh, không còn thấy ca nào tử vong sau năm 2005. Việt Nam thanh toán được bệnh đậu mùa vào cuối những năm 70, bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ được uốn ván sơ sinh năm 2005 và đang tiến tới loại trừ bệnh sởi vào năm 2012. Việt Nam đã giảm được tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi và đạt được mục tiêu thứ tư của thiên niên kỷ trước thời hạn 8 năm.

GS-TS Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết, TCMR là chương trình ưu tiên của mọi quốc gia. Việc Việt Nam tiến hành TCMR sớm với nhiều loại vắc xin cho trẻ đã mang lại thành công lớn, góp phần làm thay đổi cơ cấu bệnh tật ở trẻ.

Trong tiêm chủng hướng tới thanh toán nhiều bệnh tật đã đặt ra có sự ưu tiên hỗ trợ cho vùng miền núi, vùng sâu, vùng khó tiếp cận, vùng bị thiên tai, đảm bảo công bằng xã hội. Theo lãnh đạo Bộ Y tế, để có thêm hàng triệu trẻ em, phụ nữ mỗi năm được bảo vệ khỏi các bệnh truyền nhiễm, được tiếp cận vắc xin mới, góp phần làm giảm gánh nặng xã hội do bệnh tật hoặc tử vong, hai đối tượng này cần được sự ủng hộ của chính quyền, bộ, ngành, đoàn thể, các tổ chức quốc tế.

TS Nguyễn Trần Hiển cho rằng, Tuần lễ tiêm chủng là dịp để nâng cao nhận thức cho cha mẹ của trẻ về tầm quan trọng của tiêm vắc xin. Kết quả đạt được trong thanh toán bệnh tật nhờ tiêm vắc xin sẽ chỉ có thể duy trì và phát huy được khi cha mẹ và những người chăm sóc trẻ không lơ là với việc phòng bệnh.

Theo một chuyên gia quốc tế dự lễ mít tinh, thời gian qua, một số trường hợp tử vong sau khi tiêm vắc xin viêm gan B đã khiến nhiều bà mẹ lo ngại. Tuy nhiên, việc tiêm phòng đã làm giảm tỷ lệ lây nhiễm vi rút viêm gan B rất rõ ràng…Về mức độ an toàn của vắc xin, TS Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ nhiệm Chương trình TCMR quốc gia, cho biết, thông thường phản ứng sau tiêm chủng ở trẻ nhỏ là những phản ứng trùng hợp. Có nghĩa là nếu không tiêm trẻ cũng bị phản ứng.

Sau khi có những ca phản ứng trùng hợp như thế thì thông qua điều tra, đánh giá, hội đồng khoa học của Bộ Y tế sẽ đưa ra kết luận cho từng trường hợp bị nặng. Tuy nhiên, đến nay, kết luận của hội đồng khoa học cho thấy, hầu hết các ca đều do phản ứng trùng hợp. Một số trường hợp phản ứng sau khi tiêm ở lần tiêm trước đó thì lần tiêm tiếp theo, trẻ sẽ có phản ứng mạnh hơn. Nguyên nhân là do cơ địa của trẻ, còn vắc xin thì rất an toàn.

TS Cường nhấn mạnh, không nên vì lo sợ mà làm chậm hoặc bỏ qua quá trình tiêm chủng cho trẻ, vì nếu không tiêm, trẻ mắc bệnh là đương nhiên. Và nếu tiêm không đúng lịch thì có khi trẻ đã mắc bệnh trước khi tiêm, lúc đó hiệu quả phòng bệnh sẽ thấp.

Hơn 30 bệnh nhiễm trùng có thể dự phòng bằng vắc xin. Ngoài làm giảm tỷ lệ mắc bệnh, tử vong, giúp trẻ phát triển thể chất và trí não bình thường, vắc xin còn giúp trẻ giảm mắc các bệnh khác, giảm số ngày ốm, nhập viện, chi phí chăm sóc y tế và giảm tình trạng tàn phế hay mất khả năng lao động do bệnh tật gây nên.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG